Chiến sự ngày 261: Ukraine kiểm soát Kherson, Nga rút khỏi trong hỗn loạn?

Khánh An
Khánh An
12/11/2022 06:14 GMT+7

Chiến sự ngày 11.11 đánh dấu việc Nga rút quân hoàn toàn khỏi thành phố Kherson ở miền nam Ukraine, với thông tin tranh cãi xoay quanh việc rút lui.

Người dân hoan hô và vây quanh một chiếc xe chở các binh sĩ Ukraine tại Quảng trường Tự do Kherson vào ngày 11.11

reuters

Hãng Reuters ngày 11.11 đưa tin các binh sĩ Ukraine được người dân hân hoan chào đón tại trung tâm thành phố Kherson ở miền nam, sau khi Nga quyết định từ bỏ việc kiểm soát thành phố này sau hơn 8 tháng.

Phía Nga khẳng định đã rút 30.000 binh sĩ khỏi thành phố nằm ở bờ tây sông Dnipro này mà không tổn hao một binh sĩ nào, trong khi phía Ukraine mô tả một bức tranh rút lui hỗn loạn khi một số binh sĩ vứt bỏ đồng phục, vũ khí và còn bị đuối nước khi bỏ chạy.

Xem nhanh: Ngày 260 chiến dịch, Nga rút khỏi thủ phủ Kherson, phá cầu huyết mạch, Mỹ bơm tiếp vũ khí cho Ukraine

Đoạn phim được Reuters xác minh cho thấy hàng chục người Ukraine ăn mừng và hô vang những khẩu hiệu chiến thắng tại quảng trường trung tâm Kherson, nơi dường như những binh sĩ Ukraine đầu tiên đến và chụp ảnh với đám đông.

Hai người đàn ông nhấc bổng một nữ binh sĩ lên vai và tung lên không. Một số người dân quấn cờ Ukraine quanh người và một người vui đến rơi nước mắt.

Một người dân Ukraine tại Kherson đau lòng kể về cái chết của cha mẹ trong chiến sự

reuters

Cơ quan Tình báo quốc phòng Ukraine cho hay thành phố Kherson đã trở về sự kiểm soát của Ukraine, đồng thời ra lệnh cho bất cứ binh sĩ Nga nào ở đây phải đầu hàng lực lượng Ukraine vào thành phố.

Ông Serhiy Khlan, thành viên hội đồng khu vực Kherson, cho biết nhiều binh sĩ Nga đã đuối nước khi vượt sông rút lui, trong khi một số khác thay thường phục.

Binh sĩ Ukraine cạnh đạn dược chiếm được của Nga tại Kherson

reuters

Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết đã hoàn tất rút lui khỏi bờ tây sông Dnipro, 2 ngày sau khi Moscow thông báo về việc này.

“Không một thiết bị quân sự hay vũ khí nào bị bỏ lại. Tất cả các binh sĩ Nga đã qua bờ bên này”, theo thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga.

Điện Kremlin nhấn mạnh việc rút quân không thay đổi “hiện trạng” của khu vực. Nga đã tiến hành sáp nhập vùng Kherson vào đầu tháng 10. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay việc triệt thoái là quyết định của Bộ Quốc phòng Nga và ông “không có gì cần bổ sung”.

Theo ông Peskov, Nga tiếp tục cam kết hoàn tất những mục tiêu cần đạt được trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Và do quan điểm hiện tại của chính quyền Kyiv, hòa đàm là vô phương diễn ra.

Nga phá sập cầu chiến lược sau khi đã rút hết quân khỏi Kherson?

Cầu sập sau khi Nga rút quân

Vài giờ trước thông báo của Bộ Quốc phòng Nga về việc hoàn thành rút quân, Reuters đưa tin cầu Antonivskiy đã sập. Đây là cây cầu lân cận duy nhất nối liền hai bờ sông Dnipro, giữa thành phố Kherson và bờ đông nơi Nga tập kết quân.

Chưa rõ nguyên nhân cầu Antonivskiy bị sập. Cây cầu tiếp theo băng qua sông Dnipro cách thành phố Kherson hơn 70 km.

Ngày 11.11, quân đội Ukraine cho biết lực lượng Nga cài mìn dọc theo các tuyến đường bộ và phá hủy những cơ sở hạ tầng then chốt trong lúc rút quân, theo ông Oleksandr Shtupun, người phát ngôn Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga cho rằng phía Ukraine đã tấn công những tuyến đường qua sông bằng hệ thống rốc két pháo binh cơ động cao (HIMARS), theo Reuters.

Tổng thống Biden nói gì về viện trợ Ukraine, đề xuất 'nhượng bộ' để ngừng xung đột?

Trong một diễn biến khác, 45 binh sĩ Ukraine vừa được trả tự do trong đợt trao đổi với Nga, bên cạnh thi thể của 2 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng.

