Cô gái Mường bỏ phố về rừng khởi nghiệp từ cây mọc hoang

Vũ Thơ
Vũ Thơ
08/06/2022 17:55 GMT+7

Từ một loại cây mọc hoang hàng trăm năm trên núi cao có tên Quýt Hoi, một nhóm bạn trẻ ở TT.Canh Nàng (H.Bá Thước, Thanh Hóa) đã nghiên cứu chế biến thành trà thảo dược mang lại giá trị kinh tế cao.

Nhân rộng loại cây mọc hoang

Đến khu du lịch Pù Luông (thuộc các huyện Bá Thước và Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa) du khách sẽ được thưởng thức trà Quýt Hoi, một loại trà thảo dược làm từ vỏ quả Quýt Hoi, có nhiều công dụng chữa bệnh, nhưng trước đây chỉ mọc hoang ở vùng núi cao ở H.Bá Thước.

Đặc biệt, sản phẩm này do một nhóm bạn trẻ chung tay khởi nghiệp, gồm: anh Đào Ngọc Bình (39 tuổi), chị Hà Thanh Nhàn (30 tuổi) và Hà Hồng Nhung (28 tuổi) ở TT.Canh Nàng, H.Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa.

Anh Đào Ngọc Bình và chị Hà Hồng Nhung (bên phải) giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp với đoàn công tác T.Ư Đoàn tới thăm

như ý

Chia sẻ về sản phẩm này, chị Hà Hồng Nhung cho biết, Quýt Hoi là một loại cây đặc trưng, chỉ mọc trên núi cao tại khu vực các xã Thành Lâm và Thành Sơn của H.Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Từ xa xưa, vỏ quýt thường được người dân sử dụng làm thuốc trị ho và hãm nước uống phòng cúm, cảm lạnh vào mùa đông.

Trong sử sách cổ của người Thái, Quýt Hoi được ghi lại là loại nông sản quý dùng để cống nạp cho quan quận (mỗi năm 1 gánh quýt). Đến nay vẫn tồn tại những cây quýt cổ hàng trăm năm tuổi tại thôn Eo Kén, xã Thành Sơn. Tuy nhiên, quả quýt khi được thu hoạch về không ai mua vì có vị chua, có khi quýt chín rụng trên rừng không ai nhặt.

Nhóm bạn trẻ khởi nghiệp từ việc chế biến quả Quýt Hoi thành trà thảo dược

như ý

Từ đó, nhóm bạn trẻ quyết định sẽ chế biến Quýt Hoi thành những sản phẩm bảo vệ sức khỏe. Họ vận động người dân và nhờ trợ giúp của chính quyền để mở rộng vùng nguyên liệu, mang cây quýt trên rừng về “thuần hóa”, nhân rộng tại các xã có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp.

Những sản phẩm hữu ích

Cuối năm 2020, các bạn trẻ thành lập Công ty TNHH Puluong Cuisine (Tinh hoa ẩm thực Pù Luông), để thu mua, sản xuất Quý Hoi thành những sản phẩm độc đáo ở vùng cao như trà, siro, nước tẩy rửa.

Sản phẩm trà được làm từ vỏ quýt là một thức uống có vị thanh mát, giải nhiệt, có tác dụng hỗ trợ tiêu viêm, tăng sức đề kháng; siro được làm từ múi quýt bổ sung vitamin C, tăng sức đề kháng và hỗ trợ trị ho, cảm cúm. Các sản phẩm tẩy rửa hoàn toàn từ thiên nhiên không độc hại.

Sản phẩm siro được chế biến từ Quýt Hoi

như ý

Đặc biệt, mô hình khởi nghiệp này còn có ý nghĩa trong bảo vệ môi trường với các công nghệ xanh. Quýt vào mùa chín rộ được người dân hái từ trên núi cao đưa về điểm tập kết tại chân núi. Công ty thu mua về xưởng và tiến hành sơ chế.

Các mẫu quýt tại từng vườn được test nhanh dư lượng chất bảo vệ thực vật. Sau khi kiểm tra sẽ được đưa vào bể ngâm nước muối loãng rồi vớt lên kệ, để ráo nước. Công nhân tiến hành tách vỏ và múi quýt để riêng.

