Người lựa chọn dấn thân

09/11/2022 09:12 GMT+7

“Thời gian đầu, làm công tác xã hội mới chỉ dừng lại ở kêu gọi từ thiện, chỉ mong làm sao kêu gọi được nhiều tiền để giúp người bệnh nghèo trả viện phí thôi chứ chưa có nhiều hoạt động khác, nhưng mỗi lần giúp được người bệnh thì mình lại nhận được những niềm vui riêng, từ đó càng làm càng dấn thân hơn”.

Đó là chia sẻ của anh Lê Minh Hiển, trưởng phòng Công tác Xã hội (CTXH), Bệnh viện Chợ Rẫy (BVCR).

Sự vui mừng của bệnh nhân nặng, đã khỏi bệnh trên “Chuyến xe hồi sinh” về nhà trong đại dịch Covid-19

tgcc

Nhưng dường như, khi “càng làm càng dấn thân hơn” một cách thầm lặng quên mình, anh Hiển đã tạo ra những giá trị của một lối sống đẹp. Nếu bạn gõ từ khóa Phòng Công tác Xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy” thì Google cung cấp 693.000 kết quả trong 0.50 giây. Còn nếu bạn gõ tiếp “ThS Lê Minh Hiển” thì sẽ nhận được 416.000 kết quả với tốc độ 0.38 giây cùng các bài báo có tiêu đề: Lê Minh Hiển – người nặng lòng với bệnh nhân nghèo, Thạc sỹ Lê Minh Hiển và hành trình “nối nhịp sống – chở niềm tin”, Tỷ phú 0 đồng Lê Minh Hiển – người nặng lòng với bệnh nhân nghèo…

Tuy nhiên, đó là thông tin của các tập dữ liệu lớn mà công nghệ tạo ra. Còn ngoài đời, muốn “search” ThS Lê Minh Hiển thì tìm anh ấy ở đâu?

Đại dịch căng thẳng, đượm tình

TP.HCM đã hồi sinh sau những mất mát khó quên. Mỗi con người trong cuộc hồi sinh đó đều mang kí ức riêng biệt, để hiểu thấu hơn lẽ sống còn. Trong những ngày tháng khốc liệt ấy, anh Hiển đã là một người bạn đồng hành tin cậy của đồng nghiệp, bệnh nhân. “Giờ hành chính” của anh lúc đó là 6g00 đến 20g00 hoặc những đêm trắng, thường xuyên trở về trên con đường vắng hoe chỉ có tiếng xe cấp cứu với nhiều suy tư ngổn ngang…

Bấy giờ, khi điện thoại là phương tiện duy nhất kết nối các hoạt động CTXH với doanh nghiệp và nhà hảo tâm, một ngày làm việc của anh Hiển xoay vòng với những cuộc gọi, tin nhắn liên lạc đơn vị tài trợ, với đồng nghiệp đang gặp nhiều áp lực trên các “mặt trận dầu sôi lửa bỏng” như Củ Chi, Thủ Đức… Và, cũng vì những cố gắng đó, giữa đại dịch căng thẳng, các đồng nghiệp y bác sĩ luôn tin tưởng và loan tin “cần thì gọi anh Hiển”. Từ những nhu yếu phẩm vốn bình thường, trở nên khan hiếm vì đại dịch như: ly trà sữa, ổ bánh mì thịt, đòn bánh tét,… cho đến những nhu cầu cấp bách, đều được anh Hiển tìm kiếm, huy động để gửi đến các y bác sĩ trực chiến ở các bệnh viện, như một lời khích lệ. Giữa một giai đoạn không ai sống cho riêng mình, anh Hiển đã trao đi nhiều ân tình nồng ấm đến mọi người.

