(TNO) Nhà sử học, GS-TS Larry Berman đã tiết lộ điều này trong buổi họp báo ra mắt ấn bản bổ sung những câu chuyện và tình tiết mới mà trong tác phẩm đầu ông chưa được phép kể theo lời hứa với cố thiếu tướng tình báo chiến lược Phạm Xuân Ẩn.
>> Điệp viên hoàn hảo X6: Sứ mệnh bắt đầu
>> Điệp viên hoàn hảo X6 - Kỳ 2: Tìm đường đến Mỹ
Giáo sư Berman cho biết trong ấn phẩm mới, ông có miêu tả về việc các nhân viên tình báo Mỹ hồi năm 2003, hai năm sau khi nước Mỹ bị al-Qaeda tấn công vào ngày 11.9.2001, liên hệ với ông để yêu cầu ông tiết lộ cho họ những gì đã từng trao đổi với Phạm Xuân Ẩn nhằm giúp tình báo Mỹ nắm được cách thức tìm hiểu kẻ thù tốt hơn.
|
“Họ đánh giá Phạm Xuân Ẩn là bậc thầy trong ngành tình báo sử dụng con người, với khả năng trà trộn vào trong lòng địch và thành công. Họ muốn tìm hiểu xem ông ấy đã làm thế nào để thành công”, ông Berman cho hay.
“Trong số các loại điệp viên, thì ông Ẩn thuộc nhóm điệp viên sử dụng con người (tức loại tình báo cài người vào hoạt động trong lòng địch - PV). Ông ấy là bậc thầy trong lĩnh vực này và tôi nghĩ là giỏi hơn bất kỳ điệp viên nào khác ở Mỹ, Nga hay Trung Quốc”, ông Berman nói về cựu điệp viên tài ba của Việt Nam tại khách sạn Continental (TP.HCM) ngày 4.9.
“Ông đã khiến mọi điệp viên khác phải ngả mũ với thái độ khâm phục của người trong nghề trước kỹ năng cho phép ông hoạt động lâu như vậy mà không hề được trang bị phương tiện hỗ trợ tiên tiến nào”, vị giáo sư người Mỹ nói thêm.
Nhà sử học Mỹ này cũng chia sẻ rằng ông Ẩn đã quyết định chọn ông là người viết lại chuyện đời mình sau khi ông Ẩn đọc cuốn sách Không hòa bình, chẳng danh dự: Nixon, Kissinger và sự phản bội ở Việt Nam.
“Ông ấy (Phạm Xuân Ẩn) đánh giá cuốn sách của tôi là công bằng và cân bằng về các cuộc đàm phán bí mật giữa các ông Kissinger và Lê Đức Thọ. Thế nên ông ấy tin tưởng để tôi viết về cuộc đời ông ấy”, ông Berman kể lại.
Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn trước đó cũng liên tục từ chối lời đề nghị của ông Berman viết về cuộc đời tình báo của mình, chỉ đến khi sức khỏe yếu đi và cảm thấy rằng cuộc sống của mình không còn được bao lâu nữa, ông Ẩn mới chấp nhận.
“Tôi đã liên lạc với Phạm Xuân Ẩn trong suốt 2 năm liền, nhưng ông ấy cứ liên tục nói 'ông không được viết về tôi' cho đến khi ông ấy lâm bệnh nặng. Khi nhập viện, ông ấy biết được rằng phổi của mình bị hư gần hết và Ẩn cho rằng thời gian còn lại của mình rất ngắn, nên ông ấy mới chấp nhận”, ông Berman hồi tưởng lại.
“Sau đó, Phạm Xuân Ẩn đưa ra hai điều kiện, đó là ông ấy sẽ chỉ đọc cuốn sách của tôi khi nó thực sự đã hoàn thành và một điều kiện nữa mà ông ấy yêu cầu đó là ông ấy sẽ cho tôi một số thông tin mà tôi chỉ có thể công bố khi ông ấy qua đời. Và tôi đã giữ lời hứa với ông ấy, nên trong ấn phẩm đầu tiên tôi đã không tiết lộ những thông tin này”, nhà sử học người Mỹ cho biết thêm.
Thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn qua đời vào ngày 20.9.2006 tại Quân y viện 175, TP.HCM, sau một thời gian lâm trọng bệnh, hưởng thọ 80 tuổi.Giáo sư Berman cũng tiết lộ rằng có những người Mỹ tại quê nhà đã chỉ trích ông vì đã viết ra một cuốn sách về điệp viên Việt Nam Phạm Xuân Ẩn với cái nhìn quá ngưỡng mộ mà không hiểu rằng chính điệp viên Việt Nam đã góp phần làm cho nhiều người Mỹ bị giết.
“Họ tức giận vì tôi viết quyển sách về Chiến tranh Việt Nam theo cái nhìn của người Việt Nam, chứ không theo cái nhìn của người Mỹ. Cộng đồng người Việt ở Mỹ cũng chỉ trích tôi, nhưng đa số là những người già, còn những người trẻ tuổi thì không có vấn đề gì với cuốn sách của tôi”, ông Berman cho hay.
Giáo sư Berman còn cho biết những người chỉ trích còn cho rằng ông đã không nhận ra Ẩn là một kẻ phản bội.
“Để đáp lại những chỉ trích trên, tôi đã đặt câu hỏi rằng làm sao có thể coi Ẩn là kẻ phản bội khi đất nước của ông ấy là Việt Nam. Ẩn cũng không phản bội Việt Nam Cộng Hòa vì ông ấy chưa bao giờ bày tỏ lòng trung thành với chính quyền này”, ông Berman nói thêm.
Hoàng Uy
Bình luận (0)