Cô gái Việt ‘ăn nằm’ với nưa trên đất Pháp

Thúy Hằng
Thúy Hằng
28/05/2022 08:07 GMT+7

Sáng đi thu hoạch củ nưa konjac, lắp đặt hệ thống tưới, nhổ cỏ, trồng cây vụ mới... Lúc khác lại tới nhà xưởng, nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất mì nưa. Mỗi ngày 'ăn nằm' với nưa trên đất Pháp của Vi không lặp lại.

Vi (bìa trái) và những người bạn trên đất Pháp ở nông trại trồng nưa konjac

nvcc

Cây nưa konjac không xa lạ với người Việt, nó mọc đầy trong vườn tược của nhiều nhà ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Nhưng chế biến củ nưa ấy thành những món ăn, sản phẩm tốt cho sức khỏe con người thì không phải ai cũng biết.

Mạc Thị Vi, 22 tuổi, nữ sinh viên năm cuối chuyên ngành Công nghệ thực phẩm, khoa Kỹ thuật hóa học, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, thực tập sinh tại một công ty khởi nghiệp tại Pháp đang có những ngày được sống trọn vẹn với cây nưa konjac để hiểu hơn về loại cây "vàng" với sức khỏe này.

Ước mơ từ ngày nhỏ

Vi cho biết cơ duyên tới Pháp của cô khá tình cờ. Một lần nhìn thấy thông tin tuyển thực tập sinh tại Pháp cho công ty thực phẩm từ củ cây nưa, đúng với chuyên ngành thực phẩm đang học, Vi nói với bản thân nhất định phải nắm bắt cơ hội được học tập, làm việc tại nước này.

Vừa nhanh chóng nộp CV, Vi chuẩn bị thật kỹ lưỡng cho buổi phỏng vấn. Cô liệt kê tất cả những câu hỏi có thể được hỏi, viết ra câu trả lời rồi luyện tập tới khi có thể trả lời thật nhuần nhuyễn. Bên cạnh đó, cô cũng dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu về cây nưa, củ nưa, công ty tại Pháp để “phòng” có người hỏi tới.

Sự nỗ lực của Vi đã được đền đáp. Vi đã trúng tuyển. Cô vượt qua trở ngại cuối cùng trong việc xin visa, mất 2 tháng để hồi hộp chờ đợi (vì thời gian đó dịch bùng lên khá mạnh) và đầu năm 2022 đã xách vali tới đất nước của tháp Eiffel trong sự háo hức không tưởng.

Công việc của Vi mỗi ngày đều gắn liền với nưa

Vi cho hay mình đang ở Angers - một thành phố nhỏ thuộc vùng Tây Bắc nước Pháp. 6 năm trước chị Nguyen-Deroche Thi Le Nhung (sáng lập, giám đốc điều hành công ty khởi nghiệp tuyển Vi làm thực tập sinh) đã mang cây nưa konjac từ châu Á sang nhân giống và thử nghiệm trồng tại Pháp.

Cây nưa phát triển thuận lợi ở các nước châu Á, trong đó có Việt Nam có khí hậu nhiệt đới. Việc mang chúng sang trồng tại một nước ôn đới như Pháp nghe thì đơn giản nhưng việc giúp cây nưa lớn lên khoẻ mạnh, cho củ đạt chất lượng ở đất Pháp quả không phải là câu chuyện dễ dàng.

Hiện tại chị Nhung đã xây dựng được một xưởng sản xuất và có một nông trại trồng nưa của riêng mình. Vi được giao phụ trách mảng sản xuất tại phân xưởng, công việc hằng ngày của nữ sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM là nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất mì nưa, cải tiến chất lượng của sản phẩm, quản lý máy móc vật tư tại xưởng... Cô cũng làm tất cả những công việc liên quan đảm bảo quá trình sản xuất được vận hành trơn tru và cho ra những sản phẩm đạt chất lượng.

“Đang là một công ty khởi nghiệp nên một người phụ trách rất nhiều đầu việc khác nhau. Ngoài công việc chính tại xưởng sản xuất, tôi còn làm việc tại nông trại với những công việc như thu hoạch củ nưa, lắp đặt hệ thống tưới, nhổ cỏ, trồng cây cho mùa vụ mới...”, Vi kể.

Cô gái Việt cho biết tại Pháp quá trình trồng trọt đều có sự hỗ trợ của máy móc từ lúc lên luống, gieo củ, tưới tiêu đến lúc thu hoạch. Do vậy năng suất, chất lượng luôn ổn định. Tuy nhiên do là một loại cây hoàn toàn mới ở đất Pháp nên quy trình vẫn chưa được tối ưu và có nhiều khâu phải dùng sức người.

“Tôi luôn tin rằng trong thời gian ngắn tới, khi quy trình được tối ưu thì mọi thứ sẽ được tự động hóa. Công việc của tôi hầu như chưa bao giờ lặp lại, mỗi ngày mở mắt thức dậy tôi đều được trải nghiệm những điều mới mẻ. Ngẫm lại tôi cảm thấy bản thân thật may mắn khi có được cơ hội quý giá này”, nữ sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM kể.

