Chiến sự ngày 113: Các lãnh đạo châu Âu ủng hộ Ukraine gia nhập EU

17/06/2022 05:00 GMT+7

Lãnh đạo các nước Pháp , Đức , Ý đã có chuyến đi đến Kyiv để thể hiện tình đoàn kết với Ukraine trong lúc lực lượng Ukraine đang cố gắng chống trả Nga ở vùng Donbass .

Từ phải sang: Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Thủ tướng Ý Mario Draghi và Tổng thống Romania Klaus Iohannis tham dự một cuộc họp báo chung sau cuộc họp tại Kyiv ngày 16.6

reuters

Châu Âu ủng hộ Ukraine gia nhập EU

Theo AFP, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 16.6 cho biết Pháp, Đức, Ý và Romania đều ủng hộ việc Ukraine "ngay lập tức" được trao tư cách ứng viên để gia nhập Liên minh châu Âu (EU).

Phát biểu này được ông Macron đưa ra trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Ý Mario Draghi và Tổng thống Romania Klaus Iohannis sau khi đối thoại với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Xem nhanh: Chiến dịch quân sự Nga ngày 113, Mỹ, Đức, Pháp, Ý mạnh mẽ hỗ trợ Ukraine

Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ngày 24.2, Tổng thống Zelensky đã hối thúc để Ukraine nhanh chóng gia nhập EU và ông đã yêu cầu khối này trả lời Kyiv về tư cách ứng viên của Ukraine trước cuối tháng này.

"Chúng tôi sẵn sàng thay đổi để Ukraine trở thành thành viên của EU", ông Zelensky cho biết tại họp báo. Phát biểu được đưa ra trước hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 23-24.6. Tại đây, đơn xin trở thành ứng viên gia nhập EU của Ukraine có khả năng được bật đèn xanh.

Tại họp báo, Thủ tướng Ý Draghi cũng bày tỏ sự ủng hộ của mình. "Ý muốn Ukraine gia nhập EU", ông Draghi cho biết.

"Ý muốn Ukraine có tư cách ứng cử viên và sẽ ủng hộ điều này tại cuộc họp Hội đồng châu Âu tiếp theo", nhà lãnh đạo Ý nói về cuộc họp tuần tới, đồng thời lưu ý rằng Ukraine "sẽ phải có ​​những cải cách sâu sắc trong xã hội" trên con đường gia nhập EU.

Thủ tướng Đức Scholz cũng cho biết Berlin sẽ làm mọi thứ để giúp đảm bảo Ukraine có được tư cách ứng viên và nhấn mạnh rằng Ukraine "thuộc về gia đình châu Âu".

"Đức có phiếu thuận cho Ukraine. Điều này cũng áp dụng cho Moldova", ông Scholz nói. Moldova và Georgia là hai nước đã nộp đơn xin gia nhập EU cùng lúc với Ukraine.

Trước cuộc họp tại Kyiv, các nhà lãnh đạo châu Âu đã thăm thị trấn Irpin ở ngoại ô Kyiv, một điểm nóng trước khi Nga rút khỏi thủ đô của Ukraine.

Xem thêm: Lãnh đạo Đức, Pháp, Ý đi xe lửa đến Kyiv gặp Tổng thống Ukraine

Tổng thống Mỹ công bố gói viện trợ quân sự 1 tỉ USD cho Ukraine

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 15.6 đã công bố viện trợ quân sự thêm 1 tỉ USD cho Ukraine. Theo Lầu Năm Góc, gói viện trợ mới có 18 lựu pháo, 36.000 đạn pháo, 2 hệ thống phòng thủ bờ biển Harpoon và tên lửa cho 4 Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao (HIMARS) có tầm bắn đến 80 km mà Ukraine sắp đưa vào thực địa.

Tổng thống Biden cũng công bố khoản hỗ trợ nhân đạo trị giá 225 triệu USD cho Ukraine. Số tiền trên sẽ được dùng để cung cấp thực phẩm, nước uống, vật tư y tế và các hàng hóa quan trọng khác.

Mỹ cam kết gửi thêm 1 tỉ USD vũ khí cho Ukraine vào "thời điểm then chốt"

Các gói viện trợ này được công bố sau khi ông Biden có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Nhà lãnh đạo Mỹ đã tái khẳng định sự ủng hộ của Washington đối với Kyiv trong việc chống lại hành động quân sự của Nga. Ông Biden cũng cùng người đồng cấp Ukraine thảo luận về các diễn biến trên chiến trường.

Trong bài phát biểu vào buổi tối cùng ngày, Tổng thống Zelensky nói ông “biết ơn” sự hỗ trợ này và cho biết nó đặc biệt quan trọng đối với việc phòng thủ của Ukraine ở Donbass. Ông Zelensky cũng cảm ơn nước Mỹ đã đi đầu trong việc huy động sự giúp đỡ của các đối tác.

Xem thêm: Có gì trong gói 1 tỉ USD viện trợ quân sự cho Ukraine mà Tổng thống Biden vừa công bố?

Không thể sơ tán người dân ở Severodonetsk?

Trong cuộc phỏng vấn với đài CNN ngày 16.6, Tỉnh trưởng Luhansk Serhiy Haidai cho biết không thể sơ tán hàng trăm dân thường đang trú ẩn tại nhà máy hóa chất Azot ở thành phố Severodonetsk vì Nga liên tục pháo kích.

“Bây giờ không ai có thể ra khỏi đó. Trên lý thuyết thì có thể, nhưng rất nguy hiểm do pháo kích và giao tranh liên tục. Nếu có người ra ngoài, 99% họ sẽ tử vong”, ông Haidai nói.

