‘Chính phủ tốt phải là chính phủ ít hành động nhất’

Lê Hiệp
Lê Hiệp
28/06/2019 17:41 GMT+7

GS - TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG Hà Nội), cho rằng bây giờ chúng ta cứ nói chính phủ hành độn g nhưng chính phủ tốt phải là chính phủ ít hành động.

Làm những điều đúng đắn hay làm đúng những điều cần làm?

Ngày 28.6, phát biểu tại hội thảo quản lý phát triển xã hội trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, do Hội đồng Lý luận T.Ư phối hợp với Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG Hà Nội) tổ chức, GS - TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, cho rằng quản lý phát triển xã hội của Việt Nam đang nảy sinh nhiều vấn đề bất cập.
Từ nghiên cứu tại 7 tỉnh, thành phố, ông Minh cho rằng có 4 vấn đề đang nảy sinh trong quản lý phát triển xã hội, gồm: không đủ nguồn lực nhanh chóng, kịp thời, đa dạng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo; thiếu thông tin, bất cập, không sát thực tế và nguồn lực trong công tác đào tạo nghề và việc làm; thiếu cơ chế phối hợp trong công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm lao động, bảo hiểm y tế; thiếu sự năng động trong xây dựng hệ thống an sinh xã hội chăm sóc người dân.
“Nhà nước đã chi rất nhiều. Chẳng hạn, trong giáo dục, Việt Nam đã chi 25% ngân sách hàng năm, là một trong những nước chi cao nhất trong ASEAN, nhưng chúng ta thấy vẫn thiếu. Tại sao như vậy? Có phải là nguồn lực không đủ hay do chúng ta sử dụng không hợp lý, hay có chỗ nhiều, chỗ ít, hay rơi rụng ở đâu đó?”, ông Minh nêu ví dụ.

Một chính phủ tốt phải là chính phủ ít hành động nhất. Bây giờ chúng ta cứ nói chính phủ hành động nhưng tôi cho rằng chính phủ tốt là chính phủ ít hành động. Ở các nước phát triển đều thế cả. Có phải cái gì nhà nước, chính phủ cũng thò vào đâu?

GS - TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn

Ông Minh cho rằng, nhà nước đang ôm, làm thay, kiểm soát, can thiệp quá sâu vào các quá trình phát triển xã hội, không tạo điều kiện phối kết hợp giữa các chủ thể khác như doanh nghiệp, cộng đồng và cá nhân.
Từ đó, ông Minh đề xuất cần chuyển từ cơ chế quản lý phát triển xã hội hiện nay sang sang cơ chế quản trị xã hội, nhằm giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội, đảm bảo an sinh xã hội để đất nước phát triển nhanh và bền vững. 
“Quản lý thì nhà nước đóng vai trò chủ thể chính, có thể nói là dẫn dắt, áp đặt, làm thay và chủ yếu là thực hiện chương trình, còn quản trị xã hội là sự hợp tác của các chủ thể, gồm chính phủ, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cộng đồng và các cá nhân để điều chỉnh và quản lý”, ông Minh nói thêm.

Nhà nước càng ít can thiệp càng tốt

Thảo luận sau đó, ông Lê Minh Nghĩa, Thư ký khoa học Hội đồng Lý luận T.Ư, cho rằng trong cuộc sống hiện nay, phải tính tới việc song hành, có cả quản lý và quản trị. “Nói quản trị là làm điều đúng đắn nhưng thế nào là đúng? Cái đó mình phải tính”, ông Nghĩa nêu.
Giải thích vấn đề này, GS Phạm Quang Minh cho rằng, quản trị là một bước phát triển so với quản lý, do đó trong quá trình chuyển sang quản trị thì vẫn phải tiếp thu, kế thừa các yếu tố quản lý.

Ông Phạm Văn Linh, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư

Ảnh Lê Hiệp

“Còn cái nào là đúng? Tôi cho rằng, cái đúng là nhà nước pháp quyền, là sự tham gia của nhiều chủ thể, chứ không chỉ có nhà nước. Chúng ta cứ sợ nhà nước không ôm được thì mất xã hội chủ nghĩa, mất sự lãnh đạo, sợ chệch đường hướng. Tôi nghĩ không đúng. Cái quan trọng là nhà nước phải cầm được cái cân để chỉ đạo, phân chia, điều phối chứ muốn ôm mãi không ôm được đâu”, ông Minh nói.
Ông Minh đồng thời chia sẻ thêm quan điểm: "Một chính phủ tốt phải là chính phủ ít hành động nhất. Bây giờ chúng ta cứ nói chính phủ hành động nhưng tôi cho rằng chính phủ tốt là chính phủ ít hành động. Ở các nước phát triển đều thế cả. Có phải cái gì nhà nước, chính phủ cũng thò vào đâu”.
Về vấn đề này, phát biểu kết luận hội thảo, PGS - TS Phạm Văn Linh, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, cho rằng thực tế thế giới ngày nay cho thấy quản lý và quản trị luôn song hành, cũng không phải cái này loại bỏ cái kia. Tuy nhiên, hướng tới là quản trị phát triển xã hội theo hướng nhà nước càng ít can thiệp càng tốt.
Ông Linh cho rằng, trước đây chúng ta đề cập sự cân bằng giữa nhà nước và thị trường, tuy nhiên khi trong quá trình phát triển khi khả năng tự điều chỉnh của thị trường thì vai trò của nhà nước sẽ giảm đi, chứ không phải nhà nước phải làm tất cả.
Theo GS Phạm Quang Minh, để chuyển sang mô hình quản trị phát triển xã hội thì phải đổi mới thể chế chính trị, trong đó tập trung vào 3 điểm: nâng cao trách nhiệm giải trình của thế chế thông qua hệ thống tiêu chí; tính minh bạch của thể chế thể hiện qua sự có sẵn của thông tin dành cho công chúng và sự rõ ràng của các quy định, quyết định của cơ quan nhà nước, giảm bớt sự thiếu chắc chắn và tham nhũng của những người làm việc trong hệ thống công; nâng cao tính dự báo hay tính nhất quán trong việc áp dụng chính sách.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.