Riêng trong lĩnh vực AI (trí tuệ nhân tạo), nó bộc lộ sự thua kém khá lớn về những công nghệ cốt lõi như thuật toán, nền tảng và thư viện mã nguồn, các chip CPU, GPU, năng lực tinh toán và xử lý dữ liệu.
Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực khắc phục những yếu kém cơ bản này bằng kế hoạch thúc đẩy nghiên cứu AI, đặc biệt chú trọng việc ứng dụng AI vào lĩnh vực quân sự, giám sát an ninh và quản lý đô thị. Công nghệ AI Trung Quốc có thuận lợi là có nguồn tài trợ khổng lồ của nhà nước, chi phí nhân công thấp, thị trường tiêu thụ nội địa rộng lớn, sự nhạy bén linh hoạt của giới công nghệ và quyết tâm thực hiện của chính phủ.
Trong các năm tới, Trung Quốc có thể khắc phục dần sự lệ thuộc vào phần cứng và phần mềm của Mỹ, nhưng trở ngại lớn nhất là sự thiếu hụt nguồn nhân lực cho nghiên cứu AI, vốn đòi hỏi trình độ chuyên môn cao. Đây là điều mà Trung Quốc còn rất thiếu, vì theo bản báo cáo Sự phát triển của AI Trung Quốc 2018 của Viện nghiên cứu Tencent (Trung Quốc) và Nature (Mỹ), năm 2017 tổng số lượng khoa học gia về nghiên cứu AI của Trung Quốc là 18.232 người, trong đó số người đạt đẳng cấp thế giới chỉ có 5% (Mỹ có 28.536 người chiếm 18%). Báo cáo cũng cho biết đế đáp ứng mục tiêu dẫn đầu thế giới vào năm 2030, nhu cầu nhân sự các loại cho lĩnh vực AI là 5 triệu người. Với năng lực đào tạo hiện có của Trung Quốc thì không thể nào đáp ứng con số đó.
|
Sự phát triển về khoa học công nghệ của một quốc gia được quyết định bởi chất lượng giáo dục, không quốc gia nào có thể trở thành cường quốc công nghệ nếu thiếu đi nền tảng quan trọng nhất: một nền giáo dục chất lượng cao. Theo tin của trang China Daily News (Trung Quốc), để khắc phục sự khan hiếm nguồn nhân lực cho AI, hồi tháng 4.2018 Bộ Giáo dục Trung Quốc đã công bố chương trình Hành động cách tân giáo dục về AI cho cấp trung học và đại học. Theo đó, Bộ Giáo dục sẽ soạn thảo 50 quyển sách giáo khoa về AI, mở 50 khóa học về AI trực tuyến cấp quốc gia và xây dựng 50 trung tâm nghiên cứu về AI vào năm 2020. Về phía chính phủ Trung Quốc thì chỉ thị là phải dạy AI ngay từ cấp tiểu học và thực hiện từ niên học 2018 - 2019.
Vẽ ra kế hoạch trên giấy thì bao giờ cũng dễ hơn làm. Các chuyên gia giáo dục Trung Quốc phàn nàn rằng kế hoạch của Bộ Giáo dục rất chung chung, không nêu ra các biện pháp cụ thể: dạy những gì, nội dung của sách giáo khoa ra sao, cách thức triển khai đến tất cả các trường trên toàn quốc.
Nhưng, vấn đề nan giải là những bất cập cơ bản của hệ thống giáo dục Trung Quốc: tiêu chuẩn hóa cứng nhắc, quá chú trọng đến kết quả học tập, đặt nền tảng trên những định lượng cố định, những điều này đều không phù hợp cho việc đào tạo kỹ năng trong lĩnh vực AI. Nếu ở phương Tây, việc đào tạo về AI tập trung vào việc khuyến khích sự sáng tạo, suy nghĩ vượt các khuôn khổ giáo điều và tinh thần làm việc nhóm, thì giáo dục Trung Quốc đi ngược lại những giá trị đó, chỉ dạy học sinh phát triển kỹ năng thực hiện những việc đơn lẻ chuyên biệt, tuân thủ theo đúng quy trình và cứ lập đi lập lại.
Chuyên gia giáo dục Jiang Xueqin (Trung Quốc) thẳng thắn nhận xét: “Môn toán của phương Tây chú trọng đến tư duy về nguyên tắc và chiến lược tính toán, giúp học sinh có sự linh hoạt và khả năng giải quyết những vấn đề chưa từng gặp phải. Còn môn toán Trung Quốc thì học sinh phải ghi nhớ những công thức và làm thật nhiều bài tập, hậu quả làm học sinh chỉ xử lý được những vấn đề đơn lẻ, nằm trong khuôn khổ những gì đã học. Học sinh sẽ thiếu tư duy logic, không nắm bắt được yếu tố cơ bản của vấn đề, do vậy, sẽ không đáp ứng được những yêu cầu chuyên môn trong lĩnh vực AI”.