Chánh văn phòng Andriy Yermak của Tổng thống Ukraine xác nhận thông tin trên nhưng không nêu chi tiết. Ông đăng đoạn phim một nhóm binh sĩ ngồi phía sau một chiếc xe và hô vang “vinh quang cho Ukraine” sau khi có người nói “chào mừng đến Ukraine”.

Xem thêm: Cây cầu chiến lược tại Kherson bị sập sau khi Nga rút quân

Thêm viện trợ cho Ukraine

Lầu Năm Góc ngày 10.11 công bố đang cung cấp gói viện trợ quân sự mới trị giá 400 triệu USD cho Ukraine. Đáng chú ý là tên lửa phòng không HAWK từ thời chiến tranh Việt Nam nhưng đã được nâng cấp, cùng với 4 hệ thống tên lửa phòng không Avenger, sử dụng tên lửa tầm ngắn Stinger.

Phó phát ngôn viên Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết các tên lửa HAWK sẽ được tân trang và sẽ được gửi cùng các giàn phóng do Tây Ban Nha cung cấp.

Ukraine nhận tên lửa phòng không Mỹ, vẫn chưa biết Nga rút hết khỏi Kherson chưa

Trong khi đó, hệ thống Avenger chưa từng được Mỹ gửi cho Ukraine. Bà Singh nói hệ thống này có thể ngăn chặn tên lửa hành trình, máy bay không người lái và trực thăng.

Gói viện trợ còn gồm một lượng rốc két chưa rõ số lượng cho Hệ thống rốc két pháo binh cơ động cao (HIMARS), 21.000 quả đạn pháo 155 mm, 500 quả đạn pháo 155 mm dẫn đường chính xác, 10.000 quả đạn súng cối 120 mm, 100 xe Humvee, 400 súng phóng lựu, các loại vũ khí nhỏ, đạn dược và trang thiết bị khác.

Xem thêm: Ukraine nhận tên lửa phòng không

Ukraine sẽ có đạn pháo do Hàn Quốc sản xuất?

Các quan chức Mỹ am hiểu về thỏa thuận nói với The Wall Street Journal rằng Mỹ sẽ mua 100.000 quả đạn pháo 155 mm của Hàn Quốc để chuyển cho Ukraine, đủ cho các đơn vị pháo binh sử dụng nhiều tuần.

Nếu được xác nhận, đây là lần đầu tiên Hàn Quốc bán đạn pháo với đích đến là lực lượng Ukraine. Việc bán vũ khí cho Mỹ sẽ giúp Hàn Quốc giữ nguyên cam kết không cung cấp khí tài quân sự chết người cho Ukraine.

Ukraine đề nghị Mỹ viện trợ tổ hợp pháo phòng không C-RAM để chống UAV

Hàn Quốc trước đó chỉ cung cấp áo chống đạn, mũ cối và trang thiết bị y tế cho Ukraine. Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 10 cảnh báo Hàn Quốc sẽ phá hủy mối quan hệ với Nga nếu cung cấp vũ khí và đạn dược cho Ukraine.

Xem thêm: WSJ: Hàn Quốc bán đạn pháo cho Mỹ để chuyển cho Ukraine

Giá lương thực tăng kỷ lục

Chi phí nhập khẩu lương thực trên toàn cầu đang trên đà chạm ngưỡng kỷ lục mới là 2.000 tỉ USD vào năm 2022, tăng 10% so với năm ngoái và cao hơn dự kiến, theo Reuters dẫn báo cáo Food Outlook của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO).

Giá thực phẩm tăng giá đồng loạt lên mức kỷ lục vào tháng 3 sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Bức tranh toàn cảnh về tình hình lương thực vẫn chưa khả quan, và những nước nghèo đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

“Hiện có những dấu hiệu báo động về an ninh lương thực”, FAO cảnh báo.

Giá lương thực tăng vọt đã khiến số lượng nhập khẩu ở các nước thu nhập giảm 10% trong năm nay so với năm trước đó.

Các nước nghèo lấy tiền từ đâu để lo việc khí hậu?

Về khía cạnh các nguồn đầu vào nông nghiệp như phân bón, FAO cho biết chi phí nhập khẩu toàn cầu dự kiến sẽ tăng gần 50% trong năm 2022 lên 424 tỉ USD. Xu hướng này buộc một số nước phải cắt giảm số lượng mua và sử dụng ít phân bón hơn.

Cũng trong ngày 11.11, một người phát ngôn Liên Hiệp Quốc cho biết cuộc thương thuyết giữa phái đoàn Nga và Liên Hiệp Quốc về sáng kiến xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen đã bắt đầu ở Geneva (Thụy Sĩ).

Xem thêm diễn biến chiến sự Ukraine:

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.