“Mở một cái khóa nhưng đóng vào đấy mười mấy cái van, chốt”
Sáng 22.3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 9 cho ý kiến về các vấn đề của luật Điện ảnh sửa đổi. Báo cáo về quy định phổ biến phim trên mạng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, đa số ý kiến đồng tình với phương án “hậu kiểm”; song một số ý kiến đề nghị phải cấp phép phân loại phim phổ biến trên không gian mạng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại phiên họp |
GIA HÂN |
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu ý kiến cho rằng, xu hướng chung là “hậu kiểm”, song đề nghị cần có tiêu chí cụ thể trường hợp nào hậu kiểm, và trường hợp nào phải phê duyệt, cấp phép.
Chủ tịch Quốc hội (QH) Vương Đình Huệ cũng cho rằng, với xu thế hiện nay, “tiền kiểm” đối với phim phổ biến trên không gian mạng là bất khả thi, cần phải chuyển sang hậu kiểm. Tuy nhiên, nếu như nhà sản xuất, phát hành có nội dung băn khoăn, muốn cơ quan quản lý nhà nước có ý kiến trước khi phát hành thì cơ quan quản lý cần phải làm việc này.
Bên cạnh đó, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc phải đưa ra cơ chế để phát hiện, khắc phục nhanh hậu quả và xử lý các vi phạm. Đối với yêu cầu này, Chủ tịch QH cho rằng dự thảo luật sau khi đã tiếp thu, chỉnh lý vẫn chưa đáp ứng yêu cầu này.
Dẫn quy định tại điều 21 dự thảo luật có tới 9 khoản yêu cầu mà tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên mạng phải tuân thủ như phải thông báo với Bộ VH-TT-DL, gỡ bỏ phim trong 24 giờ khi cơ quan nhà nước yêu cầu hay dừng cung cấp dịch vụ khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước…, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đánh giá những quy định này “lằng nhằng, mở một cái khóa nhưng đóng vào đấy mười mấy cái van, chốt”, rất khó để làm.
“Phải thông báo đến Bộ VH-TT-DL thì thông báo thế nào? Một cú phone (điện thoại) gọi chuyên viên có được không? Có phải chờ Bộ Văn hóa (Bộ VH-TT-DL) trả lời không? Thời gian trả lời là bao lâu?... Phải quy định hình thức, thời gian thông báo cụ thể”, Chủ tịch QH nêu và đề nghị nên xem kinh nghiệm quốc tế làm thế nào để có hướng giải quyết phù hợp.
Chủ tịch QH cũng cho rằng dù dự thảo đã đưa ra “mênh mông bể sở các rào cản, van, chốt, khóa” nhưng chưa chắc đã chặt chẽ, khả thi. “Yêu cầu gỡ phim trong 24 giờ thì sau 24 giờ phim đã lan truyền toàn xã hội còn gỡ cái gì”, Chủ tịch QH nói và nhấn mạnh, quy định như dự thảo luật là không ổn, đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra rà soát lại để có quy định chặt chẽ nhưng khả thi.
Khó ủng hộ quỹ hỗ trợ điện ảnh
Một vấn đề cũng còn ý kiến khác nhau là việc quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh (Quỹ) quy định tại dự thảo luật.
Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục đề nghị bỏ quy định về Quỹ này vì việc quy định Quỹ là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ là chưa thống nhất với luật Ngân sách. Bên cạnh đó, QH cũng đã có nghị quyết yêu cầu Chính phủ rà soát, sắp xếp lại các quỹ có nguồn thu, nhiệm vụ chi trùng với ngân sách nhà nước hoặc không còn phù hợp. Ngoài ra, luật Điện ảnh năm 2006 đã quy định về Quỹ này nhưng đến nay vẫn chưa thành lập được do chưa xác định được nguồn thu ổn định để đảm bảo hoạt động của Quỹ…
Nhiều ý kiến tại phiên họp không ủng hộ đề xuất của Chính phủ về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đề nghị bỏ quy định về Quỹ, vì theo luật Ngân sách nhà nước thì ngân sách nhà nước không cấp kinh phí cho các quỹ ngoài ngân sách. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng đánh giá với giải trình của Chính phủ như hiện nay thì “Quốc hội khó mà ủng hộ”.
Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ cần phải làm rõ vì sao từ năm 2006 có quy định rồi mà không làm được. Và nếu muốn duy trì Quỹ thì cơ quan soạn thảo cần phải có lập luận chứng minh thế nào để QH xem xét...
Bộ trưởng tài chính đề nghị duy trì quỹ bảo vệ người được bảo hiểm
Trong ngày 22.3, báo cáo các vấn đề lớn giải trình, tiếp thu dự án luật Kinh doanh bảo hiểm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị bỏ Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, vì cho rằng sau 12 năm trích nộp, quỹ này chưa phải sử dụng và ít có khả năng phải sử dụng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc lại cho biết Bộ Tài chính muốn giữ quỹ này vì cho rằng không thể đảm bảo các công ty bảo hiểm không xảy ra vấn đề bất thường và nếu không có quỹ này thì nhà nước sẽ không có công cụ nào để can thiệp vào khi xảy ra vấn đề.
Cho rằng việc duy trì Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm là cần thiết để chia sẻ với người đóng, mua bảo hiểm, ông Phớc cho biết hiện Quỹ còn 1.000 tỉ đồng nhưng từ khi thành lập tới nay chưa chi lần nào, vì mục đích là chi cho người lao động chứ không dùng vào việc khác.
“Hiện tại mức trích nộp của quỹ này là 0,3%, và nếu lo về gánh nặng cho doanh nghiệp thì có thể giảm xuống từ 6 - 10 lần”, ông Phớc nói.
Bình luận (0)