Tỉnh trưởng Haidai cho biết 568 người, trong đó có 38 trẻ em, đang trú ẩn tại nhà máy Azot.

Người đứng đầu cơ quan quân sự thành phố Severodonetsk, ông Roman Vlasenko, ngày 15.6 cho biết những người ở Azot có thức ăn, nhưng họ chưa nhận được tiếp viện trong 2 tuần qua. Hầu hết những người trú ẩn ở đó là nhân viên của nhà máy, gia đình của họ và một số cư dân địa phương, ông Vlasenko nói.

“Họ đã ẩn náu ở đó ngay từ đầu. Có những hầm trú bom ở đó", ông Vlasenko cho biết.

Mẹ lính Nga thiệt mạng ở Ukraine: “Tôi ủng hộ Tổng thống Putin

Nhà máy Azot là một trong những nhà sản xuất hóa chất amoni nitrat, được sử dụng làm phân bón, lớn nhất ở Ukraine. Tập đoàn DF, tập đoàn do doanh nhân người Ukraine Dmytro Firtash điều hành, cho biết nhà máy này có công suất hằng năm hơn hai triệu tấn và cũng sản xuất các sản phẩm như amoniac.

Đây đều là những hợp chất rất dễ nổ và có hại cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, vào tháng 3, Tập đoàn DF cho biết họ đã nhanh chóng hành động sau khi chiến sự nổ ra để đảm bảo nhà máy “không gây nguy hiểm” cho môi trường xung quanh và cư dân ở đó.

“Sau khi xung đột bùng nổ, việc sản xuất bị đình chỉ hoàn toàn. Phần còn lại của thành phẩm (phân bón) và hóa chất đã được chuyển khỏi lãnh thổ của doanh nghiệp ngoài tỉnh Luhansk”, công ty cho biết trên trang web của mình.

Ông Haidai cho biết các nhà chức trách đã cố gắng thuyết phục những người dân đang trú ẩn ở Azot rời khỏi nhà máy vào tháng trước, trước khi các cây cầu lớn bị phá hủy. Tuy nhiên, nhiều người tin rằng họ sẽ an toàn hơn khi ở tại chỗ.

“Họ không muốn đi. Họ nghĩ rằng ở đó an toàn hơn vì một số lý do. Lần cuối cùng chúng tôi đề nghị di tản là một hoặc hai ngày trước khi cây cầu đầu tiên bị phá hủy (vào ngày 21.5)", ông Haidai nói.

Ông nói rằng đã có một số trường hợp dân thường rời khỏi nơi trú ẩn để nấu ăn hay thực hiện các hoạt động khác và sau đó bị thương hoặc thiệt mạng do hỏa lực của Nga.

Nga chưa bình luận những thông tin trên.

Nga chia 9 mũi tấn công Luhansk, phá hủy hết cầu đến Severodonetsk

Tính đến tuần này, toàn bộ ba cây cầu chính nối Severodonetsk và thành phố Lysychansk đều đã bị phá hủy. Tỉnh trưởng Haidai cho biết vẫn còn những tuyến đường qua lại giữa các thành phố, nhưng cần phải di chuyển nhiều hơn dọc theo sông Siversky Donets. Điều này dẫn đến nguy cơ trúng pháo kích cao hơn.

Đầu tuần này, Nga cho biết họ sẽ mở một “hành lang nhân đạo” để dân thường tại nhà máy Azot di tản. Tuy nhiên, hành lang này chỉ nối tới vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát ở phía bắc chứ không tới thành phố Lysychansk do Ukraine nắm giữ ở phía tây. Ông Haidai cho biết cuộc sơ tán chỉ có thể thực hiện được nếu có lệnh ngừng bắn hoàn toàn, nhưng ông rất nghi ngờ về bất kỳ lời hứa nào của Nga.

'Lính tình nguyện' Mỹ bị lực lượng Nga bắt ở Ukraine?

Tờ The Guardian ngày 16.6 dẫn lời quan chức Mỹ và người thân của 2 cựu chiến binh Mỹ cho hay biết Andy Tai Ngoc Huynh (27 tuổi) và Alexander Drueke (39 tuổi) đã mất tích ở Ukraine và nghi bị các lực lượng Nga bắt giữ. Họ đều là cựu binh Mỹ từng sống ở Alabama và đã đến hỗ trợ Ukraine đối phó với Nga.

Theo một số nghị sĩ Mỹ, hai người này đã mất liên lạc suốt nhiều ngày. Nếu được xác nhận, đây sẽ là những người Mỹ đầu tiên chiến đấu giúp Ukraine bị Nga bắt giữ kể từ khi chiến sự nổ ra vào ngày 24.2.

Hai 'lính tình nguyện' Mỹ mất tích tại Ukraine?

Hãng tin TASS dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 16.6 cho biết ông không biết liệu hai công dân Mỹ đang chiến đấu trong quân đội Ukraine có bị lực lượng Nga bắt giữ hay không.

"Không, tôi không biết, nhưng có lẽ Bộ Quốc phòng có một số thông tin", ông Peskov nói thêm.

Trước đó, người phát ngôn về an ninh quốc gia tại Nhà Trắng John Kirby cho biết nếu thông tin trên là đúng, Mỹ sẽ “làm mọi thứ có thể” để đưa họ trở lại.

Xem thêm: Rộ tin hai 'lính tình nguyện' Mỹ bị lực lượng Nga bắt ở Ukraine

Chiến sự Nga - Ukraine:

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.