Một số bạn trẻ chọn đạp xe đi làm để tiết kiệm một khoản tiền đổ xăng nhất định mỗi tháng. Trong khi đó, một số bạn trẻ khó chấp nhận chuyện đi làm bằng đi xe đạp vì cho rằng bất tiện, không giải quyết được gốc rễ bài toán tăng giá xăng hiện nay.
Đi làm bằng xe đạp gây ra nhiều tranh cãi |
Dạ Thảo |
Không phải ai cũng có thể đạp xe đi làm
Không đồng ý với quan điểm đạp xe đi làm, Trần Kim Anh (25 tuổi, nhân viên văn phòng làm việc tại Q.7, TP.HCM) chia sẻ: "Tôi nghĩ rằng có 3 yếu tố chính để xác định mình có phù hợp để đạp xe đi làm hay không, đó là khoảng cách, sức khỏe và tính chất công việc".
"Với những người sống ở gần nơi làm việc, khoảng cách từ 1 - 3 km, đường bằng phẳng, ít kẹt xe thì đạp xe đi làm là thuận tiện. Còn đối với những người làm việc xa nhà, đường xấu, thường xuyên kẹt xe, ngập nước, nếu đạp xe trong thời tiết mùa hè thì dễ gây kiệt sức, không đảm bảo sức khỏe để làm việc", Kim Anh lưu ý.
Như trường hợp của Kim Anh, cô không thể chọn xe đạp vì nhà tại Q.Bình Thạnh nhưng lại làm việc ở Q.7, TP.HCM. "Mỗi ngày tôi di chuyển gần 20 km đi và về. Nếu đạp xe thì tôi sẽ không đảm bảo sức khỏe để làm việc. Trong khi đó, đi xe đạp rất chậm, không đảm bảo đến công sở đúng giờ”, Kim Anh bày tỏ.
Nhiều bạn trẻ cho biết đi làm bằng xe đạp không phù hợp với môi trường giao thông hiện nay |
Dạ Thảo |
Tương tự, anh Phạm Hoàng Nam (27 tuổi, nhân viên tổ chức sự kiện làm việc tại Q.Tân Bình) cũng không đồng tình với việc đạp xe đi làm. "Chúng ta cần phải xét theo tính chất, đặc thù công việc riêng của mỗi người. Nếu người đạp xe làm công việc linh động như giao hàng, sản xuất chương trình, sự kiện… cần sự nhanh nhạy, linh hoạt và di chuyển nhiều thì không thể nào đi làm bằng xe đạp", anh Nam lưu ý.
“Theo tôi, xe đạp sẽ làm hạn chế nhiều mặt từ đời sống đến công việc, bản thân bởi cuộc sống thành thị luôn chuyển động nhanh. Chúng ta lựa chọn sự chậm rãi, nhàn hạ thì chất lượng công việc sẽ bị giảm theo, từ đó thu nhập cũng sẽ bị giảm theo”, Nam phân tích.
Theo bạn dùng xe đạp đi làm có hợp lý
Mặt khác, Nam đề cập đến sự bất tiện khi đạp xe trong thời tiết mùa hè nắng nóng ở TP.HCM. "Nếu một người đạp xe đến chỗ làm mồ hôi nhễ nhại thì trông mất lịch sự. Còn chọn giải pháp tắm và thay đồ mới thì sẽ rất mất thời gian, thậm chí có công ty không có chỗ để nhân viên tắm. Vì thế, nếu đạp xe thì tôi sẽ chọn đạp vào buổi chiều, tối, cuối tuần để tập thể dục thì tiện hơn", anh Nam chia sẻ.
Xe đạp mang lại nhiều lợi ích
Trong khi đó, Trần Phương Thành (32 tuổi, nhân viên ngân hàng làm việc tại Q.5) đồng tình với việc đạp xe đi làm. Gần đây, anh thường xuyên đạp xe tới chỗ làm. Từ ngày đi xe đạp, Thành cho biết anh cảm thấy rất khỏe và xem hoạt động này như khởi động cơ thể trước khi làm việc.
Theo anh Thành, việc giảm thiểu phương tiện ô tô, xe máy cá nhân hiện nay là hết sức cần thiết để góp phần cắt giảm ô nhiễm không khí, hạn chế ách tắc giao thông.
"Đạp xe dù tốc độ di chuyển hơi chậm so với các phương tiện khác nhưng có lợi cho sức khỏe. Vậy thì các bạn tại sao không một lần leo lên xe đạp đi làm? Chúng ta không nên đổ lỗi cho hệ thống hạ tầng giao thông. Mỗi người cùng suy nghĩ tích cực hơn, năng động hơn, bớt lười thì sẽ làm được", anh Thành nói.
Ngày càng có nhiều người chọn xe đạp để đi làm |
Dạ Thảo |
Anh Thành chia sẻ thêm: "Đi xe đạp không phải là sự thụt lùi của xã hội, đó cũng là tương lai của những thành phố xanh sạch đẹp và thân thiện với môi trường”.
Từng đạp xe xuyên Việt, cô Lê Thị Thùy Vân (28 tuổi, giáo viên một trường THPT tại TP.HCM) cho biết đạp xe đi làm là không khó. Riêng Vân thường đạp xe với quảng đường 8 km từ nơi ở tới trường.
"Đi làm bằng xe đạp, tôi dậy sớm hơn 30 phút, khởi hành sớm hơn thì lúc đó trời vừa mát, đường vắng, không khí lại trong lành dễ chịu hơn. Tôi đạp xe đi làm sớm nhưng chậm rãi, thong thả để không đổ mồ hôi nhiều", cô Vân chia sẻ.
Theo cô Vân, đạp xe giúp cơ thể dẻo dai, tinh thần phấn chấn, sảng khoái để bắt đầu ngày mới đồng thời tăng cường sự tập trung trong công việc.
Bình luận (0)