Năm 20 tuổi, đang ở độ tuổi thanh xuân đẹp nhất đời người, chị Trần Thiên Di từ Sài Gòn lên Đà Lạt thuê mặt bằng để kinh doanh khách sạn. Sau thời gian tìm hiểu ngắn ngủi, chị quyết định tổ chức đám cưới với anh Nguyễn Văn Minh (năm đó 21 tuổi, quê Lâm Đồng).
Cuộc hôn nhân chưa đầy 10 năm của chị với chồng là những ngày nhịn đắng nuốt cay biết bao tủi nhục về cả thể xác và tinh thần.
Chồng ở nhà vợ nuôi
Cuộc hẹn của tôi và chị Di (30 tuổi) trong một tiệm trà ở trung tâm Sài Gòn vỏn vẹn chỉ 1 tiếng đồng hồ nhưng liên tục bị ngắt quãng bởi các cuộc điện thoại của anh Minh – chồng cũ của chị.
Mỗi lần điện thoại rung, chị Di lại thở dài: “Không thể chịu nổi. Ly hôn rồi nhưng 30 phút anh ta gọi một lần và vẫn muốn kiểm soát tôi mọi lúc, mọi nơi…”.
Xã hội cực kỳ lên án hành động vũ phu, bạo lực gia đình. Thế nhưng vẫn còn đó những chuyện đau lòng, cam chịu của người vợ. Để tố cáo và góp phần nói không với bạo lực gia đình, Thanh Niên Online sẽ khởi đăng các câu chuyện: Chồng đánh vợ, phụ nữ Việt hãy lên tiếng! để tố cáo và ngăn chặn thói xấu này. Bạn đọc, những người vợ nếu lâm vào hoàn cảnh này, có thể chia sẻ qua email: doisong.thanhnien@gmail.com để cùng dẹp bỏ nạn vũ phu.
Bài viết và ý kiến của bạn đọc được đăng tải sẽ nhận nhuận bút của Thanh Niên. Xin trân trọng cảm ơn!
|
Chị Di tâm sự, chỉ 1 tháng sau khi cưới, vì những mâu thuẫn nhỏ xíu trong cuộc sống mà anh Minh đánh chị. Lần đó, nghe ồn ào, bảo vệ khách sạn vào can ngăn. Anh đuổi bảo vệ ra ngoài, đóng cửa rồi tiếp tục đánh vợ.
“Anh bảo vệ hoảng quá không biết làm sao nên gọi điện thoại về cho ba mẹ tôi ở Sài Gòn. Ngay trong đêm đó, ba mẹ tức tốc đón xe lên Đà Lạt nói chuyện phải, trái với chồng và nhà chồng. Nhà chồng tôi quan điểm vợ chồng đánh nhau là chuyện bình thường, ba mẹ tôi thì không đồng ý nên hai bên sui gia bắt đầu có xích mích. Tôi thì nghĩ vợ chồng trẻ, lại mới cưới nên bỏ qua, nói ba mẹ về lại”, chị Di kể.
Từ đó, hễ thấy vợ điện thoại nói chuyện với cha mẹ ruột, anh Minh lại bực bội, kiếm chuyện gây sự. Chuyện nhỏ anh cũng xé ra thành chuyện to và lao vào đánh vợ. Trong 9 tháng mở khách sạn, anh đã thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ 3 lần. Vậy nhưng, chị Di vẫn nhẫn nhịn: “Lúc đó tôi nghĩ tại chồng tôi gốc miền Trung nên gia trưởng. Tình yêu có thể giúp ảnh thay đổi tính cách”.
|
Khi trả lại mặt bằng, hai vợ chồng đều thất nghiệp nên xuống lại Sài Gòn, được cha mẹ ruột chị Di nuôi ăn ở. Chị Di tìm được việc làm với thu nhập đủ chi tiêu cá nhân, anh Minh thì không đi làm vì… chưa tìm được việc phù hợp. Mỗi tháng 2 lần, anh xin tiền vợ về thăm nhà ở Lâm Đồng.