Trà Quýt Hoi trở thành đặc sản ở vùng cao ở H.Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa

như ý

Vỏ quýt sau khi tách được đưa về khu sấy sản phẩm và đưa vào lò sấy gió ở 30 độ C cho bề mặt vỏ se lại. Sau đó, đưa vào máy cắt sợi và tiếp tục đưa vào lò sấy 60 độ để cho ra thành phẩm đạt tiêu chí về độ ẩm mà vẫn giữ nguyên màu sắc, tinh dầu và hương vị đặc trưng. Quýt sấy xong đưa vào phòng đóng gói, công nhân tiến hành sàng vụn, kiểm tra lại trà và đóng hộp.

Múi quýt được đưa vào máy xay nhuyễn, lọc lấy nước cốt rồi thêm đường phèn, một chút vỏ quýt, gừng sên nhỏ lửa từ 8 -10 giờ để ra thành phẩm siro. Những quả không đạt chất lượng về màu sắc, kích thước và bã từ múi quýt xay đem ngâm cùng với Bồ hòn cho ra sản phẩm enzym tẩy rửa.

Bỏ phố về rừng

Chia sẻ về quá trình tham gia khởi nghiệp của mình, chị Nhung cho biết, chị là người dân tộc Mường, sinh ra và lớn lên ở miền núi H.Bá Thước, nơi có khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông với diện tích hơn 17.600 ha cùng hệ động thực vật phong phú.

Chị Hà Hồng Nhung bỏ việc ở thành phố về khởi nghiệp trên quê hương

vũ thơ

Với vẻ đẹp hoang sơ của rừng nhiệt đới, nơi đây là một trong những điểm du lịch vùng tây bắc của Thanh Hóa thu hút được rất nhiều du khách. Tốt nghiệp Trường ĐH Luật Hà Nội, chị Nhung đã làm việc ở thủ đô với mức lương cao, nhưng vốn yêu những nét văn hóa truyền thống và tài nguyên thiên nhiên của quê hương, nên chị quyết định về quê khởi nghiệp.

“Nhận thấy tiềm năng và ý nghĩa từ việc phát triển các sản phẩm từ cây Quýt Hoi, chúng tôi đã nhen nhóm ý tưởng phát triển các sản phẩm từ đầu năm 2019. Tuy nhiên, khi ấy chưa tiếp cận được các kênh thông tin, hỗ trợ của nhà nước nên còn rụt rè chưa dám khởi nghiệp.

Đoàn công tác của T.Ư Đoàn do anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, dẫn đầu đã đến thăm, tặng quà khích lệ mô hình khởi nghiệp của các bạn trẻ

như ý

Cho tới cuối năm 2020, nhờ sự khích lệ của Huyện đoàn Bá Thước và hỗ trợ của chính quyền địa phương, doanh nghiệp Puluong Cuisine được thành lập để thu mua, sản xuất các sản phẩm từ Quýt Hoi”, chị Nhung chia sẻ.

“Từ các dự án phục tráng và nhân rộng mô hình trồng Quýt Hoi, UBND xã Thành Sơn hỗ trợ liên kết với các hộ trồng quýt và đặc biệt là được hỗ trợ vay vốn thanh niên khởi nghiệp, tạo đà cho chúng tôi cố gắng và đến hôm nay đã khởi nghiệp thành công”, chị Nhung kể.

Theo chị Nhung, hiện mỗi ngày công ty sấy được 400 kg quýt tươi, thu được 200 hộp trà. Mỗi vụ thu hoạch khoảng 40 tấn quýt với diện tích trồng quýt lên tới 50 ha. Hiện doanh nghiệp duy trì từ 10 - 15 lao động thường xuyên (chưa kể công nhân thời vụ, trong đó đa số là thanh niên), mang lại thu nhập bình quân mỗi tháng 5 triệu đồng/người.

Anh Đào Ngọc Bình với sản phẩm trà Quýt Hoi

như ý

“Từ một loại cây mọc dại trên đồi núi, không mang lại giá trị kinh tế, đến nay cây Quýt Hoi đã đem lại thu nhập từ vài chục cho đến hàng trăm triệu đồng cho một số hộ dân.

Các hộ trồng quýt đa số cũng thuộc độ tuổi thanh niên, nay không còn bỏ đi làm ăn xa mà đã tin tưởng ở lại quê hương để chăm sóc và phát triển kinh tế từ loại cây vốn có tại địa phương này, kết hợp với việc cung ứng một số sản phẩm đặc sản khác cho công ty để cung cấp cho khu du lịch, nhờ đó đời sống kinh tế ngày càng được nâng cao”, chị Nhung phấn khởi nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.