Cô gái khiếm thị ở cửa hàng không rác: ‘Ở đây đổi túi nilon lấy nông sản’

Thúy Hằng
Thúy Hằng
15/06/2022 16:01 GMT+7

Minh Thư nhận bịch nilon từ tay một bạn gái rồi nhanh nhẹn lấy một bịch giấy, gói ít cà chua, rau muống, dưa leo đưa lại cho bạn. 'Sau lại gom túi mang đổi nông sản nghen', cô gái khiếm thị ở cửa hàng không rác đon đả.

Thư, cô gái khiếm thị ở cửa hàng không rác thải

thúy hằng

Nguyễn Thị Minh Thư, 27 tuổi, cô gái khiếm thị đang vận hành một cửa hàng đặc biệt “không rác thải”. Trạm nằm ở 353T Nguyễn Trãi, P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1, TP.HCM, bán những đồ dùng thân thiện với môi trường, phục vụ những người yêu thích lối sống xanh, hạn chế rác thải nhựa ra môi trường.

Cửa hàng bán những đồ dùng thân thiện với môi trường, phục vụ những người yêu thích lối sống xanh

thúy hằng

Từ đầu hẻm, tấm biển hiệu làm bằng một chiếc can nhựa bỏ đi chỉ đường cho khách tới đã khiến chúng tôi chú ý. Nhưng khi bước vào phía trong, không gian của nơi này càng khiến nhiều người trầm trồ hơn. Hàng hóa không được đặt trên những kệ gỗ, sắt thông thường mà được xếp trên những chiếc can nhựa đã được tái chế.

“Đợt đó tụi em có chiến dịch thu gom can nhựa đổi quà, mọi người mang rất nhiều những can lớn đã sử dụng một lần tới ủng hộ, tụi em suy nghĩ và nảy ra ý tưởng, có thể cưa ra và gắn chúng lại với nhau thành tủ đựng đồ xinh xắn. Nhiều chiếc can nhựa có thể cắt ra thành những chiếc giỏ để đi chợ, hoặc ngay cả biển chỉ đường tới trạm.

Chiếc can nhựa bỏ đi được tái chế thành kệ đựng hàng hoặc chiếc giỏ đi chợ

Tiệm "refill", cho mọi người mang chai lọ tới mua hàng

Những chiếc túi nilon mọi người mang tới sẽ dùng để dệt thành túi đựng laptop

THÚY HẰNG

Từ chiếc ống hút tre, bàn chải tre, bộ dụng cụ đồ ăn trong túi vải có thể sử dụng nhiều lần tới chiếc bình nước làm bằng silicon có thể gấp gọn sau mỗi lần sử dụng… Từ lọ muối ngâm chân, bánh xà phòng làm từ thảo mộc hay những hũ nến làm từ sáp đậu nành.

Minh Thư cho hay rất nhiều sản phẩm từ thiên nhiên ở đây đều được làm thủ công bởi bàn tay của trẻ em khuyết tật của Nhà May Mắn. Đồng thời cửa hàng kinh doanh theo hình thức “refill”, mọi người mua nước rửa chén, nước giặt sinh học… có thể mang chai lọ sẵn có của nhà mình tới để làm đầy.

“Đó cũng là lý do cửa hàng chúng em tên Limart, “lim” là viết tắt của less is more. Thải ra ngoài môi trường ít rác thải hơn có thể mang đến cho cuộc sống của chúng ta nhiều điều tuyệt vời hơn ”, Minh Thư hào hứng cho biết.

Đổi túi nilon lấy nông sản

Hiện tại cửa hàng của Minh Thư đang có chương trình bà con mang túi nilon, dây nilon, ống hút trà sữa… đã được làm sạch tới cửa hàng sẽ được đổi lấy nông sản. Tương ứng với mỗi kí nilon sẽ đổi được 1 kí nông sản theo mùa (cà chua, rau muống, dưa leo hoặc cà tím...).

Tú (bìa trái) mang túi nilon tới đổi lấy nông sản của cửa hàng

THÚY HẰNG

Minh Thư cho biết hoạt động này diễn ra trong tháng 6.2022. “Chúng em mong sẽ khuyến khích mọi người phân loại rác, phần túi nilon gom được sẽ được dùng để dệt thành túi xách, túi đựng laptop, tạo công ăn việc làm cho những người yếu thế”, Minh Thư nói.

