Chuyển khoản nhầm tiền lì xì cho người khác, xử lý ra sao?

21/01/2023 07:49 GMT+7

Có không ít các trường hợp chuyển tiền cho nhầm người được thực hiện qua hình thức chuyển khoản ngân hàng hay ví điện tử. Vấn đề này sẽ được xử lý ra sao?

Tết là dịp lễ lớn trong năm để mọi người có thể tụ họp về nhà, quây quần bên gia đình sau những tháng ngày đi làm, đi học gần xa. Lì xì cũng là một trong những tục lệ thú vị ngày tết với ý nghĩa là tiền may mắn. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể gặp nhau vào ngày tết để trao tận tay “món quà” đầu năm này, do đó nhiều người đã chọn cách chuyển khoản qua ngân hàng hay các ví điện tử.

Chuyển tiền trực tuyến đã trở nên rất phổ biến hiện nay do sự tiện lợi của nó, nhưng cũng có không ít các trường hợp chuyển tiền cho nhầm người, và đôi khi người nhận đó sử dụng luôn số tiền chuyển nhầm vì cho rằng “tiền vào túi mình là của mình”.

Chuyển khoản nhầm tiền lì xì cho người khác, xử lý ra sao?

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Công an cho biết: Khi một người nhận được tiền do người khác chuyển nhầm vào tài khoản của mình (tức họ được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật, làm cho người khác bị thiệt hại) thì người đó phải có nghĩa vụ hoàn trả lại toàn bộ số tiền đó theo quy định tại Điều 579, 580 Bộ luật Dân sự 2015. Trường hợp không biết thông tin người chuyển nhầm tiền thì phải giao cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Việc không trả lại số tiền chuyển nhầm, rút tiền để sử dụng bị coi là chiếm giữ tài sản của người khác và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, cụ thể như sau:

Theo Nghị định 144/2021: Nếu có hành vi sử dụng, mua, bán, thế chấp, cầm cố trái phép hoặc chiếm giữ tài sản của người khác sẽ bị xử phạt hành chính từ 3 – 5 triệu đồng. Ngoài ra, người chiếm giữ buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép đối với hành vi này.

Theo quy định tại Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội "chiếm giữ trái phép tài sản" nếu số tiền bị chiếm giữ trái phép từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Nếu chiếm giữ tài sản từ 200 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Như vậy, nếu người nào sử dụng số tiền do người khác chuyển nhầm dưới 10 triệu đồng thì có thể bị xử phạt hành chính từ 3 – 5 triệu đồng; nếu sử dụng số tiền từ 10 - 200 triệu đồng do người khác chuyển nhầm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm; nếu sử dụng số tiền từ 200 triệu đồng trở lên thì có thể bị phạt tù từ 1 – 5 năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.