Tôi sống ở một thị xã rất nhỏ ở Đắk Lắk, nơi tưởng chừng như chỉ có bình minh chim hót, chỉ có hoa thơm trái ngọt, thì càng gần gũi, tôi càng thấy rùng mình khiếp sợ muôn kiểu bạo hành gia đình ở đây.
Quan niệm dạy con “thương con roi cho vọt”, “dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về” gần như ăn sâu vào máu của nhiều người của phái mạnh. Chỉ cần không vừa ý, họ chẳng ngần ngại gì mà thượng cẳng chân hạ cẳng tay với người đầu ấp tay gối.
Một ngày vợ chồng, suốt đời vợ chồng?!
Cô H. có chồng và ba con. Từ ngày sinh đứa con trai đầu lòng cho đến năm cô 60 tuổi, cô ngủ chòi hoặc ở bờ bụi nào đó nhiều hơn ở nhà. Cứ chiều, thấy chồng đi làm về có rượu trong người thì cô phải vơ vội cái mền và tấm áo mưa, lôi con chạy trốn. Nhưng có phải trốn thôi mà yên, những lần trốn không kịp nhiều không đếm hết, cô nhập viện rồi lại ra viện.
Chồng cô, người đàn ông cứ có rượu vào người trở nên như quỷ dữ, chẳng cần biết máu mủ tình thâm. Năm đứa con gái trở thành thiếu nữ tuổi trăng tròn, vì thường bị hành hạ tàn nhẫn mà tự tử. Con trai út vì bị cha đánh đập mang lòng hận thù, đưa bạn về đánh gãy chân cha rồi bị bắt đi tù.
Bi kịch gia đình liên tiếp xảy ra nhưng người vợ ấy vẫn một mực sống trong căn nhà ấy với suy nghĩ “một ngày vợ chồng, suốt đời vợ chồng”. Sau những trận đòn thừa sống thiếu chết, công an bắt ông ấy thì cô lại lên làm đơn xin về, năm lần bảy lượt như thế thì gần như mọi người cũng quen với việc cô bị đánh.
Ngày ông chết, bao nhiều người thở phào và mừng cho cô. Cuối cuộc hôn nhân ấy, cô còn gì? Những vết thẹo chi chít trên người, mất hẳn một bên mắt cho vết rựa chém trúng và cả cuộc đời nếu nhớ lại chắc chẳng có một ngày bình yên.
Bà Tư, năm nay gần 70 tuổi. Cứ thỉnh thoảng bà chạy vào sân nhà tôi ngồi thở hổn hển “cô ngồi đây nghỉ chút nghen con”. Hỏi ra mới biết là chồng bà đang đập phá ở nhà, lý do chẳng gì to tát, vì bận đi dự đám cưới mà chưa kịp nấu cơm. Bà có đến bảy người con, hỏi sao cô không bỏ ổng quách đi cho rồi, bà cười: “Hồi trẻ thì vì con đông quá, ráng chịu, giờ già rồi, ra tòa ly dị ai coi cho đặng hả con?”.
|
Tôi hỏi những đứa con của bà rằng nếu cuộc hôn nhân ba mẹ họ chấm dứt, họ thấy thế nào? Hầu như tất cả đều bảo rằng, họ đã khuyên mẹ điều ấy rất nhiều lần nhưng mẹ bảo rằng sợ họ không có cha!
Đàn bà xem con cái là tất cả, nhưng sự thiếu hiểu biết đã đẩy những đứa con vào chung địa ngục với mình mà tưởng rằng mình đang bảo vệ gia đình cho chúng. Từ đó, dẫn đến bao nhiêu bi kịch gia đình khác, như con cô H. tự sát, con trai thì trở thành những đứa con hoang đàng và đối xử với vợ nó sau này chẳng khác gì cách cha đã đối xử với mẹ.
Những đứa con của bà Tư bước ra đời với mặc cảm bước ra từ một gia đình không hạnh phúc, thiếu niềm tin vào tình yêu, nghi ngờ nhiều thứ và cứ sống đối phó quanh co, khiến cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn mà sai lần nối tiếp sai lầm. Còn người làm chồng, làm cha lợi dụng điểm yếu lòng ấy của vợ con rồi cứ thế mà “đàn áp” chỉ để thỏa mãn tham vọng làm kẻ mạnh nhất trong nhà.
Dàn cảnh nhờ bạn làm xã hội đen để giải cứu
Cô vợ 9X ngày đầu về làm dâu nhà chồng nhìn cái gì cũng lạ. Đêm mệt nên ngủ luôn một giấc tận 7 giờ sáng mới thức dậy, cả nhà đều liếc mắt nhìn cô dâu mới. Chồng (cũng 9X) cho cô vợ hẳn một bạt tai để “ra oai”, với ý nghĩ, từ nay, vợ cần được “dạy lại”. Cô vợ lẳng lặng xếp quần áo và đi thẳng về nhà mẹ. Cuộc hôn nhân chóng vánh ra tòa sau đó không lâu.
