Không có lễ tốt nghiệp cuối cấp, không có chuyến du lịch chào đón tuổi 18, cái ngày bước lên xe cấp cứu đi cách ly điều trị Covid-19, Minh Hà, học sinh Trường THPT Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân, TP.HCM, cứ tưởng tượng là bước lên xe 45 chỗ đi du lịch. Cô học trò F0 nghĩ thế để quên đi lo sợ khi lần đầu xa gia đình, nghĩ vậy nhằm trấn an bản thân trong những ngày tới phải kiên cường chiến đấu để khỏi bệnh trở về nhà với mẹ.
Nhưng cũng trong khoảng thời gian gần 1 tháng điều trị Covid-19 tại khu cách ly, Hà hiểu rõ những nỗi khổ và lo lắng của bệnh nhân cũng như sự quá tải và vất vả của lực lượng tuyến đầu. Bởi thế ngay khi khỏi bệnh, Hà năn nỉ mẹ được một lần nữa tạm xa gia đình đi chống dịch.
Từng khóc rất nhiều vì hoảng sợ
Hà kể trước khi thi tốt nghiệp THPT, Hà được test nhanh và kết quả âm tính Covid-19. Sau kỳ thi 4 ngày, Hà trở về nhà tiếp tục xét nghiệm lần nữa thì nhận kết quả dương tính.
“Trong gia đình, ba về quê chăm bà nội bệnh, nên khi dịch bùng phát thì bị kẹt lại ở quê. Chỉ có 2 mẹ con ở nhà nên khi nhận tin bị dương tính Covid-19, em hốt hoảng chỉ biết ôm mẹ, rồi cả hai mẹ con đều khóc. Em không nghĩ mình lại có kết quả dương tính. Hôm đó, em lẩn thẩn xếp đồ vào vali đến 3 giờ vì không ngủ được. Tự dưng mình là F0, rồi phải đến một khu toàn người lạ. Trước khi thi, em sắm một chiếc vali để thi xong đi Đà Lạt, thế rồi em phải xách vali đó vào khu cách ly điều trị Covid-19”, Hà nghẹn ngào nhớ lại thời khắc đón nhận tin dữ và phải xa mẹ đi cách ly điều trị.
Ngày 13.7, Hà được đưa đến Bệnh viện dã chiến số 4 và hành trình chiến đấu với Covid-19 của cô học trò bắt đầu từ đó. Ở nơi toàn người lạ với một cô học trò mà thường ngày còn trong vòng tay chăm sóc của ba mẹ, mỗi ngày Hà phải cố gắng tự nhắc mình uống vitamin C, tập thể dục đều đặn 2 lần, súc mũi họng bằng nước muối thường xuyên…
Sau gần 1 tháng điều trị, qua 5 lần xét nghiệm thì ngày 8.8, Hà đã khỏi bệnh.
|
Năn nỉ mẹ cho đi chống dịch
Khỏi bệnh trở về nhà với mẹ, những tưởng cô học trò sẽ cho bản thân được nghỉ ngơi sau thời gian dài chiến đấu với Covid-19. Nhưng không, Hà cứ trăn trở vì những gì bản thân đã trải qua và chứng kiến, Hà muốn làm điều gì đó cho các bệnh nhân F0 khác.
“Em cũng từng là F0, em hiểu rõ tinh thần bệnh nhân hơn bao giờ hết. Ngay sau khi xuất viện và trong khoảng thời gian 14 ngày cách ly tại nhà, em đã tham gia ngay vào nhóm hỗ trợ bệnh nhân tại nhà của bác sĩ Trương Hữu Khanh, để chia sẻ kinh nghiệm, cũng như động viên tinh thần các F0 khác”, Hà chia sẻ.
Không những thế, Hà lướt Facebook và thấy mọi người kêu gọi tình nguyện viên hỗ trợ chống dịch ở khắp nơi nên không làm ngơ được.
Cô học trò tâm sự: “Em nghĩ rằng hãy để em có cơ hội được chung tay góp sức cùng thành phố vượt qua đại dịch, khi tuổi và sức khỏe của em còn cho phép để em làm được điều đó. Lúc đầu mẹ không đồng ý, vì ở nhà còn mỗi mình mẹ, nên em phải năn nỉ và thuyết phục mẹ cho đi…”.
Ngoài công việc trực tiếp lấy mẫu cho người dân và F0, Hà còn làm đủ mọi nhiệm vụ từ nhập liệu đến hỗ trợ tiêm vắc xin, phát bộ test hướng dẫn cho người dân tự làm tại nhà rồi đi thu kết quả, vận chuyển ô xy, phát quà… Mà nói như Hà thì: “Việc gì em cũng làm được hết”.
“Có những hôm tăng ca, đi tận đến 12 giờ đêm mới được về. Có người dân họ khó chịu, xua đuổi tụi em vì sợ lây bệnh, nhưng cũng nhiều người yêu thương mang cho tụi em rất nhiều thứ như trái cây, bún bò... Có người còn hào phóng tài trợ cho em mền gối mới, khi họ nghe nói em ngủ ở nhà trẻ mà trời mưa nên nhiều muỗi và lạnh. Công việc của tụi em cực thì cực thật, nhưng rất ấm lòng với nghĩa tình của người dân”, Hà kể.
Đối với cô học trò chưa một lần rời xa gia đình, rời xa sự chăm sóc của ba mẹ, thì cuộc chiến với dịch bệnh lần này là một dấu ấn đậm sâu không thể nào quên. Hà tâm sự: “Thật sự đây là khoảng thời gian khá khó khăn đối với một cô bé như em khi ở xa nhà. Tụi em thiệt thòi hơn các anh chị khóa trước, không có lễ tốt nghiệp cuối cấp, không có chuyến du lịch “khi tôi 18” mà em đã chuẩn bị và hằng mong ước từ trước. Nhưng đổi lại, giờ đây em mạnh mẽ hơn khi chiến thắng được dịch bệnh, em có những trải nghiệm rất ý nghĩa khi đi chống dịch. Em còn quen được rất nhiều bạn mới mà tụi em có nhiều cái hẹn vô thời hạn với câu cửa miệng “khi nào hết dịch, tụi mình sẽ...”, tiếp đó là cả bầu trời mong ước của tuổi trẻ bọn em”.
Nguyễn Phạm Thành Nhân, Đội trưởng Đội hình tình nguyện hỗ trợ chống dịch thuộc Q.Bình Tân, cho biết: Mặc dù tuổi nhỏ nhưng hôm nào Hà cũng cùng các anh chị trong đội làm việc đến 11 - 12 giờ đêm, rồi sáng hôm sau đã lo dậy từ sớm để tiếp tục công việc của ngày mới. Điều đặc biệt, Hà từng là F0 và chữa khỏi bệnh, nên có nhiều kinh nghiệm hơn khi đi chống dịch. Chẳng hạn như lúc lấy mẫu xét nghiệm cho người dân, nếu có kết quả dương tính thì Hà biết cách trấn an tinh thần người dân để họ không phải hoảng loạn và bình tĩnh chiến đấu với dịch bệnh.
|
Bình luận (0)