Như Thanh Niên đã đưa tin, đại diện Phòng CSGT Công an TP.HCM cho biết kể từ thời điểm Giám đốc Công an TP.HCM có thư ngỏ về việc phát động phong trào "mỗi người dân là một chiến sĩ CSGT" (tính từ đầu tháng 7 tới thời điểm cuối tháng 8.2024), cơ quan chức năng tiếp nhận từ người dân hơn 400 thông tin phản ánh trật tự an toàn giao thông (ATGT).
Các lỗi vi phạm phổ biến được phản ánh như: dừng, đỗ xe sai quy định; không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông; lưu thông vào đường có biển báo cấm; không đi đúng làn đường, phần đường; đón, trả khách nơi có biển cấm dừng, cấm đỗ; điều khiển xe đi ngược chiều…
Trước đó, để đảm bảo người dân có thể dễ dàng liên hệ, cung cấp thông tin về tai nạn giao thông, ùn ứ giao thông… hay phản ánh về tình hình trật tự ATGT, tình hình tội phạm trên các tuyến giao thông trên địa bàn TP, CSGT TP.HCM đã công bố rộng rãi nhiều kênh tiếp nhận thông tin, bao gồm 28 số điện thoại cùng các kênh mạng xã hội chính thức.
Tốt hơn từng ngày
Tiếp nhận thông tin về hiệu quả ban đầu của phong trào "mỗi người dân là một chiến sĩ CSGT", bạn đọc (BĐ) Hương Tràm thốt lên: "Như vậy, văn hóa tham gia giao thông và cả văn hóa dùng mạng xã hội của người dân sẽ tốt hơn từng ngày. Rất tuyệt vời!".
Cùng suy nghĩ này, BĐ Minh Nghĩa chia sẻ trải nghiệm cá nhân: "Tôi thấy thời gian gần đây trên các hội nhóm mạng xã hội liên quan đến giao thông, rất nhiều tài xế chia sẻ và hướng dẫn nhau gửi thông tin, hình ảnh, clip từ camera hành trình phản ánh các lỗi vi phạm đến CSGT. Thay vì tức giận rồi cãi nhau trên mạng, hiện nay mọi người đã biết phải làm gì để chung tay xây dựng văn hóa giao thông".
BĐ Gia Cát góp ý thêm: "Từ khi phát động phong trào, CSGT đã xử lý hàng loạt vi phạm từ tin báo của người dân, chứng tỏ cách làm này quá hiệu quả. Tuy nhiên, cạnh đó cũng có nhiều tin báo được CSGT phản hồi là không đủ cơ sở xử lý, vậy do đâu ? Rất mong cơ quan chức năng hướng dẫn cụ thể cách quay clip, các yêu cầu cơ bản để phản ánh đúng, hiệu quả, được tiếp nhận".
Đây đồng thời là mong muốn chung của nhiều BĐ khác. BĐ Thủy nêu câu hỏi: "Phong trào "mỗi người dân là một chiến sĩ CSGT" có thể coi là cách để người dân tham gia giám sát trật tự ATGT, kể cả giám sát hoạt động của lực lượng CSGT hay không ?".
Công khai xử lý, minh bạch kết quả
Phát biểu trên Thanh Niên, đại diện CSGT TP.HCM mong muốn người dân tiếp tục đồng hành cùng lực lượng, tích cực hơn nữa trong việc cung cấp các thông tin, hình ảnh về đảm bảo trật tự ATGT; qua đó góp phần đảm bảo an toàn, tính mạng và tài sản của nhân dân, tạo động lực phục vụ phát triển KT-XH. Nhận xét về mong muốn trên, BĐ Trường Lưu lưu ý: "Cơ quan chức năng cần liên tục công khai, minh bạch kết quả xử lý các lỗi vi phạm ATGT tiếp nhận từ phản ánh của người dân thì chắc chắn ai cũng muốn đồng hành với phong trào".
Để duy trì và phát triển phong trào nói trên, BĐ Lê Quang gửi gắm: "Tuyên truyền vận động, khuyến khích người tham gia giao thông gửi hình ảnh, clip từ camera hành trình quay được tài xế vi phạm, gây rối công cộng cho cơ quan CSGT. Nếu lập được quỹ thưởng cho người quay clip thì còn hay hơn nhiều. Khi có quần chúng nhân dân hợp tác, là biện pháp hữu hiệu nhất". Tán thành, BĐ Hoàng Khôi nhận xét: "Khi mỗi chiến sĩ CSGT trên đường làm nhiệm vụ đều ý thức đang có hàng ngàn người dân cùng đồng hành giám sát trật tự ATGT thì chắc chắn phong trào đã thành công".
Hoan nghênh cơ quan chức năng xử lý nhanh và nghiêm các trường hợp vi phạm giao thông qua các clip, hình ảnh do người dân cung cấp để giao thông công cộng đẹp hơn trong mắt người dân.
Quốc Tuấn Lê
Xử nghiêm các vụ vi phạm giao thông rồi công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, mở phiên tòa lưu động để dân chúng tận mắt chứng kiến, sẽ có tác dụng ngay.
Dinh Vong
Cảm ơn cơ quan chức năng đã quyết liệt tiếp nhận, xử lý các thông tin phản ánh vi phạm ATGT.
Đức
Bình luận (0)