Cô tiên của những phép màu

12/11/2022 06:58 GMT+7

Chị Phạm Thị Nhan - một hộ buôn bán nhỏ tại tổ 4, thị trấn Mèo Vạc, H.Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang - một người phụ nữ bình dị như bao người - nhưng những điều chị làm được cho người khác, nhất là những người dân nghèo vùng cao còn đẹp hơn cả trong cổ tích.

Từ một trái tim mang nhiều trăn trở

Chị Nhan sinh ra và lớn lên trên quê hương Mèo Vạc - một trong những huyện xa xôi và nghèo nhất của tỉnh Hà Giang với vô vàn gian khó: thiếu nước, thiếu đất sản xuất, thời tiết khắc nghiệt, đường giao thông hết sức khó khăn; cùng không ít những hủ tục lạc hậu ăn sâu bén rễ lâu đời trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số… Tất cả những điều đó là nguyên nhân khiến cái đói, cái nghèo vì thế đeo bám mãi người dân nơi đây: con ốm không có tiền mua thuốc, miếng ăn hằng ngày bữa đói bữa no, cuộc sống thiếu thốn từ những thứ nhỏ nhất.

Chị Phạm Thị Nhan

tác giả cung cấp

Trong những lần xuống thôn, nhìn thấy những hoàn cảnh khốn khó, những em nhỏ nhếch nhác lấm lem, chị Nhan thương lắm. Sẵn nhà bán hàng tạp hóa nên chị Nhan đã lấy chính những món hàng nhà mình có để mang đến giúp đỡ, đôi khi chỉ là một vài gói kẹo chia cho trẻ con.

“Nhìn người dân nghèo mừng rỡ khi nhận được quà, dù chỉ là một cái kẹo, khiến tôi cảm thấy vô cùng chạnh lòng. Thấy họ khổ quá thì mình giúp thôi. Có gì giúp nấy”, chị cười. Mỗi khi giúp được một hoàn cảnh khó khăn, chị thường chia sẻ lên trang Facebook của mình với niềm trăn trở làm sao để có thể giúp họ được nhiều hơn. “Giúp được họ, thấy họ vui và bớt khổ là mình cũng vui nhiều lắm”, chị Nhan tâm sự.

Mỗi khi giúp ai, chị lặn lội đến từng nhà hoặc liên hệ địa phương, bệnh viện xác minh kỹ, rồi sau đó ghi chép lại cẩn thận. Có lẽ vì tin tưởng bởi sự minh bạch, chân thành của chị mà những trái tim đồng điệu tìm đến ủng hộ và đồng hành cùng chị, nhiều người không ngại ngần gửi tiền hoặc vật chất để chị đại diện trao tặng đến từng nhà, từng người, từng bệnh nhân.

Hành trình gieo hạt ước mơ giúp đỡ những cuộc đời khốn khó trên mảnh đất quê hương của chị Phạm Thị Nhan đã bắt đầu như thế.

Những liều thuốc xoa dịu nỗi đau bệnh tật

Khi được hỏi trong suốt hành trình thiện nguyện, niềm vui nào với chị là lớn nhất, chị Nhan chia sẻ: “Giúp đỡ những bệnh nhân (nhất là các em bé) hằng ngày bị đớn đau bệnh tật giày vò là điều làm tâm tôi an yên nhất. Bởi các cụ ta đã nói “không ốm không đau làm giàu mấy chốc”. Có sức khỏe là sẽ có tất cả”.

Với tâm niệm ấy, chị không quản ngại “đi xin” cho đủ số tiền chữa trị cho mỗi bệnh nhân. Đặc biệt, có trường hợp khi nghe đến câu “đi bệnh viện”, gia đình bệnh nhân hoang mang, lo lắng tới mức nhất quyết không đồng ý đưa con đi khám vì không có tiền. Chẳng chút ngần ngại, chị “lĩnh” luôn vai trò người nhà, tự bỏ tiền túi trực tiếp đưa đón bệnh nhân đi bệnh viện thăm khám. Nhờ sự giúp đỡ ấy mà nhiều trường hợp đã được chữa khỏi.

Chị Nhan luôn quan tâm đến các cháu bé

Mọi chi phí ăn ở, đi lại đưa bệnh nhân đi khám dù ở bệnh viện Hà Giang hay bệnh viện trung ương đều do chị tự bỏ tiền túi của mình. “Không tiếc tiền đâu. Thấy họ được chữa khỏi, không bị bệnh tật giày vò là tôi mừng lắm. Mất tiền mà bệnh không khỏi thì mới buồn”, chị Nhan chân thành chia sẻ.

