Tôi còn nhớ như in những cái tết đầy áp lực gần đây của bọn trẻ khi suốt ngày ngập trong bài vở liên miên. Tranh thủ hơn chục ngày nghỉ, nhiều thầy cô tận dụng cho trẻ ôn luyện bài vở bằng cách “lì xì” hàng loạt bài tập toán, ngữ văn, vật lý, hóa học… Kiến thức chưa nắm chắc cần ôn kỹ hơn, bài tập chưa thông thạo cần luyện tập thêm, dạng đề này cần trau dồi rồi dạng đề khác cần bổ khuyết…
Quanh năm làm bạn với kiến thức, tết là dịp xả hơi, nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng lại vẫn phải tranh thủ giải quyết bài vở. Tội nghiệp bọn trẻ quanh ta lắm! Vậy mà cá biệt có không ít trường hợp chính phụ huynh lại gọi điện, nhắn tin, nhờ vả thầy cô cho thêm bài tập bởi sợ con lơ là việc học, lo con sa đà việc chơi và lãng phí khoảng thời gian quý báu của mấy ngày nghỉ.
Học sinh Trường tiểu học Vạn Thắng (Nha Trang, Khánh Hòa) trong các hoạt động vui tết cổ truyền |
lê đức dương |
Nếu có quyền ý kiến, quyền quyết định và quyền lựa chọn giữa việc học và chơi dịp tết, tôi nghĩ bọn trẻ sẽ nghiêng hẳn về chữ “chơi tết”. Đừng vội vàng đe nẹt con trẻ ham chơi hơn ham học! Đừng nóng vội quát mắng trẻ sao lười biếng và đua đòi! Bởi chơi tết cũng là một cách học thú vị và ý nghĩa. Đây là cơ hội để trẻ “học” từ thực tế cuộc sống và “hành” những kiến thức tích lũy lâu nay.
Bài học về sự quan tâm và giúp đỡ lẫn nhau cần được thực hành và vun bồi nhiều hơn trong dịp tết. Hãy lên kế hoạch dọn dẹp nhà cửa cho tất cả các thành viên trong gia đình, mạnh dạn giao những công việc phù hợp với lứa tuổi cho các con: lau cửa, sơn cầu thang, quét dọn vườn, sắp xếp góc học tập… Nếu gia đình đang bận rộn bán buôn, kinh doanh mấy ngày cuối năm, hãy kéo con vào công việc làm ăn để trẻ cảm nhận rõ hơn sự vất vả của bố mẹ và quý hơn công sức lao động!
Bài học về văn hóa tết Việt như gói bánh chưng, bày biện mâm cỗ, dựng cây nêu cùng hội xuân rộn ràng với những trò chơi dân gian chỉ ngày tết mới có. Do đó, trẻ cần được trải nghiệm sự rộn ràng đón xuân và du xuân. Gia đình hãy kéo con ra khỏi sách vở, hãy cùng con bắt tay vào từng công đoạn gói bánh, làm mứt, xếp đặt mâm cỗ, bày biện bàn thờ gia tiên… Rồi cho con cơ hội du xuân để tận mắt chứng kiến hội hoa xuân, tận tay chạm vào những trò chơi xuân. Tâm hồn con trẻ sẽ mướt xanh hơi thở mùa xuân nồng nàn và vô số kỹ năng cần thiết cho cuộc sống tự nhiên sẽ được tích lũy đầy vun dần…
Học sinh cần được trải nghiệm sự rộn ràng đón xuân và du xuân |
đ.n.t |
Bài học về chữ lễ, chữ nghĩa trong quan hệ họ hàng, làng xóm cần được trao cơ hội để biến từ lý thuyết thành “cây đời xanh tươi”. Trao gửi món quà tết cho người thân để trẻ thấu hiểu sự thơm thảo của những tấm lòng. Theo bố mẹ đi chúc tết ông bà, họ hàng và hàng xóm, trẻ sẽ biết cách chào hỏi thưa gửi, biết nói lời hay ý đẹp, biết cảm ơn khi nhận miếng bánh, lát mứt trao tay… Sự gắn kết tình thân, tình làng nghĩa xóm sẽ trọn vẹn hơn rất nhiều và nối dài qua từng thế hệ!
Lâu nay, chúng ta vẫn thường than vãn với nhau về những đứa trẻ có lớn mà chưa khôn, thiếu hụt kỹ năng sống và vô tâm, vô tình với người thân. Nhưng hãy thử nhìn nhận lại cách nuôi dạy và giáo dục của chúng ta khi quanh năm suốt tháng ép trẻ học, học và học. Ngay đến tết mà cũng làm toán, viết văn, giải lý, luyện hóa… thì đến bao giờ trẻ mới thật sự được trao cơ hội lớn khôn?
Xin hãy trao cho trẻ cơ hội chơi với tết, học từ tết…
Bình luận (0)