Chiến sự đến tối 30.11: Nga thử nghiệm lực lượng tên lửa, pháo binh ở Ukraine

Khánh An
Khánh An
30/11/2022 18:45 GMT+7

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho hay nước này đang thử nghiệm lực lượng tên lửa và pháo binh ở Ukraine, đồng thời sẽ tập trung xây dựng lực lượng hạt nhân chiến lược.

Vỏ đạn pháo, tên lửa của Nga do lực lượng công binh Ukraine gom lại tại Kharkiv vào ngày 29.11

reuters

Hãng Reuters ngày 30.11 đưa tin Bộ Quốc phòng Nga cho hay nước này đang thử nghiệm những phương thức chiến đấu mới của lực lượng tên lửa và pháo binh trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Song song đó, Bộ Quốc phòng Nga cho hay nước này sẽ đặc biệt nhấn mạnh việc xây dựng lực lượng hạt nhân chiến lược trong năm 2023 để phù hợp với những hệ thống tên lửa mới.

Xem nhanh: Ngày 279 chiến dịch Nga, NATO tái cam kết kết nạp Ukraine, đẩy mạnh viện trợ chống 'vũ khí giá rét'

“Khi chuẩn bị danh sách những cơ sở xây dựng lớn trong năm 2023, sự chú ý đặc biệt tập trung vào việc xây dựng lực lượng hạt nhân chiến lược”, theo hãng RIA dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu.

Ngoài ra, ông Shoigu cho hay 300.000 quân nhân dự bị, trong đó có những tình nguyện viên, đã được đào tạo trong 2 tháng kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh động viên một phần. Ông cho biết hơn 100 trại huấn luyện đã được sử dụng tại Nga và Belarus.

Nga tổn thất 500 binh sĩ trong 24 giờ?

Tờ The Guardian ngày 30.11 đưa tin Bộ Tổng tham mưu các Lực lượng vũ trang Ukraine cho biết phía Nga tổn thất thêm 500 binh sĩ trong vòng 24 giờ, nâng tổng số binh sĩ Nga tổn thất trong chiến dịch lên khoảng 88.880.

Phía Ukraine còn cho biết đã hạ thêm 3 xe tăng và 6 xe bọc thép chở quân của Nga. Con số thương vong do Ukraine đưa ra luôn gây tranh cãi, khi Nga cho rằng con số thực tế thấp hơn nhiều.

Ukraine tấn công nhà máy điện ở tỉnh biên giới của Nga

Phía Nga chưa bình luận cụ thể về con số mới nhất do Ukraine đưa ra. Bộ Quốc phòng Nga hôm 29.11 cho biết quân đội Nga tổn thất thêm hơn 30 binh sĩ, 2 xe bọc thép chiến đấu và 2 xe tải gần Kupiansk (Kharkiv) trong 24 giờ trước đó.

Theo Sputnik, phía Nga còn cho hay Ukraine tổn thất thêm hơn 40 binh sĩ và 2 xe bọc thép chiến đấu gần Lyman (Donetsk), hơn 100 binh sĩ và một xe tăng, 5 xe bọc thép chiến đấu gần Donetsk.

Ngoài ra, lực lượng Nga còn tấn công 4 chốt chỉ huy và 62 đơn vị pháo binh, cũng như phá hủy các thiết bị khác của Ukraine. Ukraine chưa bình luận về những thông tin trên.

Nga “đang tính toán gì đó ở phía nam”

Hãng Reuters ngày 30.11 đưa tin Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho hay lực lượng Nga đang tìm cách tiến lên ở phía đông, đông bắc và “đang tính toán gì đó” ở miền nam.

Theo ông, tình hình ở tiền tuyến đang khó khăn khi phía Nga vẫn tìm cách tiến lên tại Donetsk, Luhansk và Kharkiv “bất chấp tổn thất cực kỳ lớn”.

Nga bắn tên lửa không vũ trang để làm suy yếu hệ thống phòng không Ukraine

Đài CNN dẫn lời giới chức Ukraine cho hay phía Nga đang dội pháo vào “mọi khu vực” ven bờ tây sông Dnipro và khu vực phía nam Kherson.

Một quan chức Ukraine tại Kherson cho hay chưa có thương vong trong khu vực, nhưng Nga tiếp tục nhằm vào cơ sở hạ tầng.

Nhà máy điện của Nga bị tấn công

Thống đốc tỉnh Kursk của Nga cáo buộc Ukraine tấn công một nhà máy điện ở tỉnh này ngày 29.11, giữa lúc một ngoại trưởng NATO kêu gọi liên minh cho phép Kyiv sử dụng vũ khí phương Tây cung cấp để tấn công sâu bên trong lãnh thổ Nga.

Theo ông Roman Starovoyt, thống đốc tỉnh Kursk, lực lượng Ukraine đã tấn công tổng cộng 11 đợt và một nhà máy điện ở tỉnh này đã trở thành mục tiêu. "Vì cuộc tấn công, các huyện Sudzha và Korenevo đã bị mất điện cục bộ", ông nói trên Telegram, Reuters đưa tin.

