Trắng đêm chống dịch
Ngày 18.5, tại chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 quốc lộ 1A (đoạn trước Trường ĐH An ninh), chị Lưu Thị Bình Điệp, Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức, đứng giữa đường để đo nhiệt độ, kiểm tra y tế cho những lượt khách lưu thông qua đoạn đường này, trong cái nóng của TP.HCM giữa trưa như thiêu như đốt, cộng thêm bộ đồ bảo hộ cồng kềnh, không thoát được mồ hôi.
|
Chị Điệp kể một ngày mỗi ca làm 8 tiếng, có hôm chị làm từ 2 giờ chiều đến 9 giờ tối, có hôm chị trực ca từ 9 giờ tối đến sáng. Chỉ tay về thùng container ở phía bên kia đường đối diện, chị Điệp cho biết đó là chỗ nghỉ cho đội trực tại chốt, những lúc thay phiên nhau thì mọi người tranh thủ vào đó chợp mắt tí. Nhưng vì chị Điệp là nữ duy nhất tại chốt nên chị ngại nằm nghỉ, thế là đêm nào trực xem như đêm đó chị thức trắng.
“Trực ban ngày hay ban đêm cũng có cái vất vả riêng, nhưng trực ban ngày sẽ mệt hơn do phải đứng ngoài nắng trong bộ đồ bảo hộ này. Mỗi lần trực, mình uống hết 3 chai nước lọc (mỗi chai 1,5 lít) để bù nước. Hôm nào nắng quá thì cứ nửa tiếng phải thay phiên một lần, vào nghỉ nửa tiếng là ra lại để thay cho người kia vào, chứ đứng quá nửa tiếng giữa nắng thì chịu không thấu. Ngày nắng cũng như ngày mưa, bất kể đêm hay ngày tụi mình đều phải trực 24/7. Dù mệt nhưng mình rất vui và tự hào vì được góp công sức giúp toàn dân chống dịch”, chị Điệp tâm sự.
Vừa được thay phiên vào nghỉ chưa đầy 5 phút thì anh Phạm Anh Vũ, Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức, đã tức tốc trang bị lại mặt nạ bảo hộ, đeo găng tay y tế để đón một hành khách có thân nhiệt cao vào kiểm tra lại nhiệt độ bằng nhiệt kế thủy ngân.
Công việc dù vất vả nhưng anh Vũ cho biết đây là nhiệm vụ của mình nên luôn cố gắng. “Đứng ngoài nắng sợ nhất là say nắng, nên những lúc nào cảm thấy hơi chóng mặt là vào đổi ca liền. Vì nhiệt độ mặt đường bốc lên rồi nắng nóng trên đầu, cộng với mặc bộ đồ này mồ hôi không thoát ra được nên rất dễ bị mất nước và chóng mặt vì say nắng”, anh Vũ chia sẻ.
Trực tiếp chứng kiến sự cống hiến của thanh niên tình nguyện tại các chốt kiểm dịch, anh Nguyễn Anh Tuấn đã bày tỏ lòng ngưỡng mộ và biết ơn những đội hình nơi tuyến đầu chống dịch.
Anh Tuấn dành nhiều lời động viên thanh niên tình nguyện tại các chốt chống dịch, đồng thời anh cũng tâm sự: “Tôi chỉ mong sao các y, bác sĩ và những thanh niên tình nguyện túc trực ở các chốt đảm bảo sức khỏe để tiếp tục công cuộc chống dịch vì nó còn kéo dài, nhiều vất vả và còn khó khăn trong thời gian tới. Nếu như tất cả mọi người dân đều chung tay ủng hộ thực hiện tốt các biện pháp mà ngành y tế khuyến cáo thì vừa đảm bảo an toàn cho chính chúng ta nhưng cũng là một cách tốt nhất để chia sẻ, đồng hành cùng với những vất vả, khó khăn của đội ngũ y bác sĩ, những người trên tuyến đầu chống dịch đang phải đối mặt”.
|
Tiếp tục đồng hành cùng các y bác sĩ
Chiều 18.5, khi đến thăm đội ngũ y bác sĩ tham gia phòng chống dịch của Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.Thủ Đức), anh Nguyễn Anh Tuấn cũng dành nhiều lời tri ân và khâm phục những hy sinh, đóng góp của đội ngũ y bác sĩ vào công cuộc phòng chống dịch Covid-19.
