Chiến sự đến tối 14.10: Khả năng lính đánh thuê Nga và Ukraine chạm trán ở Bakhmut

14/10/2022 18:59 GMT+7

Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Valeriy Zaluzhnyi tuyên bố sẽ giành lại mọi lãnh thổ rơi vào tay Nga, trong khi các nguồn tin cho thấy cả Ukraine và Nga đều tập trung lính đánh thuê ở điểm nóng Bakhmut (Donetsk).

Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Valeriy Zaluzhnyi

reuters

Còi cảnh báo không kích đã được kích hoạt tại các vùng Odessa, Mykolaiv, Poltava, Chernihiv, Sumy và Cherkassy ở Ukraine vào chiều 14.10, theo TASS dẫn thông báo của các chính quyền địa phương trên Telegram. Còn theo truyền thông Ukraine, cảnh báo không kích cũng được triển khai ở Kirovograd và Dnipropetrovsk.

Xem nhanh: Chiến sự Nga-Ukraine ngày thứ 232 có gì nóng?

Lính đánh thuê Nga lẫn Ukraine xuất hiện gần Bakhmut?

Theo báo The Guardian dẫn báo cáo của quân đội Anh, trong 3 ngày qua lính Nga đã đạt được đà tiến quân chiến thuật về hướng trung tâm Bakhmut thuộc tỉnh Donetsk. Tuy nhiên, tình báo Anh nhận định rằng điều này diễn ra rất chậm chạp và đa phần nhờ vào lính đánh thuê của công ty Wagner Group.

Trong khi đó, một quan chức của Cộng hòa Nhân dân Luhansk (LPR) tự xưng, đã sáp nhập vào Nga, nói rằng chính quyền Kyiv triển khai lính đánh thuê nước ngoài gần Bakhmut. Nhiệm vụ của nhóm này là ngăn ngừa sự triệt thoái của các đơn vị khác của quân đội Ukraine, TASS đưa tin.

Điều này cho thấy lính đánh thuê của hai phe đang tập trung gần Bakhmut.

Quân đội Nga sẽ bị "tiêu diệt" nếu tấn công hạt nhân Ukraine

Về tình hình chiến sự hiện tại, Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Valeriy Zaluzhnyi nhận định rằng chiến trường “đang diễn biến phức tạp nhưng vẫn theo hướng kiểm soát được”. Quân Ukraine tiếp tục triển khai chiến dịch phản công nhằm đoạt lại những phần lãnh thổ rơi vào tay Nga trong những ngày đầu của chiến dịch quân sự.

TASS đưa tin ngày 13.10, Moscow thông báo lực lượng nước này sẽ giúp sơ tán người dân ở Kherson đến nơi khác. Giới phân tích quân sự phương Tây nói rằng đây là dấu hiệu cho thấy quân Nga đang chật vật trước đà tiến của Ukraine.

Tổng thống Putin kêu gọi thiện chí để giải quyết xung đột toàn cầu

Cũng trong hôm 14.10, tại hội nghị Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) tổ chức ở Astana (Kazakhstan), Tổng thống Nga Vladimir Putin thúc giục các nước hãy dùng sự thiện chí để dàn xếp các cuộc xung đột trên toàn thế giới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị thượng đỉnh CIS

reuters

Ông Putin cũng nói rằng Nga “hoan nghênh nỗ lực trung gian của bất kỳ ai, miễn hướng đến mục đích làm ổn định tình hình và mang đến lợi ích cho tất cả các bên can dự vào cuộc xung đột”. “Điều này cũng áp dụng cho các đối tác của chúng tôi, trải dài từ Mỹ đến châu Âu”, nhà lãnh đạo Nga cho biết.

Sự kiện ở thủ đô của Kazakhstan nhận được sự tham gia của các nhà lãnh đạo Azerbaijan, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Turkmenistan, Tajikistan, Uzbekistan và Nga.

