Công an TP.HCM cảnh báo 4 chiêu trò của tội phạm công nghệ cao

Thái Sơn
Thái Sơn
06/11/2019 18:32 GMT+7

Công an TP.HCM cho biết, thời gian gần đây, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao hoặc điện thoại mạo danh Công an, tòa án… để lừa đảo chiếm đoạt tiền của người dân trên địa bàn diễn biến phức tạp.

Bộ Công an vừa phát đi thông báo cảnh báo tội phạm công nghệ cao trên địa bàn TP.HCM.
Theo đó, thông qua nhiều vụ án đã và đang điều tra của Công an TP.HCM cho thấy, các đối tượng tội phạm công nghệ cao thường sử dụng một số thủ đoạn như lừa khách hàng tự chuyển tiền (giả mạo Cơ quan điều tra thông báo liên quan đến một vụ án bất kỳ và yêu cầu khách hàng chuyển tiền để phục vụ điều tra; thông báo thông tin giả về trúng thưởng từ ngân hàng hoặc các công ty lớn, yêu cầu cung cấp số OTP khách hàng; sử dụng phương tiện điện tử, đánh cắp thông tin và mật khẩu chủ thẻ ngân hàng, kích hoạt máy trụ ATM, đánh cắp tiền đang được lưu giữ tại các trụ ATM...).
Bên cạnh đó, các đối tượng cũng thường sử dụng cuộc gọi điện thoại giả danh Cơ quan Nhà nước, như giả danh cán bộ cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, nhân viên ngân hàng... gọi điện yêu cầu cung cấp thông tin thẻ ngân hàng để nhận gửi bưu phẩm hoặc giấy triệu tập, chuyển tiền vào tài khoản chỉ định trước để phục vụ điều tra;… giả mạo người cho vay trực tuyến lừa khách hàng có nhu cầu vay vốn, yêu cầu cung cấp thông tin về thẻ hoặc tài khoản ngân hàng điện tử nhằm đánh cắp tiền trong tài khoản của người khác...
Ngoài ra, các đối tượng sử dụng phần mềm công nghệ cao (Voice over IP) giả số điện thoại cơ quan Công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chẳng hạn, đối tượng xấu dùng ứng dụng công nghệ phần mềm công nghệ cao Voice over IP (cách gọi sử dụng ứng dụng truyền tải giọng nói qua mạng máy tính, giả số điện thoại hiển thị trên màn hình,…) thực hiện các cuộc gọi đến có số điện thoại hiển thị trên màn hình điện thoại người nhận các số giống với số Trực ban Công an,… sau đó tự xưng cán bộ Công an đe dọa, tống tiền nhân dân. Số điện thoại lừa đảo sẽ xuất hiện thêm các đầu số: 1080, +084028, hoặc +028,… phía trước các đầu số máy giả mạo hiển thị khi gọi đến.
Từ đó, Bộ Công an đề nghị các ngân hàng, người dân thực hiện hàng loạt các biện pháp phòng ngừa. Theo đó, các chi nhánh, phòng giao dịch các ngân hàng phải tăng cường giám sát các máy ATM qua camera, kiểm tra trực tiếp, nhất là các máy ATM đặt ở những nơi vắng người qua lại, để kịp thời phát hiện các thiết bị lạ gắn trong buồng máy ATM.
Bên cạnh đó, phân công nhân viên thường xuyên trực 24/24 giờ đường dây điện thoại nóng (hotline) để tiếp nhận thông tin phản ảnh của nhân dân về tình hình an ninh, trật tự xung quanh máy ATM. Khi phát hiện đối tượng sử dụng thẻ ATM giả để giao dịch, cần nhanh chóng thông báo cho lực lượng Công an phường, xã, thị trấn nơi có đặt máy ATM để phối hợp xử lý...
Thông báo của Bộ Công an cũng đưa ra các khuyến cáo, cảnh báo với người dân phải đề cao cảnh giác tránh bị lừa, như việc cần giữ bí mật thông tin bảo mật các dịch vụ ngân hàng; xác thực người đề nghị thực hiện giao dịch tài chính; kiểm tra thông tin của trang website khi thực hiện giao dịch trực tuyến; khi thực hiện giao dịch thẻ tại ATM, POS phải quan sát khe thẻ trên máy ATM, bảo đảm không có thiết bị lạ và che bàn phím khi nhập số PIN...
Đặc biệt, phải cảnh giác với các cuộc gọi tự xưng công an, viện Kiểm sát, nhân viên ngân hàng… thông báo giám định, trúng thưởng, nhận quà, xác minh; hoặc đe dọa, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản chỉ định...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.