Chính biến Myanmar: cảnh sát bắt giữ người biểu tình, gây phẫn nộ

14/02/2021 07:26 GMT+7

Việc bắt giữ người biểu tình vài ngày gần đây đã khiến các cuộc biểu tình phản đối quân đội Myanmar ngày càng sôi sục hơn.

Tại Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar, “Spidey Htoo", một người biểu tình 28 tuổi, buộc phải hóa trang. Anh dùng biệt danh và trang phục hóa trang để che giấu thân phận thật. Anh nói cần phải làm vậy vì vào ban đêm cảnh sát sẽ đi bắt người. 
Ngày 13.2 đã là ngày biểu tình thứ 8 liên tiếp ở các thành phố như Yangon, Mandalay và thủ đô Naypitaw.
Hôm 12.2, văn phòng nhân quyền Liên Hợp Quốc ước tính có hơn 350 người, gồm nhiều quan chức, các nhà hoạt động và tu sĩ, bị bắt giữ kể từ sau chính biến ngày 1.2. Chính quyền Myanmar chưa trả lời yêu cầu bình luận.
Quân đội Myanmar tuyên bố nắm quyền kiểm soát đất nước vì cho rằng có gian lận trong kỳ bầu cử hồi tháng 11.2020 mà đảng Liên minh vì Dân chủ của Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi giành chiến thắng áp đảo. Ủy ban bầu cử Myanmar đã bác bỏ cáo buộc trên.
Hôm 12.2, Hội động Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết kêu gọi Myanmar trả tự do cho bà Suu Kyi và nhiều quan chức khác và hạn chế dùng bạo lực đối với người biểu tình.
Tuần này, Mỹ đã cấm vận các tướng lĩnh lãnh đạo quân đội Myanmar và các doanh nghiệp có liên quan đến quân đội.
Ông Mark Cassayre, đại biện lâm thời Mỹ ở LHQ, thúc giục các nước khác theo gương Mỹ: “Cùng chúng tôi thúc đẩy những người gây ra chính biến phải chịu trách nhiệm, thông qua các biện pháp cấm vận có mục tiêu".
Trung Quốc, đồng minh quan trọng nhất của Myanmar, khẳng định đang nỗ lực hướng đến “sự trở lại bình thường" cho Myanmar. Tuy nhiên, đại sứ Trung Quốc Trần Húc nhấn mạnh: “Những gì xảy ra ở Myanmar thực chất là công việc nội bộ của Myanmar".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.