Chiến sự ngày 211: Nga dọa có thể dùng vũ khí hạt nhân bảo vệ 'lãnh thổ'

23/09/2022 05:30 GMT+7

Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev nói rằng việc trưng cầu dân ý để sáp nhập các vùng lãnh thổ Nga kiểm soát tại Ukraine là điều sẽ diễn ra, sau đó, Nga có thể dùng mọi vũ khí để bảo vệ lãnh thổ.

Trong ngày mà các diễn biến xoay quanh lệnh động viên cục bộ của Nga trở thành tâm điểm chú ý, tình hình chiến sự hầu như ít được nhắc đến.

Theo Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) của Mỹ ngày 22.9, lực lượng Ukraine tiếp tục chiến dịch tấn công quanh thành phố Lyman ở tỉnh Donetsk và oanh kích về khu vực phía bắc và đông của thành phố Kherson ở miền nam. Trong khi đó, lực lượng Nga tiếp tục tấn công trên bộ tại các vùng ngoại ô phía đông của thị trấn Bakhmut và thị trấn Avdiivka đều ở Donetsk. Bên cạnh đó, Nga cũng đều đặn nổ súng dọc tiền tuyến tại Donetsk từ ngày 21.9.

Hiện trường vụ pháo kích tại Donetsk ngày 22.9

Reuters

Giới chức do Nga hậu thuẫn tại thành phố Donetsk (hiện do Nga kiểm soát) ngày 22.9 thông báo ít nhất 6 người thiệt mạng và 6 người bị thương do Ukraine tấn công một ngôi chợ trong thành phố. Phía Ukraine chưa bình luận về cáo buộc này.

Trong khi đó, quân đội Ukraine cùng ngày cập nhật số binh sĩ Nga và đồng minh thiệt mạng từ đầu chiến sự là khoảng 55.510. Trước đó một ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói nước này mất 5.937 binh sĩ.

Xem nhanh: Chiến sự Nga-Ukraine ngày 211 có gì nóng?

Nga bác bỏ tin có thể huy động 1 triệu binh sĩ

Điện Kremlin ngày 22.9 bác bỏ thông tin do tờ Novaya Gazeta Europe đăng tải, cho rằng trong sắc lệnh mà Tổng thống Vladimir Putin ban hành trước đó một ngày có một điều khoản bí mật cho phép Moscow huy động đến 1 triệu binh sĩ dự bị để tham chiến tại Ukraine. Phát ngôn viên Dmitry Peskov của Điện Kremlin gọi thông tin này là dối trá.

Novaya Gazeta Europe là ấn phẩm của báo điều tra Nga đã bị đóng cửa. Tờ này dẫn một nguồn giấu tin trong chính quyền tổng thống Nga cho rằng điều 7 trong sắc lệnh cho phép quân đội huy động 1 triệu quân nhân.

Sắc lệnh động viên cục bộ mà Tổng thống Nga Vladimir Putin ký ngày 21.9 có 10 điều khoản và điều số 7 không được công bố vì dùng cho mục đích nội bộ.

Xem thêm: Điều khoản bí mật trong sắc lệnh động viên của ông Putin

Ông Peskov lặp lại thông báo của Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu rằng Nga chỉ huy động khoảng 300.000 binh sĩ và đó là những người có kinh nghiệm quân sự.

Cùng ngày, truyền thông Nga dẫn thông báo của Bộ Tổng tham mưu quân đội cho biết khoảng 10.000 người tình nguyện đã đăng ký tham gia chiến dịch quân sự tại Ukraine mà không cần chờ giấy triệu tập theo lệnh động viên.

Ukraine nói thu được hàng trăm xe tăng của Nga

ISW nhận xét lệnh động viên cục bộ phản ánh nhiều vấn đề mà Nga gặp phải trong chiến sự và Moscow khó có thể giải quyết trong những tháng tới. Bộ Quốc phòng Anh thì nhận định Nga sẽ gặp vấn đề hậu cần và quản lý trong việc huy động 300.000 người, và các đơn vị mới sẽ chưa chiến đấu hiệu quả trong vài tháng.

Nga dọa sử dụng vũ khí hạt nhân

Tờ The Guardian ngày 22.9 dẫn lời Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đưa ra những phát biểu gay gắt đối với phương Tây liên quan chiến sự tại Ukraine.

Ông khẳng định rằng những cuộc trưng cầu dân ý sẽ được tổ chức, và những vùng lãnh thổ ở Donbass và nơi khác sẽ được sáp nhập vào Nga. Sau đó, việc bảo vệ những vùng lãnh thổ này sẽ được lực lượng vũ trang Nga tăng cường.

Một điểm bỏ phiếu dành cho cuộc trưng cầu dân ý sắp diễn ra tại "Cộng hòa Nhân dân Donetsk" tự xưng

Reuters

“Nga tuyên bố rằng không chỉ có năng lực động viên, mà bất cứ vũ khí nào của Nga, bao gồm vũ khí hạt nhân chiến lược và vũ khí dựa trên những nguyên tắc mới, cũng có thể được sử dụng cho việc bảo vệ”, ông cho biết.