Người nhà bệnh nhân cảm ơn anh Lê Minh Hiển và phòng CTXH BVCR đã hỗ trợ viện phí, chi phí phẫu thuật khối u, tháng 4-2021

tgcc

Và tâm tư ấy, được anh nâng niu trong từng đoạn nhật kí nhỏ: “Chiều muộn, khi công việc của một ngày “khốc liệt” tạm ổn, anh em chúng tôi bắt đầu rời “chiến trường”. Trước khi về, tôi ghé ngang khu 3B của “chiến sỹ đặc nhiệm” tại “mặt trận”. Tôi hỏi “BS 91”: “Anh ơi, anh và các bạn ở đây cần gì? Cho Hiển biết để Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy lo chuyển lên”. Không cần suy nghĩ, “BS 91” nói ngay: “Chỉ thèm bánh mì bệnh viện”. Nghe đến đây, tôi vội chào anh và bước lẹ ra cầu thang, giấu những giọt nước mắt, dặn lòng bằng mọi giá ngày mai phải có”.

Trong giai đoạn TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, việc di chuyển khó khăn, người bệnh xuất viện không có xe về, gia đình cũng không thể đến đón. Anh Hiển cùng đồng đội phòng CTXH đã chủ động liên hệ các đơn vị để phối hợp thực hiện các “Chuyến xe hồi sinh” với nhiều khấp khởi cùng bao trăn trở, lo lắng. Ngày đầu tiên BV Hồi sức Covid-19 có bệnh nhân khỏe, xuất viện, khỏi phải nói đội ngũ y bác sĩ và đội CTXH ở đấy mừng ra sao. Tuy nhiên, vấn đề bệnh nhân khỏi bệnh, chủ động về lại nhà, bắt đầu không đơn giản: nhà đang bị phong tỏa vì nằm trong ổ dịch, người thân đang được điều trị ở bệnh viện dã chiến, giãn cách xã hội hoàn toàn… Từ thực tế ấy, anh Hiển đã gọi nhiều nơi, tìm nhiều người… bất kể đêm ngày để “chuyến xe hồi sinh” được ra đời một cách ý nghĩa và thiết thực.

Kết quả của sự nỗ lực đó là từ 31.7.2021 đến 30.92021 đã có 300 chuyến xe đưa 1110 bệnh nhân khỏi Covid-19 về nhà. Lúc ấy, anh Hiển lại tất bật cùng đồng nghiệp chuẩn bị quà tặng cho người bệnh Covid-19 xuất viện. Mỗi phần quà là những đồ dùng đơn giản nhưng cực kì thiết yếu trong hoàn cảnh bấy giờ: bộ quần áo mới, đôi dép, cái lược, khăn tắm, dầu gội, sữa tắm… Rất nhiều nghĩa cử thầm lặng, cao cả trong từng món vật dụng này.

Hành trình cùng người bệnh ở bệnh viện

Sự lăn xả, gắng sức của anh Hiển trong giai đoạn dịch bệnh đó xuất phát từ tinh thần kiên định của anh trên con đường mà mọi ý nghĩ hay tình cảm đều hướng về những người gặp khó khăn, bất hạnh. Chính niềm vui của lí tưởng sống đẹp này đã chỉ lối cho sự sáng tạo và giúp ích không ngừng trong mỗi hành động mà anh khởi xướng và được các cộng sự hưởng ứng, thực hiện.

Cảm nhận về người lãnh đạo tận tụy, người anh thân thiết, bạn Đoàn Đỗ Hạ Huyên, đồng nghiệp có 5 năm đồng hành anh Hiển trong mọi hoạt động tại phòng CTXH – BVCR, chia sẻ: “Anh Hiển là một người tràn đầy năng lượng, nhiệt huyết vô cùng. Anh thường thúc đẩy nhân viên phải “chạy”, “chạy” và “chạy”. Chạy vì người bệnh. Tụi em hiểu được điều đó nên rất cố gắng, bởi một nguồn năng lượng tích cực được truyền từ anh Hiển - người rất trách nhiệm và luôn hết lòng vì người bệnh."