Tổng thống Putin muốn bắt tay Thổ Nhĩ Kỳ với kế hoạch thay thế Nord Stream

Phát biểu bên lề hội nghị CIS, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko xác nhận nước này đang phát lệnh cảnh báo cao độ đối với nguy cơ khủng bố. Đó là lý do Belarus phải kích hoạt các quy trình triển khai lực lượng liên quan với Nga, trong đó cơ bản bao gồm quân đội Belarus và được bổ sung bởi những đơn vị của Nga.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Vladimir Makei của Belarus cho hay cơ quan an ninh nội địa vừa được cấp quyền xử lý các mối đe dọa đối ngoại, từ việc ngăn chặn đến ứng phó những động thái khiêu khích từ các nước láng giềng, theo báo Izvestia.

Báo Nga cũng liệt kê những quyền hạn mới của cơ quan an ninh, bao gồm bắt giữ để xác nhận danh tính kẻ tình nghi, hạn chế di chuyển, cài đặt thiết bị nghe lén và kiểm soát toàn bộ nội dung trao đổi liên lạc, cũng như được phép lục soát bất kỳ nơi nào để phục vụ điều tra.

Báo chí phương Tây trong tuần này ghi nhận nhiều hoạt động quân sự trên lãnh thổ Belarus, mà theo phương Tây là dấu hiệu tiềm tàng cho thấy ông Lukashenko có thể chỉ đạo quân đội hỗ trợ chiến dịch của Nga tại Ukraine.

Xem thêm: Belarus tăng quyền hạn cho cơ quan an ninh xử lý mối đe dọa nước ngoài

Quang cảnh hội nghị ở Strasbourg (Pháp) vào hôm 13.10

afp/getty

Châu Âu bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết nói Nga là "chế độ khủng bố"

Tại hội nghị ở Strasbourg (Pháp) vào hôm 13.10, hội đồng đại diện 46 quốc hội trên khắp châu Âu đã bỏ phiếu gần như nhất trí trong việc đưa ra nghị quyết kêu gọi các nước châu Âu hãy tuyên bố Nga là "chế độ khủng bố".

99 trong số 100 thành viên của Hội đồng Nghị viện của Ủy hội châu Âu (PACE) đã bỏ phiếu ủng hộ việc soạn thảo nghị quyết. Chỉ có một nghị sĩ đại diện Thổ Nhĩ Kỳ bỏ phiếu trắng.

PACE là cơ quan nghị viện của Hội đồng châu Âu, độc lập với Liên minh châu Âu (EU). PACE có nhiều thành viên, từ các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Anh, cũng như những nước xuyên lục địa như Azerbaijan.

Trước đó, ông Putin cáo buộc phương Tây đang cố gắng hủy diệt nước Nga.

Pháp sẽ không dùng vũ khí hạt nhân nếu Ukraine bị tấn công hạt nhân

Tỉ phú Musk đòi Lầu Năm Góc chi trả dịch vụ vệ tinh ở Ukraine

Đài CNN dẫn tài liệu cho thấy vào tháng trước, Hãng SpaceX của tỉ phú Elon Musk đã gửi thư cho Lầu Năm Góc với nội dung hãng này không còn có thể tiếp tục cung cấp miễn phí dịch vụ internet vệ tinh Starlink cho Ukraine.

Trong thư, SpaceX đề nghị Lầu Năm Góc chi trả dịch vụ internet cho Ukraine, mà theo hãng này sẽ tiêu tốn hơn 120 triệu USD cho đến hết năm nay và 400 triệu USD cho 12 tháng tới.

Cho đến nay, SpaceX đã cung cấp miễn phí dịch vụ đến từ 20.000 đơn vị vệ tinh Starlink cho Ukraine.

CEO Musk: SpaceX không thể tài trợ internet vệ tinh Starlink cho Ukraine ‘vô thời hạn’

Xem thêm tình hình chiến sự:

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.