Chuyện lạ về cầu thủ lò Thanh Hóa trở thành ngoại binh nổi tiếng tại Đài Loan

15/11/2021 09:47 GMT+7

Nguyễn Túy Hải hay còn gọi là Hải Roxy là cái tên khá nổi tiếng trong cộng đồng người yêu bóng đá tại Đài Loan. Nhờ khả năng chơi bóng, anh được CLB địa phương Inter Taoyuan chiêu mộ và từ đó làm thay đổi số phận bản thân.

Có một điều ít ai biết, cầu thủ 26 tuổi đang chơi bóng tại Đài Loan lại có xuất thân từ một trung tâm đào tạo bóng đá tại Việt Nam - CLB Thanh Hóa, nơi mà Hải đã có thời gian dài đồng hành cùng những cầu thủ như Lục Xuân Hưng, Trịnh Văn Lợi, Lê Thanh Bình…

Ngã rẽ tuổi 19 làm thay đổi cuộc đời

Nguyễn Túy Hải sinh năm 1995 tại Hoằng Hóa (Thanh Hóa). Anh gia nhập tuyến trẻ đội bóng quê nhà từ năm 14 tuổi. Hải chỉ tập luyện 4 năm rồi xin nghỉ và sang Đài Loan làm việc.

Túy Hải chơi được ở vị trí trung vệ và tiền vệ phòng ngự

NHÂN VẬT CUNG CẤP

Hải kể: "Nhà tôi làm nông, cuộc sống không dư dả, nếu chỉ quanh quẩn ở quê thì rất khổ. Tôi lại là con trai cả, ngoài chị gái còn có 2 em trai đang tuổi ăn tuổi lớn. Bên cạnh áp lực về kinh tế, lúc đó tôi cũng có một số vấn đề cá nhân. Thế nên năm 19 tuổi, tôi quyết định dừng đá bóng, đi xuất khẩu lao động.

Lúc mới sang, tôi cũng không nghĩ mình sẽ trở thành cầu thủ ở bên này đâu. Cảm giác lúc mới sang thì buồn, chán và nhớ nhà lắm. Bạn bè thuyết phục mãi mới chịu đi đá bóng phong trào cho vui.

Tầm khoảng năm 2015, trong một lần ra sân đá bóng, tình cờ tôi được một vị HLV người Jamaica để ý. Vị này lại là ông bầu của một CLB đang chơi ở giải hạng nhì Đài Loan. Thế là họ mời tôi về đá và mọi thứ kéo dài cho đến hiện tại”.

Đội bóng mà Túy Hải đề cập là Inter Taipei (sau này đổi tên thành Inter Taoyuan). Từ ngày sang Đài Loan, anh chỉ thi đấu cho mỗi đội này, bởi theo Hải, môi trường ở đây quá tốt, lãnh đạo và đặc biệt là HLV trưởng rất mực yêu quý anh.

Hải (số áo 23) và đồng đội

NHÂN VẬT CUNG CẤP

“Gần 8 năm đá bóng ở đây, tôi nhận được ít nhất 4 đề nghị từ CLB hạng nhất, nhưng chưa vội nhận lời. Một phần là vì Inter Taoyuan và đặc biệt là vị HLV trưởng người Jamaica đã đối xử với tôi rất tốt. Một phần nữa là vì tôi thích sự ổn định. Hiện tại, tôi vừa đi làm công ty, vừa đi đá bóng, thu nhập rất ổn. Nếu chơi chuyên nghiệp toàn thời gian, tôi không chắc liệu mọi thứ có bị ảnh hưởng hay không. Hơn thế, nếu muốn ký hợp đồng, theo quy định tôi phải có giấy giới thiệu từ đơn vị chủ quản cũ, chứng minh mình từng được đào tạo làm cầu thủ. Tôi rời Thanh Hóa đã lâu lắm rồi nên việc xin giấy tờ này cũng khá rắc rối. Thôi thì trước mắt tôi vẫn cứ đi làm công ty, rồi kết hợp đá bóng để kiếm thêm”.

Túy Hải hiện đang làm nhân viên cơ khí. Anh làm việc vào giờ hành chính, đến tối lại xách giày ra sân tập và đi thi đấu vào cuối tuần. Biết anh vất vả mưu sinh, lãnh đạo CLB cũng thông cảm và tạo điều kiện hết mức, không một lời trách móc.

Trung vệ người Thanh Hóa chia sẻ, nếu có sức khỏe và chịu khó cày cuốc, sáng đi làm công ty, tối về đội tập bóng, mỗi tháng sau khi trừ hết chi phí, anh có thể để ra từ 10 - 40 triệu đồng. Tính ra một năm có thể tiết kiệm từ 100 - 500 triệu đồng. Đó là một con số đáng mơ ước với nhiều người lao động từ Việt Nam sang Đài Loan làm việc.

"Tôi đá bóng cũng thường thôi. Ở Việt Nam thì không được ai biết tới. Ở Đài Loan thì tạm gọi là khá so với mặt bằng chung. Nhưng như vậy cũng là rất vui rồi. Dù chỉ đá ở giải hạng nhì, nhưng hầu hết dân chơi bóng bên này, bao gồm cả ngoại binh, đều biết đến Hải Roxy - cầu thủ người Việt. Tôi thấy tự hào lắm.

Sang bên này, tôi có công ăn việc làm ổn định, lại được đá bóng, thỏa niềm đam mê từ tấm bé. Làm việc dù vất vả nhưng đổi lại có thu nhập tốt. Tuổi 26, tôi có một khoản tích lũy cho bản thân, rồi còn có thể bỏ tiền xây nhà cho mẹ và các anh chị em ở quê. Còn điều gì đáng để tự hào hơn kia chứ?”, Hải tâm sự.