Cùng với niềm vui và nụ cười của vợ chồng bệnh nhân đang ngồi trên băng ca

tgcc

Để người đồng hành “chạy, chạy và chạy” thì anh Hiển luôn là người chạy trước tiên. Từ những đóng góp nhân văn như vậy, không thể không nhìn thấy bóng dáng của anh ở tất cả ngóc ngách trong bệnh viện. Bằng sự quan sát, thấu hiểu và mong muốn góp sức nhiều nhất có thể, anh Hiển luôn tạo ra những sáng kiến, dù đơn giản như là móc treo trong nhà vệ sinh, chậu hoa trong vườn hoa bệnh viện, nhà nghỉ dành cho thân nhân bệnh nhân đặt cạnh bếp ăn miễn phí (với 4500 suất ăn mỗi ngày), cho đến hoạt động lớn hơn như Chủ nhật chia sẻ yêu thương, Sữa dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư… Tất cả đều khởi phát từ tấm lòng nhân hậu của anh. Vì lẽ đó, người bệnh không chỉ nhận được dinh dưỡng cho cơ thể đang kiệt quệ, mà còn là dinh dưỡng cho tinh thần đang ngày đêm chống lại bệnh tật.

Và tâm niệm, sở cầu lớn nhất của anh ở hiện tại và tương lai là tất cả người dân Việt Nam có Bảo hiểm Y tế.

Ông Bụt của bệnh nhân cơ nhỡ

Từ năm 2016 đến 2021, phòng CTXH của BVCR, nơi anh Hiển đảm nhiệm vị trí trưởng phòng, đã vận động trên 83 tỷ đồng, vận hành kinh phí hỗ trợ viện phí mỗi năm cho hơn 1000 lượt người bệnh có hoàn cảnh khó khăn. Đó là một chặng đường chưa hẳn dài, những thành tựu chưa hẳn lớn, nhưng đánh dấu những nỗ lực không ngừng ở từng khâu: xây dựng quy trình; công khai minh bạch để tạo niềm tin nơi các nhà hảo tâm và đồng nghiệp; tri ân và báo cáo hoạt động. Những năm đầu, khi triển khai hoạt động giúp đỡ người bệnh, chương trình gặp nhiều khó khăn, vì nhà hảo tâm chưa biết, chưa tin; sự phối hợp nội bộ bệnh viện chưa đồng đều. Nhưng dần dần, vừa làm, vừa nghe và điều chỉnh, anh Hiển đã dẫn dắt phòng CTXH BVCR tiến đến sự khẳng định uy tín rộng lớn. Nơi đây trở thành chỗ dựa cho người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, là địa chỉ tin cậy của nhà hảo tâm và đồng nghiệp. Còn anh Hiển đã là ân nhân, “ông Bụt” trong lòng rất nhiều bệnh nhân cơ nhỡ.

Bên cạnh đó, hiện nay, anh Lê Minh Hiển phối hợp với cộng sự phòng CTXH cùng lúc vận hành 25 hoạt động, trong đó có nhiều hoạt động mang lại ý nghĩa sâu sắc cho người bệnh: Hỗ trợ viện phí, Hướng dẫn khám chữa bệnh, Hướng dẫn cấp cứu, Bảo vệ quyền lợi người bệnh, Tư vấn và giúp đỡ Bảo hiểm Y tế, Phẫu thuật tim miễn phí cho trẻ em, Bếp yêu thương, Thứ Bảy tươi mới (cắt tóc, gội đầu miễn phí cho bệnh nhân vào thứ Bảy hàng tuần), Sữa yêu thương tặng người bệnh ung thư, Kệ sách thư giãn, Dịch vụ lưu trú tại Nhà nghỉ thân nhân bệnh nhân, Truyền hình trực tiếp các trận chung kết bóng đá của đội tuyển Việt Nam, …

Và, cứ như thế, anh Lê Minh Hiển, đã và đang từng bước góp phần xây dựng tầm vóc vững chãi, cao cả của ngành công tác xã hội bệnh viện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.