Xem thêm: Nga ‘đã chọn con đường riêng, không thể quay lại’

Phát biểu tại cuộc họp Hội đồng Bảo an LHQ, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho rằng những lời lẽ về xung đột hạt nhân là điều hoàn toàn không thể chấp nhận. Ông nói việc sáp nhập lãnh thổ của một nước bởi một nước khác thông qua đe dọa hoặc sử dụng vũ lực là sự vi phạm hiến chương LHQ và luật quốc tế.

Ông cũng bày tỏ lo ngại về tình hình nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia và kêu gọi ngừng các cuộc tấn công nhắm vào khu vực này. Theo The Guardian, để đề phòng nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ, Ba Lan đã phát những viên iốt cho lực lượng cứu hỏa để phân phát cho người dân nếu cần.

Xe tăng Nga bị phá hủy tại làng Kamyanka ở Kharkiv

Reuters

Nga cảnh báo đụng độ hạt nhân

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo rằng Mỹ đang tiến gần hơn tới việc trực tiếp tham chiến tại Ukraine và việc này có thể dẫn đến đụng độ giữa hai cường quốc hạt nhân.

Theo ông Lavrov, tập thể phương Tây mà dẫn đầu là Mỹ đã "công khai tìm cách đánh bại Nga" trên chiến trường Ukraine. Để đạt được mục tiêu, phương Tây bơm vũ khí cho Kyiv và chính việc này đã khiến xung đột kéo dài cũng như triệt tiêu triển vọng giải quyết xung đột bằng đàm phán, ông Lavrov nói.

Ngoại trưởng Lavrov cảnh báo đụng độ giữa hai cường quốc hạt nhân Nga, Mỹ

Xem thêm: Ngoại trưởng Lavrov cảnh báo đụng độ giữa hai cường quốc hạt nhân Nga, Mỹ

Đức có thể tiếp nhận người tị nạn Nga

Trong cuộc phỏng vấn với báo Frankfurter Allgemeine Zeitung ngày 22.9, Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser nói rằng những người Nga trốn lệnh động viên và bị đe dọa có thể nhận được sự bảo vệ tại Đức, có thể xin tị nạn vì lý do ngược đãi chính trị, theo The Guardian.

Trái lại, các nước vùng Baltic gồm Latvia, Lithuania và Estonia lại nói sẽ từ chối cho người Nga trốn lệnh động viên được tị nạn tại các nước này. Cộng hòa Czech cũng tuyên bố sẽ không cấp visa cho những đối tượng này. Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto cho hay nước này đang chuẩn bị biện pháp nhằm hạn chế lượng du khách từ Nga sang. “Phần Lan không muốn là một nước trung chuyển cho những visa Schengen của EU được cấp bởi các nước khác”, ông Haavisto nói.

Các nước Baltic từ chối tiếp nhận người Nga tị nạn vì trốn lệnh động viên

Xem thêm: Các nước Baltic từ chối tiếp nhận tị nạn đối với người Nga trốn lệnh động viên

Triều Tiên nói không bán vũ khí cho Nga

Hãng thông tấn KCNA của CHDCND Triều Tiên ngày 22.9 dẫn lời một quan chức thuộc Tổng cục trang thiết bị của Bộ Quốc phòng nước này bác bỏ tin đồn về việc giao dịch vũ khí giữa Triều Tiên và Nga.

“Chúng tôi chưa bao giờ xuất khẩu vũ khí hay đạn dược sang Nga và cũng không có kế hoạch xuất khẩu chúng”, vị quan chức nói, đồng thời lên án và "cảnh báo Mỹ nên dừng lan truyền những thuyết âm mưu chống Triều Tiên".

Xem thêm: Triều Tiên phủ nhận bán vũ khí cho Nga

Cựu binh nước ngoài vui mừng về nhà sau đợt trao đổi tù nhân Nga-Ukraine

Nga - Ukraine trao đổi tù binh

Bộ Quốc phòng Nga thông báo đã đưa về nước 55 người, trong đó có cựu nghị sĩ đối lập Ukraine Viktor Medvedchuk, trong khi phía Ukraine nhận lại 215 người, gồm các chỉ huy lực lượng Azov từng chiến đấu tại TP.Mariupol, theo AFP. Trong đợt trao đổi này, Nga cũng thả 10 tay súng nước ngoài chiến đấu cùng Ukraine.

Lực lượng Nga và đồng minh về đến Nga trong cuộc trao đổi tù binh với Ukraine

REuters

Xem thêm: Nga-Ukraine bất ngờ trao đổi nhiều tù nhân gồm chỉ huy tiểu đoàn Azov và chính trị gia thân Nga

Xem thêm diễn biến chiến sự tại Ukraine:

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.