Ngoại trưởng Nga: 'Các cường quốc hạt nhân cần tránh đụng độ quân sự'

Hai huyện này thuộc tỉnh Kursk và giáp biên giới với Ukraine. Ông Starovoyt cho biết ông chưa nhận được thông tin thương vong. Ukraine chưa lập tức đưa ra phản hồi hay thừa nhận đứng sau cuộc tấn công.

Xem thêm: Ukraine tấn công nhà máy điện ở tỉnh biên giới của Nga?

Ngoại trưởng Latvia Edgars Rinkevics kêu gọi NATO "cho phép" Ukraine sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công sâu bên trong lãnh thổ Nga. Đặc biệt, các loại loại vũ khí này nên được dùng để tấn công các địa điểm mà Moscow sử dụng để thực hiện các cuộc tấn công tên lửa nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine, ông Rinkevics đề xuất.

"Chúng ta nên cho phép người Ukraine sử dụng vũ khí để nhắm mục tiêu vào các địa điểm đặt tên lửa hoặc các sân bay mà từ đó Nga tiến hành các hoạt động đó", nhà ngoại giao hàng đầu Latvia nói trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg bên lề cuộc họp ngoại trưởng NATO tại Bucharest, Romania, hôm 29.11. Ông Rinkevics cho rằng các thành viên NATO "không nên lo sợ" việc xung đột leo thang.

NATO xem xét lại ý tưởng cung cấp máy bay chiến đấu cho Kyiv

Dù tích cực hỗ trợ về quân sự cho Ukraine, Mỹ và nhiều nước NATO đã không cung cấp cho Kyiv các loại vũ khí tầm xa mà họ có thể sử dụng để tấn công lãnh thổ Nga, do lo sợ xung đột có thể biến thành cuộc đối đầu trực tiếp giữa Moscow và liên minh quân sự do Washington dẫn dắt. Nga cũng đã nhiều lần cảnh báo NATO về nguy cơ này.

Nga kêu gọi “giải thể NATO”

Theo CNN, ngoại trưởng các nước NATO ngày 29.11 ra thông cáo chung khẳng định “cam kết đối với độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”, đồng thời cam kết rằng các thành viên sẽ giúp Ukraine sửa chữa cơ sở hạ tầng.

“Những hành động không thể chấp nhận được của Nga hủy hoại trật tự thế giới dựa trên luật pháp”, theo thông cáo.

Nhận định về NATO, hãng TASS ngày 30.11 dẫn lời phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho rằng “thế giới văn minh không cần NATO”, đồng thời gọi đây là “tổ chức tội phạm” với các thành viên chỉ chiếm 12% dân số thế giới.

NATO tăng viện trợ cho Ukraine, cáo buộc Nga sử dụng thời tiết làm vũ khí

“Tổ chức này nên ăn năn trước nhân loại và tự giải thể”, ông Medvedev viết trên Telegram, cáo buộc NATO “dễ quên” những gì đã tiến hành trên thế giới như sắp xếp những vụ lật đổ nhà nước, lãnh đạo và tiến hành chiến dịch, cung cấp vũ khí cho các chế độ cực đoan. NATO chưa bình luận về phát biểu trên.

Điều kiện đối thoại hạt nhân của Nga

Trong một diễn biến khác, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Nga sẽ không thảo luận về Hiệp ước New START nếu không có những điều kiện phù hợp.

Theo đó, Nga sẽ không thảo luận với Mỹ nếu Washington tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine. Bà Zakharova cho hay Nga vẫn trân trọng hiệp ước trên vì đáp ứng những lợi ích của Nga và Mỹ.

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 28.11 cho biết Nga đã đơn phương hoãn lại các cuộc đàm phán về vũ khí hạt nhân với Mỹ mà theo kế hoạch sẽ ​​diễn ra trong tuần này tại Cairo. Các quan chức của hai nước dự kiến ​​gặp nhau tại thủ đô Ai Cập từ ngày 29.11 đến ngày 6.12 để thảo luận về việc khôi phục hoạt động thanh tra theo hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân New START. Thỏa thuận này đã bị đình chỉ từ tháng 3.2020 vì đại dịch Covid-19.

Nga hoãn đàm phán với Mỹ về hiệp ước hạt nhân New START

Hiệp ước New START, được ký vào năm 2010, gần như là thỏa thuận kiểm soát vũ khí cuối cùng giữa hai cường quốc hạt nhân kể từ khi Mỹ đơn phương rút khỏi hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) vào năm 2019.

Thỏa thuận này giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân mà Mỹ và Nga có thể sở hữu mỗi bên là 1.550. New START cũng yêu cầu mỗi bên có không quá 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và máy bay ném bom hạt nhân. Tổng số phương tiện vận chuyển hạt nhân chiến lược không được vượt quá 800.

Xem thêm tình hình chiến sự tại Ukraine:

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.