Chị Di bộc bạch: “Tôi nghĩ cũng buồn nhưng cái gì không vừa ý ảnh là vợ chồng lại lục đục nên vẫn kệ ảnh ở nhà. Đến khi bà con dòng họ nói quá ảnh mới đi làm lái xe taxi, nhưng sau đó lại nghỉ ngang để về Lâm Đồng hái cà phê phụ gia đình. Tôi lại phải nghỉ việc lên đó ở nhà trọ và xin việc tiếp, đi sớm về khuya một mình, cả tuần chồng mới đến thăm một lần”.
Hết mùa cà phê, vợ chồng lại về Sài Gòn và có hai em bé. Được ba mẹ vợ mua cho một căn nhà ở H.Đức Hòa, Long An để an cư lạc nghiệp. Nhưng mọi chuyện vẫn chưa dừng lại ở đó…
Xin tiền vợ ‘giải quyết’ với bồ nhí
Thời gian chị Di vừa mang thai con trai đầu lòng và ở nhà ngoại, chồng không ở bên mà chọn ở Lâm Đồng với lý do xin được việc lái xe tải cho một công ty. Bất ngờ, một ngày bạn của chồng gửi cho chị những tấm hình anh tình tứ với người con gái khác. Chị không đánh ghen ồn ào mà giả vờ như không biết để gia đình êm ấm.
“Lúc con vừa tròn 3 tháng, chồng gọi điện thoại thú nhận có cặp với một cô sinh viên và làm cô bé có bầu gần 4 tháng. Hai người đến cơ sở tư nhân để phá thai bằng phương pháp ngậm thuốc nhưng cô bé bị băng huyết, thai chết lưu và cần tiền để đi gắp thai. Uất nghẹn nhưng thương cô bé còn cả tương lai phía trước, tôi vẫn đưa tiền cho chồng để giải quyết và lên tận nơi để gửi em bé vào chùa. Thậm chí, chồng còn nhờ tôi an ủi vì sợ bé đó nghĩ quẩn. Nhưng chồng tôi vẫn không biết quay đầu…”, chị Di tâm sự.
Vừa thôi nôi bé thứ hai, anh dẫn con trai đầu về thăm nội và đòi gửi luôn ở nhà nội nhưng không được vợ đồng ý nên cả hai xảy ra mâu thuẫn.
Chị Di kể tiếp: “Vừa về đến nhà, dù tôi đang đút cho bé sau ăn nhưng anh vẫn lao vào đánh tới tấp, hai đứa trẻ khóc thét. Hàng xóm thấy vậy vội gọi mẹ tôi qua can ngăn, nhưng anh đánh vợ rồi đánh luôn cả mẹ vợ. Lần đó công an xã xuống nhưng tôi làm đơn bãi nại nên không xử lý”.
Ly hôn vẫn bị đánh!
Theo lời kể của chị Di, trong thời gian gửi đơn ly hôn ra tòa, anh Minh liên tục theo dõi trước công ty và gọi điện thoại làm phiền chị. Có lần đi cùng bạn học cấp 3, cả chị Di và bạn đều bị anh chặn xe đánh. Lần đó, Công an phường Nguyễn Cư Trinh (Q.1, TP.HCM) phạt anh 800 ngàn về tội đánh người.
Lần khác, chị Di đi đám cưới đồng nghiệp về, anh Minh chặn ngay đầu hẻm và lôi vào xe ô tô dùng mũ bảo hiểm đánh tới tấp với lý do: “Ham chơi không chăm sóc con”, dù cả hai bé đều được gửi ông bà ngoại.
Bà Nguyễn Phương Lan (mẹ chị Di) cũng cho biết, dù đã ly hôn nhưng cả bà và con gái liên tục bị anh Minh kiếm chuyện. Nhiều lần anh Minh theo dõi bà Lan rồi chạy lên ép xe khiến tay lái bà loạng choạng.
“Có lần nó thuê cả giang hồ bến xe qua định dằn mặt nhà tôi. Mà giang hồ qua tôi nói chuyện phải trái, phân tích cho nghe nên cũng không dám làm gì. Ngày trước tôi đã can ngăn con gái không lấy chồng sớm, nhưng tiếng gọi tình yêu mà. Giờ mỗi lần nghe giọng nó là tôi muốn tăng xông”, bà Lan bức xúc.
Quá mệt mỏi vì sự làm phiền của người con rể cũ, bà Lan đang phải nhờ đến công an phường, hội phụ nữ hỗ trợ về mặt pháp lý để cuộc sống gia đình bình yên trở lại.
Bình luận (0)