Bạn trẻ K.Y thì khác, 28 tuổi mới lập gia đình khi có một cơ sở làm spa hoạt động ổn định. Vừa ngay sau ngày cưới, gia đình chồng họp lại, buộc K.Y nghỉ việc ở nhà chăm sóc gia đình và sinh con, vì họ cho rằng công việc spa là không đàng hoàng, không đứng đắn. K.Y đồng ý việc mình chăm sóc gia đình và sinh con, nhưng không đồng ý nghỉ việc. Gia đình chồng gây áp lực bằng cách liên tục lợi dụng việc cô không hoàn thành việc nhà để gây khó dễ và kích động chồng đánh cô.
Sau vài trận đòn, K.Y nhờ vài người bạn của mình giả vờ làm xã hội đen để đến nhà đòi nợ, với lý do: “Con Y vay tiền tao mở spa, giờ nó đòi đóng cửa, yêu cầu cả nhà trả hết số nợ 500 triệu”. Cả nhà chồng điếng ngắt, chồng lảo đảo tiến tới định đánh cho vợ bạt tai thì một trong nhóm bạn giữ tay chồng: “Để nó yên ổn khỏe mạnh làm mà trả nợ, không thì mày trả cho nó, nếu không, cả nhà không ai yên!”.
Từ đó, vì món nợ “500 triệu” mà K.Y được toàn quyền đi làm, không ai dám đả động đến việc ép cô nghỉ việc sinh con nữa. Y. bảo, đó là cách “cùn” nhất mà mình có thể đối phó.
“Dạy vợ” không phải là sự bảo ban để người mới về nhà quen được nếp sống trong nhà, đàn ông xem cách “dạy vợ” như là cách ra oai, giành phần thắng, phần mạnh về phía mình, từ đó áp đảo để “thiên hạ” không cho mình là thằng hèn sợ vợ nhưng họ không biết họ hành xử như vậy mới thật là hèn.
"Mày đi với ai, mày đi với thằng nào…"
Chị V, là một giáo viên, chồng làm tự do, cũng rất hay say xỉn. Chồng chị không đánh đập nhưng dùng lời nói. Chị đi làm về muộn năm phút là chồng nói suốt một tiếng: "Mày đi với ai, mày đi với thằng nào…” thậm chí dùng rất nhiều lời nói nhục mạ, đay nghiến.
Thi thoảng, tôi bắt gặp anh chồng đứng ngoài cổng cầm cây chổi chửi với theo vợ khi vợ vừa phóng xe đi làm: “Mày về rửa bát cho tao, đàn bà gì mà ăn xong không rửa bát đã đi làm”, khiến tôi cảm thấy ngán ngẩm và thương cảm cho cuộc sống của chị. Chị nói: ổng bảo cứ mỗi lần chửi thì phải chửi cho hàng xóm nghe thấy, để chị mang nhục.
Nhưng chị V. cũng như rất nhiều người không hiểu rằng, hành động làm cho người khác “nhục” chính là hành động vi phạm pháp luật. Bạo hành thể xác cũng như bạo hành tinh thần đều là những hành vi có thể đưa ra tòa án dân sự hoặc nặng là hình sự. Cũng vì thiếu hiểu biết về pháp luật mà phụ nữ luôn dùng hai chữ “hi sinh” và “nhẫn nhịn” để chịu sự chà đạp của người sống cùng một nhà.
Cần có phong trào phổ biến quyền của phụ nữ và trẻ em rộng rãi hơn đến mọi tầng lớp xã hội, để họ biết cầu cứu ai mỗi khi cần, để những người làm chồng làm cha biết hành động nào là vi phạm pháp luật chứ không phải bạo hành được gọi là quyền làm chồng làm cha. Chúng ta kêu gọi phụ nữ đứng lên, kêu gọi bình đẳng, nhưng muốn bình đẳng thì phụ nữ cần cả một hệ thống luật pháp hỗ trợ mỗi khi cần, nếu không có sự can thiệp của pháp luật, phụ nữ cũng chỉ chênh vênh một mình và sự vùng lên chỉ gây nguy hiểm cho bản thân mà thôi.
Xã hội cực kỳ lên án hành động vũ phu, bạo lực gia đình. Thế nhưng vẫn còn đó những chuyện đau lòng, cam chịu của người vợ. Để tố cáo và góp phần nói không với bạo lực gia đình, Thanh Niên Online sẽ khởi đăng các câu chuyện: Chồng đánh vợ, phụ nữ Việt hãy lên tiếng!. Bạn đọc có thể chia sẻ câu chuyện của mình qua email: doisong.thanhnien@gmail.com để cùng dẹp bỏ nạn vũ phu.
Bài viết và ý kiến của bạn đọc được đăng tải sẽ nhận nhuận bút của Thanh Niên. Xin trân trọng cảm ơn!
|
Bình luận (0)