Chiến sự tối 11.7: Mọi con mắt đổ dồn về hội nghị NATO ở Lithuania

11/07/2023 19:16 GMT+7

Hội nghị thượng đỉnh của NATO khai mạc hôm nay tại Lithuania, với trọng tâm thảo luận bao gồm lộ trình để Ukraine gia nhập liên minh trong tương lai.

Lãnh đạo NATO nhóm họp ở Lithuania

Lãnh đạo của 31 nước thành viên NATO gặp nhau tại thủ đô Vilnius của Lithuania (Litva) trong hai ngày 11-12.7 với chương trình nghị sự dự kiến xoay quanh chiến sự giữa Nga và Ukraine, cũng như nỗ lực của Kyiv trong việc gia nhập liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu.

Chiến sự tối 11.7: Mọi con mắt đổ dồn về hội nghị NATO ở Lithuania - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Vilnius ngày 11.7

REUTERS

Dù các thành viên NATO đã nhất trí rằng Ukraine sẽ không thể gia nhập liên minh khi cuộc chiến vẫn đang diễn ra, họ lại bất đồng về lộ trình và các điều kiện để kết nạp Kyiv sau khi xung đột chấm dứt, theo Reuters. Hội nghị tại Vilnius sẽ là cơ hội để NATO có thể đạt được đồng thuận về vấn đề này.

Tại Lithuania, quốc gia thuộc Liên Xô cũ, các nhà lãnh đạo dự kiến cũng sẽ thông qua kế hoạch toàn diện đầu tiên của NATO sau Chiến tranh Lạnh trong việc ứng phó nếu bị Nga tấn công.

Xem nhanh: Chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine ngày 502 có diễn biến gì nóng?

Ngay trước thềm hội nghị, Thổ Nhĩ Kỳ đã bật đèn xanh để Thụy Điển có thể trở thành thành viên thứ 32 của NATO, chấm dứt sự phản đối dai dẳng của nước này kể từ khi Thụy Điển và Phần Lan khởi động quá trình gia nhập liên minh vào năm ngoái. Hungary, nước cũng đã trì hoãn việc kết nạp Thụy Điển vào NATO, báo hiệu họ sẽ làm theo Ankara.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 11.7 cho rằng việc NATO xóa bỏ một số rào cản để Ukraine có thể gia nhập NATO trong tương lai "sẽ rất nguy hiểm" đối với an ninh châu Âu và những người đưa ra quyết định nên nhận thức được chuyện này, theo RIA Novosti.

Cũng theo ông Peskov, việc Thụy Điển chuẩn bị gia nhập NATO sẽ gây ra những tác động tiêu cực rõ ràng đối với an ninh của Nga và Moscow sẽ đáp trả bằng các biện pháp tương tự các biện pháp đã được thực hiện sau khi Phần Lan gia nhập liên minh quân sự hồi tháng 4.

Người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng cho biết Moscow đang theo dõi rất sát sao hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius và sẽ tiến hành “phân tích kỹ lưỡng” về các tuyên bố được đưa ra tại hội nghị, cũng như triển khai các biện pháp để bảo vệ an ninh của Nga.

Tổng thống Nga gặp trùm Wagner sau cuộc nổi loạn bất thành

Pháp sẽ gửi tên lửa tầm xa cho Ukraine

Pháp sẽ cùng Anh cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine, động thái cho phép lực lượng Kyiv tấn công quân đội Nga và các cơ sở tiếp tế nằm sâu phía sau chiến tuyến.

Phát biểu sau khi đến Lithuania để tham dự hội nghị thượng đỉnh của NATO, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông đã quyết định tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine để giúp nước này phản công.

"Tôi đã quyết định tăng cường cung cấp vũ khí và thiết bị để Ukraine có khả năng tấn công sâu", Reuters dẫn lời nhà lãnh đạo. Ông Macron từ chối cho biết Paris sẽ cung cấp bao nhiêu tên lửa như vậy.

Theo Điện Kremlin, quyết định nói trên của Pháp là một sai lầm và sẽ dẫn đến những hệ lụy cho Ukraine.

Lính tiền tuyến hy vọng Ukraine gia nhập NATO

Nga tấn công Kyiv và Odessa

Quân đội Ukraine cho biết Nga đã phóng 28 máy bay không người lái (UAV) tự sát vào thành phố cảng Odessa và thủ đô Kyiv của Ukraine vào đầu giờ ngày 11.7, Reuters đưa tin.

Theo lực lượng không quân Ukraine, các hệ thống phòng không nước này đã bắn hạ 26 UAV Shahed do Iran sản xuất. Tại Odessa, 22 UAV đã bị bắn rơi và 2 UAV đã đâm vào một tòa nhà hành chính tại khu vực cảng của thành phố, thống đốc địa phương cho biết.

Quân đội Ukraine thông báo toàn bộ UAV bay tới Kyiv đều bị chặn, nhưng các mảnh vỡ đã làm hư hại một số ngôi nhà trong khu vực. "Kẻ thù đã tấn công Kyiv từ trên không lần thứ hai trong tháng này", ông Serhiy Popko, người đứng đầu cơ quan quản lý quân sự của Kyiv, cho biết trong một bài đăng trên kênh Telegram.

Điều gì sẽ xảy ra khi Ukraine gia nhập NATO?

Cựu chỉ huy tàu ngầm Nga bị bắn chết

Hãng tin TASS ngày 10.7 đưa tin ông Stanislav Rzhitsky, cựu chỉ huy một tàu ngầm thuộc Hạm đội biển Đen của Nga, đã bị bắn chết ở thành phố Krasnodar phía nam nước này.

Theo TASS, lực lượng chức năng cho biết ông Rzhitsky bị giết chết bởi một tay súng và họ đã mở vụ án hình sự về vụ giết người. Khi vụ việc xảy ra, ông là một quan chức trong chính quyền thành phố Krasnodar phụ trách công tác động viên quân đội.

TASS nói rằng ông Rzhitsky từng là chỉ huy của tàu ngầm Krasnodar (tên được đặt theo tên thành phố). Hiện chưa rõ liệu ông có phải là chỉ huy hiện tại của tàu ngầm này vào thời điểm bị giết hay không, theo Reuters.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, Krasnodar là tàu ngầm động cơ lai diesel - điện được chế tạo cho Hạm đội biển Đen và được thiết kế "để chống lại các tàu nổi và tàu ngầm, rải thủy lôi và trinh sát".

Cựu chỉ huy tàu ngầm Nga bị bắn chết, hung thủ theo dõi bằng ứng dụng chạy bộ?

Một số trang mạng đưa tin về Nga và Ukraine nói rằng ông Rzhitsky đã bị bắn 4 phát khi đang chạy bộ gần một khu phức hợp thể thao vào sáng 10.7. Cũng theo các bài viết này, ông đã tham gia vụ tấn công bằng tên lửa phóng từ tàu ngầm nhằm vào thành phố Vinnytsia của Ukraine hồi tháng 7.2022, khiến 23 thường dân thiệt mạng.

Hiện chưa bên nào lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ việc, cũng như chưa có bất cứ cáo buộc chính thức nào. Theo CNN, Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine (GUR) đã đưa ra thông báo về vụ việc với nhiều thông tin cụ thể một cách "bất thường", song không thừa nhận liên quan.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.