Mất 17 tỉ đồng từ cuộc điện thoại lạ

Thanh Xuân
Thanh Xuân
13/10/2019 16:33 GMT+7

Dù hình thức lừa đảo không mới nhưng nhiều người vẫn bị sập bẫy trước những cuộc điện thoại lạ mạo danh công an, ngân hàng … và mất tiền trong tài khoản.

Cảnh giác với các cuộc điện thoại lạ 

Bà N.V.Q (Q.Bình Tân, TP.HCM) vừa mất 17 tỉ đồng trong 2 tài khoản ngân hàng sau khi nhận được cuộc điện thoại lạ gây chấn động dư luận. Chuyện là bà N.V.Q nhận được một cuộc gọi từ một người xưng danh là nhân viên ngân hàng hăm dọa bà có hành vi lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản gần 40 triệu đồng. Theo người này, hồ sơ đang được chuyển qua cơ quan công an và người này chuyển máy cho bà Q. gặp điều tra viên. Người này yêu cầu bà Q. cung cấp tài khoản và mật khẩu của 2 ngân hàng để phục vụ công tác điều tra. Mấy ngày sau, bà Q. phát hiện số tiền 17 tỉ đồng trong 2 tài khoản trên đã biến mất. Vụ việc đang được công an làm rõ.  Đây là một trong những trường hợp bị lừa đảo mất tiền lớn nhất qua hình thức mạo danh công an từ trước đến nay. Chiêu thức này không phải mới nhưng kẻ gian vẫn lấy được số tiền “khủng” trên tài khoản của bà Q khiến dư luận chấn động.
Đánh vào tâm lý cuối năm cần tiền, chiêu thức giả danh nhân viên ngân hàng hướng dẫn cho vay để lừa lấy tiền phí đã quay trở lại. Vừa qua, một số đối tượng lừa đảo giả danh nhân viên Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển VN (BIDV) bằng cách lấy các hình ảnh hội thảo, bản tên cán bộ (giả mạo), các hoạt động có logo BIDV… gửi cho người dân qua các trang mạng Zalo, Facebook... Sau khi khách hàng tin tưởng, kẻ lừa đảo hứa có thể hỗ trợ khách hàng làm thủ tục vay vốn dưới 100 triệu đồng và yêu cầu khách hàng nộp phí bảo hiểm rủi ro cho khoản vay từ 1 - 2 triệu đồng. Khi khách hàng chuyển số tiền này cho kẻ giả mạo nhân viên BIDV thì gần như không liên lạc được nữa.

Không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng cho người lạ

Trước tình trạng này, các ngân hàng liên tục đưa ra các cảnh báo khách hàng về những chiêu lừa đảo mà tội phạm thường sử dụng để lấy tiền trong tài khoản. Bởi cung cấp toàn bộ thông tin tài khoản, mật khẩu thì chẳng khác nào “mời kẻ trộm vào nhà”, ngân hàng dù có bảo mật đến mấy cũng không thể chặn được chuyển tiền trong trường hợp này.
BIDV khuyến cáo khách hàng tuyệt đối cảnh giác với những lời mời chào từ những người lạ, có dấu hiệu khả nghi và cần xác minh lại. Trong trường hợp có nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng, khách hàng có thể liên hệ trực tiếp qua tổng đài hoặc điểm giao dịch gần nhất. Hơn nữa, khi ngân hàng thu phí sẽ cung cấp các chứng từ hợp lệ, cũng như công khai biểu phí dịch vụ, do đó khách hàng không chuyển tiền phí qua cá nhân hay tổ chức nào.
Không những ngân hàng mà cơ quan công an thời gian qua cũng liên tục cảnh báo các hình thức giả danh lừa đảo chiếm đoạt tiền của người dân. Vừa qua, Công an quận 3, TP.HCM, đã có buổi tuyên truyền chuyên đề về phòng, chống tội phạm lừa đảo công nghệ cao cho các nhóm hộ tự quản trên địa bàn. Trong 9 tháng qua, Công an quận 3 ghi nhận xảy ra 39 vụ liên quan đến hoạt động lừa đảo tội phạm công nghệ cao với số tiền lừa đảo lên đến hơn 3 tỉ đồng.
Một số thủ đoạn của tội phạm lừa đảo công nghệ cao như lừa đảo qua các trang mạng xã hội; gọi điện thoại giả danh cơ quan bảo vệ pháp luật và cơ quan nhà nước để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lừa đảo qua các giao dịch thương mại điện tử; mua bán, trộm cắp, sử dụng thông tin thẻ tín dụng của người khác để chiếm đoạt tài sản...
Công an quận 3 khuyến cáo người dân cảnh giác với việc kết bạn qua các trang mạng xã hội; hạn chế hoặc không đăng tải thông tin cá nhân, gia đình lên mạng xã hội; cảnh giác với các đường link lạ trên mạng xã hội, website thông báo trúng thưởng; khi mua hàng qua mạng phải kiểm tra, xác minh thông tin rõ ràng về công ty bán hàng. Đặc biệt, khi có người lạ tự xưng là cán bộ nhà nước, thanh tra, công an gọi điện thông báo về việc nợ tiền hoặc liên quan đến hành vi phạm tội và yêu cầu cung cấp tài khoản xác minh… thì không được làm theo để tránh bị dẫn dụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.