Có trẻ bị xâm hại khi vào trung tâm bảo trợ phải ở 'ghép' với người tâm thần

Thu Hằng
Thu Hằng
06/12/2019 16:18 GMT+7

Bà Ninh Thị Hồng, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho hay, có những em bị xâm hại, đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội phải ở “ghép” cùng với người tâm thần.

Bà Ninh Thị Hồng nêu thực trạng này tại phiên họp đoàn giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, do Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì ngày 6.12.

Xâm hại tình dục chiếm 50 - 70% các vụ xâm hại trẻ em

Theo báo cáo của đoàn giám sát, 3 đoàn công tác đã hoàn thành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” tại 17 địa phương, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình, Bắc Giang, Thái Bình, Quảng Ninh, Nghệ An, Lào Cai, Phú Thọ, Lạng Sơn, Đắc Lắk, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ, Tiền Giang, Tây Ninh và Bình Phước.
Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện, Phó trưởng đoàn công tác số 1, cho hay qua giám sát, tình hình xâm hại trẻ em có diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Nhiều địa phương xâm hại trẻ em có chiều hướng gia tăng so với giai đoạn 2011 - 2015. Riêng Hà Nội, chỉ trong 6 tháng đầu năm, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến, với 272 nạn nhân, chiếm 41% tổng số trẻ em bị xâm hại trong cả giai đoạn 2015 - 2019.
Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Trưởng đoàn công tác số 2, thông tin trong các vụ xâm hại trẻ em, xâm hại tình dục chiếm hơn 50%. Một số địa phương như Nghệ An, Phú Thọ tỷ lệ xâm hại tình dục chiếm trên 70% các vụ xâm hại. Cá biệt, có những đơn vị cấp huyện 100% các vụ phát hiện là xâm hại tình dục trẻ em.
Theo ông Nguyễn Văn Luật, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, thành viên đoàn công tác số 3, môi trường xã hội vẫn tồn tại nhiều nguy cơ mất an toàn đối với trẻ, số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại các địa phương còn nhiều, tập trung chủ yếu vào các nhóm đang trong độ tuổi đi học nhưng không đến trường, phải tham gia lao động trái pháp luật, trẻ em bỏ nhà đi lang thang, không có nơi cư trú ổn định và đặc biệt số trẻ em có hoàn cảnh cha mẹ ly hôn cao.
“Qua giám sát tại 5 tỉnh, thành phía Nam, độ tuổi trẻ em trong các vụ xâm hại tập trung nhiều ở độ tuổi 13 đến dưới 16 tuổi (phần lớn là em gái), có những em bị xâm hại ở lứa tuổi rất nhỏ. Tính chất các vụ xâm hại tình dục trẻ em đã đến mức nghiêm trọng, báo động về sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận dân cư”, ông Luật nói.

Đừng nghĩ cứ đưa trẻ bị xâm hại vào trung tâm bảo trợ là xong

Theo bà Ninh Thị Hồng, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, luật Trẻ em đã ra đời 2 năm nhưng đến nay, công tác tuyên truyền chính sách pháp luật tại các địa phương chưa có trọng tâm, trọng điểm. Nhiều người dân và cán bộ công chức chưa nắm rõ luật.

"Chúng tôi hết sức bức xúc, có những trường hợp bố mẹ ly thân, ly hôn đánh con thậm tệ… nhưng lãnh đạo địa phương không cách ly để các cháu bị hành hạ hàng tháng trời. Trong trường học, các trung tâm giáo dục trẻ em cũng vậy, chúng ta chỉ quan tâm đến vấn đề thiếu giáo viên, thiếu nhân viên mà không chú ý đến vấn đề đạo đức", bà Hồng nói và cho biết thêm, có trường hợp người xâm hại ở nơi khác, đi tù rồi vẫn được tuyển vào làm bảo vệ. Có những em bị xâm hại, đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội ở “ghép” cùng với người tâm thần, người già neo đơn bị kỳ thị.

"Hai vụ việc cán bộ trung tâm hỗ trợ xã hội ở TP.HCM và Bình Dương bị tố cáo dâm ô trẻ em là một ví dụ. Đừng có nghĩ đưa các em vào trung tâm bảo trợ xã hội là xong. Chúng ta phải tạo ra môi trường để các trẻ em bị xâm hại được nuôi dạy, chăm lo, giúp đỡ để các cháu có thể sớm ổn định tinh thần trở lại cuộc sống", bà Hồng nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.