Chủ nhân bảo vật quốc gia tư nhân: Loanh quanh chỉ có mấy người

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
23/01/2024 06:56 GMT+7

Dù hiện vật quý vẫn còn, nhưng số nhà sưu tập đưa hiện vật ra làm hồ sơ bảo vật quốc gia quá ít.

Nhà sưu tập quá quen mặt

Đã có thêm 2 đợt công nhận bảo vật quốc gia kể từ khi bảo vật quốc gia của tư nhân đầu tiên được công nhận. Bảo vật đầu tiên là trống đồng Kính Hoa, một trống đồng Đông Sơn quý, thuộc sở hữu của ông Nguyễn Văn Kính (Q.Ba Đình, Hà Nội), được công nhận năm 2020. Tới đợt công nhận bảo vật quốc gia năm 2022, ông Kính lại có một chiếc trống đồng Đông Sơn nữa được công nhận. Ông đặt tên chiếc trống này là trống đồng Kính Hoa 2 để phân biệt với trống đồng Kính Hoa trước đó.

Chủ nhân bảo vật quốc gia tư nhân: Loanh quanh chỉ có mấy người - Ảnh 1.

Chi tiết trên thạp đồng Kính Hoa 2

CỤC DI SẢN VĂN HÓA

Cũng trong đợt công nhận bảo vật quốc gia 2022, ông Kính có thêm thạp đồng Kính Hoa được ghi danh. Đợt công nhận năm nay, ông Kính có thạp đồng Kính Hoa 2 được ghi danh bảo vật quốc gia. Chiếc thạp đồng này cũng được đánh số như vậy để phân biệt với thạp đồng Kính Hoa được công nhận trước đó. Như vậy, kể từ 2020 đến nay, đợt công nhận bảo vật quốc gia nào ông Kính cũng có thêm hiện vật vào bảng vàng, trở thành "người quen" của bảo vật quốc gia.

Chủ nhân bảo vật quốc gia tư nhân: Loanh quanh chỉ có mấy người - Ảnh 2.

Lư gốm men lam trắng trong bộ sưu tập An Biên

CỤC DI SẢN VĂN HÓA

Danh sách bảo vật quốc gia còn có một người quen khác là nhà sưu tập Trần Đình Thăng (TP.Hải Phòng). Ông Thăng là chủ nhân của bộ sưu tập An Biên. Năm 2022, ông Thăng có cuộc ra mắt rầm rộ với 4 nhóm hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia. Ông có nhóm 2 chiếc đĩa gốm men ngọc thế kỷ 12 - 13, được cho là sản xuất tại lò gốm của kinh thành Thăng Long để phục vụ hoàng gia, được công nhận bảo vật quốc gia. Ngoài ra, ông còn có đĩa gốm men lam tím thời Lê sơ, lư hương gốm hoa lam cao cấp thời Lê sơ, 2 đài đồng đốt trầm, nắp tượng nghê. Năm nay, ông Thăng cũng có 2 hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia là bình gốm hoa nâu thời Lý, lư hương gốm men lam xám. Hiện số lượng bảo vật quốc gia của ông Thăng còn nhiều hơn lượng bảo vật quốc gia phi tư nhân tại Hải Phòng.

Chủ nhân bảo vật quốc gia tư nhân: Loanh quanh chỉ có mấy người - Ảnh 3.

Bình gốm hoa nâu thời Lý của bộ sưu tập An Biên

CỤC DI SẢN VĂN HÓA

Một nhà sưu tập khác cũng có bảo vật quốc gia là ông Nguyễn Thế Hồng, chủ Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (TP.Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh). Ông Hồng hiện có một thạp đồng văn hóa Đông Sơn đã là bảo vật quốc gia. Ông cũng chắc chắn sẽ có thêm một bảo vật quốc gia nữa, chỉ cần gửi hồ sơ, đó là chiếc ấn Hoàng đế chi bảo vừa được hồi hương từ Pháp.

Mong muốn thêm cổ vật lộ diện

Hơn chục năm xét công nhận bảo vật quốc gia, số lượng nhà sưu tập sẵn sàng "lộ diện" vẫn chưa đếm đủ 5 đầu ngón tay.Trong mấy năm gần đây, chỉ có những gương mặt quen thuộc là ông Kính, ông Thăng và ông Hồng. Trong khi đó, số lượng các nhà sưu tập rất nhiều, nắm trong tay những bộ sưu tập quý.

Hồ sơ công nhận bảo vật Thẻ bài cung nữ ở Hoàng thành Thăng Long năm nay có đoạn: "Đến nay mới có 2 thẻ bài thời Lê được công bố. Thẻ thứ nhất là thẻ bài Cẩm y vệ thời Hồng Thuận năm 1512 và thẻ thứ hai là thẻ bài Cung nữ ra vào nội cung thời Lê sơ, Hoàng thành Thăng Long. Thẻ bài Cẩm y vệ thời Hồng Thuận năm 1512 thuộc bộ sưu tập của ông Dương Minh Chính, Hà Nội". Như vậy, có thể thấy ít nhất còn một thẻ bài cũng rất quý, là một hiện vật tư nhân, chưa hề làm hồ sơ để công nhận bảo vật quốc gia.

Chủ nhân bảo vật quốc gia tư nhân: Loanh quanh chỉ có mấy người - Ảnh 4.

Lư hương thời Mạc, thuộc bộ sưu tập An Biên

CỤC DI SẢN VĂN HÓA

PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học VN, cho biết các hiện vật tư nhân có giá trị có thể công nhận bảo vật quốc gia còn nhiều. Tuy nhiên, nhiều người còn e ngại khi mang cổ vật ra đăng ký bảo vật quốc gia. "Tôi nghĩ vấn đề sở hữu rất khó nói. Có thể họ mua hiện vật khó chứng minh nguồn gốc nên chưa muốn mang ra đăng ký, hoặc họ e ngại khi đã thành bảo vật quốc gia rồi việc quản lý chặt chẽ quá khiến họ khó chuyển nhượng khi cần", PGS-TS Tín nói.

Trong khi đó, một PGS-TS đang là ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia cho rằng hiện tượng có hiện vật quý nhưng "giấu", chưa mang ra khoe là có thật. "Tôi nghĩ ngành di sản cần tuyên truyền để những người nắm giữ hiện vật giá trị cao hiểu được việc đăng ký cổ vật, làm hồ sơ bảo vật quốc gia không có gì quá khó, cũng không quá căng thẳng. Bản thân các sở quản lý văn hóa cũng cần hỗ trợ tư nhân khi làm hồ sơ bảo vật. Có như thế họ mới tin tưởng để đưa dần các hiện vật quý lộ sáng. Điều này rất tốt cho quản lý hiện vật quý, cho các tài sản văn hóa", vị ủy viên này nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.