Đùn đẩy trách nhiệm
Như Thanh Niên đã thông tin, rất nhiều trường hợp ở TP.HCM nhà cho thuê bị chiếm dụng, chủ nhà cho rằng có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản bất hợp pháp, nhưng khi tố cáo thì chính quyền, công an lại cho rằng chỉ là tranh chấp dân sự. Vụ việc kéo dài phát sinh nhiều hệ lụy về an ninh trật tự, thậm chí xung đột dẫn đến đổ máu... Bạn đọc (BĐ) cho rằng nhà cho thuê bị chiếm dụng là hành vi chiếm đoạt tài sản bất hợp pháp. Đây là án hình sự chứ không phải là tranh chấp dân sự. Tại sao một sự việc rõ ràng như vậy cơ quan chức năng không xử lý dứt điểm cho dân mà đùn đẩy qua lại.
"Vấn đề đã quá rõ ràng. Khi hết hạn hợp đồng thuê nhà hoặc bên thuê vi phạm các điều khoản hợp đồng mà không chịu dọn ra, thì không có lý do nào để xem đó là tranh chấp dân sự, mà phải xem đó là chiếm dụng tài sản công dân", bạn L.H (Đồng Nai) nêu ý kiến.
Cùng quan điểm, BĐ Vân (Ninh Thuận) cho rằng: "Đây là hành vi chiếm dụng tài sản công dân nhưng cơ quan chức năng cố tình đùn đẩy trách nhiệm cho nhau khiến người dân bơ vơ... Trong xã hội pháp quyền thì quyền và lợi ích hợp pháp của công dân phải được nhà nước bảo vệ".
"Nhà mình, cho thuê. Hết hạn thuê, người thuê không trả. Mình đi kiện. Vô lý hết sức", BĐ Hoàng Tùng bức xúc.
"Ở nhà hết hợp đồng nhưng không dọn ra như vậy là muốn chiếm đoạt nhà người ta rồi. Ở một thành phố lớn mà công an và ủy ban đùn đẩy không giải quyết được những chuyện cỏn con như vậy sao?", BĐ Mai Anh (TP.HCM) thắc mắc.
"Xét về quản lý tạm trú anh không được ở đó vì anh không được chủ nhà đăng ký tạm trú, cái này trách nhiệm của công an khu vực quản lý địa bàn không tốt. Nhưng người thuê nhà không phải là tranh chấp dân sự với chủ nhà vì những người thuê nhà không có quyền lợi nghĩa vụ gì với căn nhà đó vì hợp đồng đã hết hạn. Tức người thuê nhà chiếm nhà bất hợp pháp, cái này luật đã quy định có thể khởi tố tội danh này", BĐ tên Na (TP.HCM) phân tích.
Chuyện nhỏ không xử lý sẽ thành chuyện lớn
Theo luật sư Hà Hải, Đoàn luật sư TP.HCM, khi bên thuê không giao lại nhà theo hợp đồng, họ sẽ nại ra nhiều lý do để tạo tranh chấp và tâm lý chính quyền địa phương lo ngại nếu giải quyết sẽ bị cho rằng đang lấn sân sang tòa án, sợ bị khiếu kiện, bồi thường... Vì vậy, đa số UBND phường sẽ hướng dẫn các bên khởi kiện ra tòa để đòi lại nhà. Trong khi đó, chủ sở hữu sốt ruột vì tài sản bị chiếm dụng, thất thoát dễ “tức nước vỡ bờ”, dẫn đến sử dụng các biện pháp có thể vi phạm pháp luật để lấy được nhà.
Cùng quan điểm, BĐ Như Anh (TP.HCM) cho rằng: "Tình trạng "không phân biệt được" tranh chấp dân sự và hình sự về vấn đề nhà đất là phổ biến, cứ dính tới nhà đất là cơ quan chức năng thường quy là tranh chấp dân sự. Người từ đâu tới nhổ rào, chiếm đất chính quyền cũng cho là tranh chấp dân sự chứ không phải lấn chiếm đất trái phép, hành vi bị chế tài trong luật hình sự".
"Chuyện nhỏ nhưng không xử lý sẽ thành chuyện lớn. Chẳng lẽ đợi đến lúc chết người mới xử lý. Ở nhà người ta mà không có bất cứ giấy tờ gì chứng minh quyền được phép ở (sổ đỏ không có, hợp đồng thuê hết hạn) mà cũng kêu là tranh chấp dân sự đưa ra tòa án được, cạn lời. Chẳng lẽ công an không xử được Chí Phèo?", BĐ tên Phú (Đắk Lắk) bức xúc.
Nhà cho thuê thì hết hạn phải trả cho người ta, không trả thì đó là hành vi chiếm đoạt. Trường hợp này chính quyền phải can thiệp ngay để lấy lại cho khổ chủ, chứ sao lại bảo tranh chấp dân sự, vô lý.
Tri (Bình Thuận)
Thuê nhà nhưng không trả lại nhà là hành vi chiếm đoạt tài sản, sao có thể xem là tranh chấp dân sự?
Hào Hoa (Hà Nội)
Hợp đồng đã hết hiệu lực, quyền và nghĩa vụ dân sự giữa các bên đã hết, rõ ràng là chiếm đoạt tài sản phải hình sự chứ.
Luân (TP.HCM)
|
Bình luận (0)