Cô gái khiếm thị cũng cho biết, 80% lợi nhuận của cửa hàng không rác thải này sẽ được dùng để trao học bổng cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn.

Tú, nữ nhân viên văn phòng trú ở đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, người mang một bịch lớn túi nilon đã làm sạch tới đổi lấy nông sản, hào hứng chia sẻ với chúng tôi: "Mỗi lần mình đi siêu thị về, những túi nilon lớn đều được tái sử dụng để đựng rác, để đồ. Tuy nhiên, những chiếc túi nhỏ hoặc ống hút trà sữa không biết dùng vào việc gì. May quá mình biết ở đây thu gom túi, mình mang tới ngay".

Không gian dễ thương tại trạm, mặt bằng ngay tại Q.1 này được cho thuê miễn phí, để cửa hàng có thể tạo nhiều cơ hội cho người yếu thế

THÚY HẰNG

Trao cơ hội cho người khuyết tật

Cửa hàng xanh không rác thải này được khởi nghiệp bởi một cô gái tên Nguyễn Thị Kim Hằng, từng làm việc trong ngành hàng không. Có cha là một người khiếm thị nhưng tình yêu thương, sự chăm sóc tuyệt vời của người cha đã giúp cô có sự thành công như hôm nay.

Do đó, Kim Hằng muốn khởi nghiệp với cửa hàng sống xanh, để có thể tiếp tục trao đi cơ hội cho những người khiếm thị như cha của mình. Kim Hằng luôn tin tưởng bất cứ điều gì một người khỏe mạnh bình thường làm được thì người khiếm thị cũng có thể làm, miễn là trao cho họ cơ hội, một môi trường bình đẳng và sự tôn trọng.

Cửa hàng ở 353T Nguyễn Trãi, P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1 là cửa hàng chính thức đầu tiên của Limart, được vận hành bởi Minh Thư - cô gái khiếm thị và Linh, cũng là người khiếm thị với một bên mắt chỉ còn nhìn được 2/10. Đồng thời, họ cũng có thêm sự hỗ trợ từ một bạn trẻ khiếm thính.

Túi nilon được mang tới để đổi lấy rau củ

THÚY HẰNG

Trong tương lai, những người trẻ mong muốn mỗi quận, huyện ở TP.HCM sẽ có một trạm như thế này, để là nơi bà con có thể ghé đổi túi nilon lấy nông sản, hoặc cùng mua những vật phẩm thân thiện môi trường, trao thêm nhiều cơ hội được phát triển bình đẳng cho những người yếu thế trong xã hội.

Nhiều bất ngờ về cô gái khiếm thị vận hành cửa hàng không rác

Nguyễn Thị Minh Thư từng là nhân vật xuất hiện trong bài báo ‘Từ cô gái khiếm thị tới nhà vô địch cờ vua Đông Nam Á’ của Báo Thanh Niên năm 2018. Bị hỏng hoàn toàn một mắt trái, mắt phải của cô gái quê ở P.Ninh Hiệp, TX.Ninh Hòa, Khánh Hòa chỉ còn khoảng 4/10.

Dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên cờ vua Lê Hiền Thục, năm 2012, tại giải vô địch thể thao người khuyết tật toàn quốc, Thư giành 3 HCV, 1 HCB. Năm 2013, Thư giành 2 HCV, 1 HCĐ tại ASIAD trẻ Malaysia.

Tại Para Games các năm 2014, 2015, cô giành thêm 3 HCV, 4 HCB, 1 HCĐ. Còn ở Para Games 2017, cô gái mang về 2 HCV, 1 HCB.

Thư, cô gái khiếm thị không ngừng tạo những giá trị cho cộng đồng

THÚY HẰNG

Ở Para ASIAD Indonesia năm 2018, cô được HCB. Cô vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng ba về những thành tích có được trong thể thao.

Hiện Minh Thư đã tốt nghiệp khoa Tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cô gái khiếm thị vừa đi làm ở cửa hàng không rác, điểm đổi nilon lấy nông sản, vừa tranh thủ buổi tối đi tập luyện cờ vua ở nhà thi đấu Tân Bình, chuẩn bị cho Para Games diễn ra vào tháng 7.2022 tại Indonesia.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.