Từng được giới thiệu sang Bỉ thử việc

Hải chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ hối hận vì chuyến đi này. Chỉ có một tiếc nuối và trăn trở duy nhất. Đó là, có phải mình đã rời đi khi còn quá sớm hay không. Ở thời điểm hiện tại, Xuân Hưng, Văn Đại hay Thanh Bình đều là những cầu thủ giỏi. Nhưng tầm 10 năm trước, chúng tôi có xuất phát điểm ngang nhau, không quá chênh lệch. Tôi ngưỡng mộ sự kiên trì và nỗ lực vươn lên của các bạn, và cũng tự trách mình vì đã bỏ bóng đá khi còn quá sớm. Đáng ra, tôi phải cố gắng hơn nữa và chiến đấu cho đến khi mọi hy vọng tắt hẳn. Đó là điều khiến tôi trăn trở, dằn vặt nhiều nhất trong suốt gần 10 năm qua”.

Trở thành cầu thủ nổi tiếng tại Đài Loan, Túy Hải (trái) muốn sau này về Việt Nam lập gia đình

NHÂN VẬT CUNG CẤP

Cầu thủ cao 1 m 75 nói tiếp: “Tôi sang đây 6 tháng là bắt nhịp được với cuộc sống. Tôi học tiếng Trung, giao tiếp như người bản địa. Từ ngày đi đá bóng, tôi lại học thêm tiếng Anh để trao đổi với HLV trưởng và đồng đội. Cuộc sống của tôi cứ như một vòng lặp, sáng đến chiều thì làm việc ở công ty, tối đến lại vác giày ra sân tập luyện, còn cuối tuần thì cùng đội đi thi đấu”.

Vị HLV người Jamaica của Inter Taipei từng đề nghị giới thiệu anh sang Bỉ chơi bóng. Tuy nhiên, sau khi suy nghĩ, cựu cầu thủ U.19 Thanh Hóa đã nói lời từ chối. Hải giải thích: “HLV người Jamaica đối xử với tôi rất tốt. Ông ghi hình màn trình diễn của tôi qua từng trận rồi gửi cho các tuyển trạch viên nước ngoài. Một lần, ông gọi tôi đến và nói muốn giới thiệu cho đi thử việc ở Bỉ. Ông ấy có mối quan hệ ở đó, tôi không cần làm gì ngoài chuẩn bị tiền mua vé máy bay.

Lúc đó tôi mới sang Đài Loan chưa lâu, không phải cứ nói đi là đi được ngay. Hơn thế, tôi cũng hiểu khả năng của mình, sang Bỉ thử việc thì cũng chỉ là ở các giải hạng thấp mà thôi. Dù có được ký hợp đồng, thu nhập liệu có đủ sống và trang trải cho khoản vay trước đó? Sau khi suy nghĩ, tôi đã quyết định từ chối".

Trong một trận đấu tại Đài Loan

Hải nói: "Bây giờ thì tôi cũng khá lớn tuổi rồi, cũng muốn về quê cưới vợ sinh con. Nhưng tôi cũng tiếc công việc ở Đài Loan và cả cơ hội chơi bóng nữa. Nếu mai này thu xếp được chuyện hợp đồng, tôi chắc chắn sẽ về Việt Nam. Bởi giải hạng nhì bên này chỉ kéo dài khoảng 6 tháng thôi, thời gian còn lại là quãng nghỉ.

Tôi muốn về quê để ở gần gia đình rồi kiếm thêm công việc nào đó. Ví như đi đá giải HPL ngoài Hà Nội chẳng hạn. Bạn bè đồng lứa ngày xưa vẫn rủ rê suốt, nhưng tôi bận đi làm ở Đài Loan nên vẫn chưa có dịp trải nghiệm giải đấu nổi tiếng này.

Thời của tôi, phương tiện và công nghệ thông tin còn rất hạn chế. Những đứa trẻ yêu bóng đá muốn đi học hoặc đăng ký thi tuyển trung tâm/học viện lớn đều gặp rất nhiều khó khăn. Mai này về quê, tôi muốn mở một lớp dạy bóng đá cho thiếu nhi. Thời của mình khó khăn nhiều rồi, sau này nếu làm gì được cho lớp trẻ, tôi sẽ cố gắng hết sức”, Hải nói.

Tại Đài Loan, Túy Hải chỉ khoác áo 2 đội bóng là Inter Taoyuan (tiền thân là Inter Taipei) và Hang Yuan (dưới dạng cho mượn vào mùa 2019 - 2020). Hải tiết lộ anh suýt chút nữa đã được đăng ký thi đấu tại AFC Cup khi được cho Hang Yuan mượn, song một quy định nào đó liên quan tới người lao động nước ngoài, đã ngăn cản ý tưởng này. Hết thời hạn, Hải được trả về đội bóng chủ quản và gắn bó cho tới hiện tại.

Mùa bóng 2020, Inter Taoyuan lỡ cơ hội thăng hạng sau khi để thua ở trận play-off. Trận này, hai đội hòa nhau 0-0 sau 90 phút. Bước vào loạt sút luân lưu, định mệnh đã không đứng về phía Hải Roxy và đồng đội. Hải tiết lộ rằng, đội hình của đội bóng đối thủ gồm nhiều cái tên đã chạm trán U.23 Việt Nam tại vòng loại U.23 châu Á 2022 vừa qua.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.