Chủ tịch Quốc hội: Phát triển đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong quy hoạch quốc gia

Mai Hà
Mai Hà
21/12/2022 18:19 GMT+7

Chiều nay 21.12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cho ý kiến về đề án Quy hoạch tổng thể quốc gia, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết có cơ sở chính trị, pháp lý rõ ràng để xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia; đồng thời đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và cơ quan chủ trì thẩm tra, hồ sơ chuẩn bị công phu, trên cơ sở ý kiến hôm nay rà soát trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ 2 (tháng 1.2023).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến về đề án Quy hoạch tổng thể quốc gia

QH

Phát triển hành lang Đông - Tây

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý đơn vị soạn thảo cần nhấn mạnh đến định hướng kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa.

Về phát triển kết cấu hạ tầng, đề nghị nhấn mạnh phát triển đồng bộ hiện đại hạ tầng kỹ thuật, thông tin, năng lượng và hạ tầng số quốc gia; xác định cụ thể khung kết cấu hạ tầng quốc gia bên cạnh đường bộ chú trọng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và đa phương thức vận tải khác...

Về phát triển hành lang kinh tế, theo Chủ tịch Quốc hội, trước đây quá chú trọng phát triển theo hướng Bắc - Nam, song lần này quy hoạch đã phát triển theo hướng Đông - Tây.

"Đây là điểm tốt, vì hành lang Đông - Tây của chúng ta bên là núi, bên là biển, nhiều khu vực rất hẹp. Quan điểm phát triển một vành đai một con đường của Trung Quốc chú trọng phát triển theo hướng Bắc - Nam, nếu chúng ta không chú ý tới hướng Đông - Tây sẽ không tận dụng được lợi thế của các cảng. Trước đây, nếu không xây dựng cảng Lạch Huyện thì hàng hóa Trung Quốc, ASEAN sẽ qua cảng Phòng Thành (Trung Quốc) mà không qua cảng Lạch Huyện", Chủ tịch Quốc hội nêu.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý việc chú trọng kết nối các hành lang kinh tế với các hành lang của khu vực và quốc tế. Theo đó, quy hoạch trước đây chưa làm nổi bật quy hoạch kết nối trong nước với quốc tế, "mình mình không thể kết nối được, mà phải thành chuỗi".

Đặc biệt, có 3 hành lang quan trọng cần ưu tiên nguồn lực phát triển, gồm hành lang Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh để kết nối "một vành đai, một con đường", Lao Bảo - Đông Hà - Đà Nẵng, Mộc Bài - TP.HCM - Vũng Tàu. Từng hành lang kinh tế không có nghĩa phải đầu tư đồng bộ, toàn diện ngay mà nên có những đoạn, tuyến quan trọng, cần phải ưu tiên nguồn lực phát triển trước vì đầu tư cả hành lang cần nguồn lực rất lớn.

Về định hướng phát triển du lịch, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nhấn mạnh hơn tạo lập các trung tâm du lịch cấp quốc gia, cấp vùng, liên kết các ngành, thành phần kinh tế, chú trọng hạ tầng du lịch, môi trường du lịch, sản phẩm và doanh nghiệp du lịch.

"Đề án rất khó, chưa có tiền lệ"

Góp ý cho quy hoạch, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, quy hoạch tổng thể quốc gia mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng bao gồm những gì, còn nội dung chi tiết nằm ở các quy hoạch khác như quy hoạch đất đai, biển, vùng, ngành, tỉnh...

Đây là những quy hoạch đang làm và có sự kết nối với nhau. Theo ông, quy hoạch tổng thể định hướng, tạo hành lang để các quy hoạch khác phải theo, có kết nối, cộng hưởng, phát huy. Quy hoạch này cũng là giới hạn không gian để quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh... không được phá vỡ.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng giải trình các ý kiến về đề án Quy hoạch tổng thể quốc gia

qh

Báo cáo giải trình thêm tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, đây là đề án rất khó, chưa có tiền lệ, chưa làm bao giờ nên chưa hình dung hết và phức tạp khi phạm vi rộng. Do đó, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc các ý kiến đóng góp để hoàn thiện.

Ông Dũng cũng cho biết, vấn đề khó nhất, có nhiều ý kiến quan tâm là phạm vi và ranh giới quy hoạch dừng ở mức độ nào. “Nhiều ý kiến cho rằng, quy hoạch còn mờ, thiếu, chưa rõ nhưng nếu chi tiết quá lại trùng vào quy hoạch ngành, tỉnh, vùng thì lại không đúng. Nhưng nếu chung quá lại ở dạng nghị quyết, chiến lược. Quy hoạch tổng thể nằm giữa chiến lược, nghị quyết với quy hoạch chi tiết nên việc xây dựng sẽ cố gắng đảm bảo điều này”, Bộ trưởng Dũng nói.

Theo ông, vấn đề mới đưa ra trong quy hoạch chủ yếu tập trung tạo ra các vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng để làm sao tổ chức không gian, tạo động lực mới cho phát triển cân đối, hài hoà, bền vững...

Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý để hoàn thiện đề án trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường vào đầu tháng 1.2023.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.