Tại đây, bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc bệnh viện, chia sẻ: “Gần 2 năm nay, chúng tôi luôn là tuyến đầu chống dịch, vừa đi lấy mẫu tại tất cả các nơi trong cộng đồng, chuyển bệnh nhân về khu cách ly và quản lý trực tiếp các khu cách ly đó… Như trưa nay, vừa ăn cơm trưa xong là chúng tôi tập trung toàn lực đến nơi vừa phát hiện ca bệnh để lấy mẫu thật nhanh cho người dân. Công việc của chúng tôi dù nhiều vất vả, nhưng nhận được sự quan tâm, góp sức như thế này sẽ tạo thêm tinh thần cho nhân viên y tế chúng tôi tham gia chống dịch một cách hiệu quả nhất. Chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng để đảm bảo sức khỏe cho các chiến sĩ áo trắng tham gia phòng chống dịch”.
Anh Tuấn chia sẻ với đội ngũ y bác sĩ: “Đến thăm bệnh viện, trước hết chúng tôi xin bày tỏ tri ân của nhân dân nói chung, của những người trẻ nói riêng đến các y bác sĩ trên khắp cả nước, trong đó có y bác sĩ của bệnh viện chúng ta. Những người đang ở trên tuyến đầu của công cuộc phòng chống đại dịch với rất nhiều khó khăn, vất vả, nguy cơ lây nhiễm rồi phải hy sinh rất nhiều thứ… Tôi cũng xin chúc các y bác sĩ luôn giữ được sức khỏe, đảm bảo được an toàn trong quá trình hoạt động nghề nghiệp của mình”.
Ở môi trường bệnh viện với lượng người ra vào khám chữa bệnh mỗi ngày rất nhiều nên nguy cơ phát tán mầm bệnh và lây nhiễm sẽ rất cao, đặc biệt là hôm nay có ca bệnh đầu tiên ở TP.Thủ Đức nên anh Nguyễn Anh Tuấn cho rằng: “Quy trình khám chữa bệnh thông thường cho người dân thì bệnh viện chúng ta cũng cần tính thêm, làm sao để có sự giãn cách nhất định… Vì bảo vệ an toàn cho bệnh viện, cho đội ngũ các y bác sĩ cũng chính là bảo vệ cho công cuộc phòng chống dịch bệnh. Có vấn đề gì với cơ sở khám chữa bệnh, có vấn đề gì với các y bác sĩ thì không biết trông cậy vào ai trong dịch bệnh này”.
Đặc biệt, anh Tuấn khẳng định: “T.Ư Đoàn, T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cùng các đơn vị đồng hành hôm nay đến thăm các y bác sĩ để bày tỏ sự chung tay, tạo thêm những điều kiện cần thiết cho các cơ sở khám chữa bệnh, các y bác sĩ trong quá trình tham gia phòng chống dịch. Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục đồng hành cùng các y bác sĩ và ngành y tế Việt Nam cho đến khi nào đại dịch chính thức chấm dứt”.
Trước đó, chiều 17.5, anh Nguyễn Anh Tuấn đã đến thăm các đội hình thanh niên tình nguyện tham gia các chốt phòng chống dịch Covid-19 tại TP.Thủ Đức.
Từ ngày 18 - 22.5, T.Ư Đoàn, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Đoàn Trường ĐH Y Dược TP. HCM cùng các đơn vị đồng hành tổ chức chương trình trao tặng hơn 3.000 khẩu trang y tế 3M N95 và 1.000 bộ kit và tổ chức khám - sàng lọc phòng chống Covid-19 với thông điệp “Vì một Việt Nam khỏe mạnh”.
Cụ thể, chiều 18.5, anh Nguyễn Anh Tuấn cùng đoàn công tác đã đến thăm và trao tặng hơn 3.000 khẩu trang y tế 3M N95 cho các y bác sĩ tại 3 bệnh viện ở TP.Thủ Đức là Bệnh viện Lê Văn Thịnh (Bệnh viện Q.2 cũ), Bệnh viện Lê Văn Việt (Bệnh viện Q.9 cũ) và Bệnh viện TP.Thủ Đức.
Tối cùng ngày, anh Nguyễn Anh Tuấn tham dự Diễn đàn trực tuyến “Khát vọng thanh niên - Khát vọng Việt Nam” do Thành đoàn TP.HCM tổ chức.
|
Bình luận (0)