Những công trình giúp bản làng “thay da đổi thịt”

H.Mèo Vạc từ lâu được biết là miền đất người dân “sống trên đá, chết vùi trong đá”, cái đói và cái nghèo luôn đeo bám người dân nơi đây. Mọi ước mơ ngỡ tưởng mãi còn mờ mịt trong màu đá xám. Và điều diệu kỳ đã đến khi chị cùng nhóm “Vui Hành Thiện” (Hà Nội), Hội Phật tử chùa Hà Tiên (Vĩnh Yên) và những tấm lòng hảo tâm khác đã mang đến một luồng gió mới: Dẫn nguồn nước sạch cho các em học sinh liên trường xã Tát Ngà; xây nhà kiên cố và thay mái mới cho những ngôi nhà xiêu vẹo, mưa dột nắng xiên ở huyện; làm hệ thống bè mảng và dây cáp vượt suối cho bà con xã Xuân Minh (H.Quang Bình, Hà Giang) giúp người dân nghèo có thêm niềm vui sống, giảm bớt những khó khăn nhọc nhằn, mang đến nụ cười cho các em nhỏ còn nhiều cơ cực.

Nhưng có lẽ “phép màu” diệu kỳ nhất chính là “cây cầu hạnh phúc” ở bản Đề Chia, xã Cán Chu Phìn (H.Mèo Vạc) được ví như ốc đảo “Robinson” khi đường về bản phải leo qua 3 chiếc “cầu khỉ” làm bằng thân cây rừng tạm bợ trên vách đá cao hàng trăm mét nhưng chỉ được gắn sơ sài vào vách đá bằng một vài thanh sắt “tí hon”, nhiều đoạn sát ngay mép vực, sơ sểnh một chút là tai họa có thể ập đến bất cứ lúc nào. Người dân sống gần như tách biệt bởi nơi đây không có điểm trường, trẻ con không biết chữ và hầu như người dân cũng chẳng hề biết cả tiếng phổ thông. Mong mỏi có một cây cầu an toàn, vững chãi, có một “con đường” cho đúng nghĩa có khi cả trong mơ họ cũng chưa bao giờ dám nghĩ tới.

Sau bao ngày thi công đánh vật với những con dốc đứng, với hẻm vực cheo leo thì “cây cầu hạnh phúc” của bản “Robinson” do chị Nhan đứng lên kêu gọi đã được hoàn thành với tổng chi phí trên 80 triệu đồng (chiếm 1/3 tổng kinh phí làm con đường về bản Đề Chia; các hạng mục khác do Kênh Tuyên Hà Giang thực hiện).

Cây cầu tuy không dài nhưng nhưng đủ để trở thành tượng đài của niềm hạnh phúc. Cây cầu được cắt băng khánh thành vào ngày 5.9.2021 - ngày ý nghĩa “Toàn dân đưa trẻ đến trường”. Các em nhỏ được hưởng niềm vui cắp sách đến trường sau bao năm không biết mặt chữ.

Bước chân hành thiện không mệt mỏi

Trong 4 năm qua, qua Facebook Phạm Nhan, chị đã kêu gọi được tiền và vật chất trị giá ước tính gần 700 triệu đồng, giúp cho nhiều hoàn cảnh vượt qua được cơn bĩ cực: giúp chữa bệnh cho 12 bệnh nhân, tặng hàng trăm suất quà và tiền mặt cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, làm cây cầu sắt cho bản Đề Chia (H.Mèo Vạc), xây mới 5 ngôi nhà, thay mái nhà cho 5 hộ dân, một công trình nước sạch cho học sinh, làm hệ thống bè mảng và dây cáp vượt suối cho bà con, tặng hàng trăm bao gạo, hàng trăm bộ quần áo mới, chăn ấm, nệm bông cho người dân và các em học sinh tại khắp các trường trong huyện; giúp con giống (lợn, gà) để người dân có kế sinh nhai, “gian hàng không đồng” vào chợ phiên chủ nhật, trao quà cho cụ già neo đơn, giúp tiền làm tang ma cho nhiều trường hợp gia đình quá nghèo không thể có tiền mua quan tài chôn cất, tặng quà tết Trung thu, tết Thiếu nhi 1.6 cho trẻ em...

Nói về dự định tới đây của mình, chị Nhan chia sẻ: Bên cạnh việc giúp về nhu yếu phẩm, chị sẽ tiếp tục kêu gọi nấu ăn trưa cho các bé tại các điểm trường khó khăn. Đặc biệt, làm đường cho các thôn chưa có đường đi kiên cố, thành lập quỹ học bổng tặng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tốt - những giải pháp có ý nghĩa lâu dài để người dân có thể vươn lên thoát nghèo.

Điều đáng ngưỡng mộ và trân quý ở chị Phạm Thị Nhan là không chỉ giúp người nghèo giải quyết khó khăn trước mắt “một miếng khi đói bằng một gói khi no” mà còn có ý nghĩa lâu bền cho cả những thế hệ sau. Những việc làm “cứu người, giúp đời” của chị không cần phải “đánh bóng” bằng những lời khen hoa mỹ mà đã tự tỏa sáng về câu chuyện đẹp, nhân văn; làm lan tỏa những việc làm tử tế và truyền đi thông điệp ý nghĩa: Giúp ít hay nhiều không phải là điều quan trọng nhất. Sự giúp đỡ chỉ thật sự có giá trị khi được “đặt” đúng chỗ, đúng lúc, đúng người và có sức truyền cảm hứng để mọi người cùng Sống đẹp, qua đó góp phần xây dựng xã hội Việt Nam nhân văn hơn, đẹp hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.