Cô gái Việt yêu thích công việc ở nơi này

nvcc

Củ nưa biến thành mì, bún, bánh…

Nữ sinh viên năm cuối chuyên ngành Công nghệ thực phẩm cho hay củ nưa konjac chứa thành phần chính là glucomannan - một chất xơ hoà tan mang lại rất nhiều lợi ích về mặt sức khỏe trong đó có hỗ trợ giảm cân.

So sánh đơn giản nhất, trong cùng 100g thì mì gạo chứa tới 1400 kcal trong khi đó mì nưa chỉ cung cấp 20 kcal. Do hàm lượng xơ cao và rất ít tinh bột nên củ nưa còn được biết tới với công dụng làm giảm cholesterol, ổn định lượng đường máu, tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, ngăn chặn các bệnh viêm đường ruột và cải thiện sức khỏe đường ruột.

Tại Pháp, Vi cho biết từ củ nưa có thể sản xuất nhiều sản phẩm như bột nưa. Bột nưa với độ tinh khiết thấp khoảng 70% thì được bán đại trà để sản xuất mì, bún, bánh các loại. Bột nưa với độ tinh khiết cao trên 90% thì được sử dụng trong y học hoặc phụ gia thực phẩm với giá thành cực kỳ cao, làm mì nưa tươi, mì nưa khô, bông rửa mặt…

“Ngoài ra còn có đậu nưa tuy nhiên chúng không phổ biến ở Pháp do thói quen ăn uống. Trên kệ nhiều siêu thị ở Pháp cũng có các sản phẩm mì nưa nhưng đều được nhập khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản và được tiêu thụ một cách hạn chế. Nơi tôi đang làm việc là công ty đầu tiên trồng cây nưa và sản xuất các sản phẩm từ củ nưa ngay trên đất Pháp”, Vi tự hào khoe.

Giúp người nông dân Việt

Ở Pháp và nhiều quốc gia phát triển khác, cây nưa konjac có giá trị cao như vậy. Song ở Việt Nam, nơi khí hậu rất thích hợp để trồng nưa thì giá trị cây nưa chưa được khai thác hết. Như tại Trà Vinh, diện tích trồng nưa lớn, chủ yếu để lấy bột, quy trình sản xuất vẫn còn thủ công, chưa có nhiều thương hiệu mạnh.

“Cây nưa ở Việt Nam chưa được khai thác hết công năng vì người dân chưa thực sự hiểu được những lợi ích mà củ nưa mang lại cho sức khỏe, dẫn tới nhu cầu chưa cao, chưa được chú trọng đầu tư phát triển... Tiềm năng của cây nưa hiện nay là rất lớn không chỉ đối với thị trường Việt Nam mà còn ở các quốc gia khác, đặc biệt phương Tây khi mà tỉ lệ béo phì ngày càng cao”, Vi chỉ ra.

Món ăn chế biến từ củ nưa của trang trại nơi Vi làm

Mạc Thị Vi là cựu học sinh lớp chuyên vật lý, Trường THPT Chuyên Quang Trung, Bình Phước. Cô là sinh viên năng động tại khoa Kỹ thuật hóa học, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Yêu thích ngành học Công nghệ thực phẩm nên từ năm 3 cô đã thực hiện một số dự án cá nhân như xây dựng Fanpage, YouTube chia sẻ kiến thức dinh dưỡng hữu ích, làm video cách nấu các món ăn tốt cho sức khỏe.

Cô và những người bạn cùng khóa của mình còn sáng nhóm EdiFilm, làm màng bọc thực phẩm ăn được từ tinh bột sắn. Dự án giành giải nhì cuộc thi BK Innovation 2021 và giải nhất cuộc thi iSpark International Pitching Competition do Malaysia tổ chức.

Từ sáng tới tối, cuộc sống với Vi nhiều màu sắc với cây nưa

Vi sẽ kết thúc thời gian thực tập tại Pháp, trở về Việt Nam vào giữa tháng 7 năm nay. Sau những ngày tháng ‘ăn nằm’ với nưa trên đất Pháp, Vi cho hay cô đã học hỏi được rất nhiều về vận hành quá trình sản xuất, trồng trọt, sự linh hoạt trong công việc, tính đa nhiệm... Tất cả những kiến thức này rất hữu ích khi cô có thể vận hành những dự án khởi nghiệp của bản thân sau này. Cô cũng mong có thể chia sẻ nhiều kiến thức về cây nưa, quy trình sản xuất các sản phẩm từ cây nưa cho bà con nông dân quê hương mình.

“Khi về Việt Nam, tôi sẽ tìm việc làm tại một công ty sản xuất thực phẩm để học hỏi thêm và trau dồi kinh nghiệm, đồng thời cũng sẽ dành thời gian rảnh để nghiên cứu các sản phẩm mới từ nông sản địa phương. Nếu nhận thấy tiềm năng tôi sẽ khởi nghiệp”, cô gái có những tháng ngày khó quên với cây nưa trên đất Pháp bộc bạch.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.