Ngoài ra, còn có những bất cập trong chương trình đào tạo công nghệ thông tin hiện nay. Báo South China Morning Post đã tiến hành phỏng vấn một số du học sinh Trung Quốc đang học về công nghệ thông tin tại Mỹ. Họ nhận xét rằng chương trình đào tạo của Trung Quốc đã lạc hậu so với Mỹ, sách giáo khoa soạn theo trường phái cũ nên sinh viên không được tiếp cận với những kiến thức mới nhất, phải làm rất nhiều bài viết và ít khi được thực hành. Chương trình học hoàn toàn bằng tiếng Hoa làm cho sinh viên không chú trọng rèn luyện tiếng Anh -ngôn ngữ chủ đạo trong cộng đồng công nghệ thế giới, gây nhiều khó khăn trong việc giao tiếp và trao đổi kiến thức chuyên môn với bên ngoài.
Mặt khác, do Bộ Giáo dục chỉ ban hành quy định chung chung về dạy môn AI, nên việc triển khai ở mỗi cơ sở giáo dục lại tùy thuộc vào sự diễn giải, khả năng thực tế về nguồn giáo viên và năng lực tài chính của cơ sở đó. Những cơ sở giáo dục Trung Quốc có khả năng áp dụng phương thức giáo dục kiểu Tây phương đều thuộc loại cao cấp, rất khó để nhập học vì thi tuyển cực kỳ gắt gao, hoặc có học phí rất cao chỉ những gia đình giàu có mới có thể gánh được. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng ở Trung Quốc, không chỉ ở các tầng lớp dân chúng mà cả giữa những vùng miền, do vậy, việc triển khai toàn quốc những chương trình đào tạo AI có chất lượng cao như ở các trường hàng đầu là điều phi thực tế. Điều này sẽ gây nên sự thiếu nhất quán trong chương trình dạy AI giữa các trường ở những vùng miền khác nhau.
Các cơ sở giáo dục có chất lượng cao đóng vai trò rất quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực. Theo số liệu của tổ chức CSRanking, Trung Quốc với dân số 1,38 tỉ người chỉ có 3 trường đại học được xếp vào tốp 10 thế giới về nghiên cứu AI, trong khi Mỹ với 327 triệu dân thì có đến 6 trường nằm trong nhóm này. Dù Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh quyết liệt về nghiên cứu AI, nhưng chính các trường đại học Mỹ lại là nơi đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này cho Trung Quốc. Trước năm 2017, hằng năm có hàng trăm ngàn sinh viên Trung Quốc sang du học ở Mỹ (năm 2016 là 180.000 người), nhưng từ 2017, chính phủ Mỹ đã bắt đầu hạn chế cấp visa nhập cảnh cho sinh viên Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, kỹ thuật và tài chính.
|
Nhận thức vấn đề về thiếu hụt nguồn nhân lực chuyên môn cao, từ năm 2008 Trung Quốc đã triển khai chương thu hút nhân tài (kể cả người nước ngoài) với chế độ đãi ngộ rất cao. Từ đó đến nay, đã có 6.000 nhà khoa học gốc Hoa và sinh viên du học trở về làm việc tại quê nhà. Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực kêu gọi các du học sinh trở về phục vụ tổ quốc, nhưng nhiều người ngần ngại không muốn trở về vì các yếu tố: môi trường chính trị, quyền tự do cá nhân, chất lượng sống, điều kiện làm việc rất tốt như ở Mỹ. Luật Mỹ cho phép sinh viên nước ngoài sau khi tốt nghiệp được ở lại Mỹ 3 năm để thu thập kinh nghiệm thực tế, nhiều sinh viên Trung Quốc đã vào làm việc cho các doanh nghiệp Mỹ và tìm cách định cư luôn tại đây. Người Mỹ rất giỏi trong việc săn lùng tài năng (head hunting) với chế độ đãi ngộ đặc biệt dành cho nhân lực cao cấp. Nhân tài toàn cầu đổ về Mỹ nên nguồn tài năng của nước này luôn là dồi dào nhất thế giới.
Các doanh nghiệp công nghệ AI Trung Quốc cũng ra sức thu hút du học sinh bằng chế độ lương bổng rất cao nhưng điều làm các du học sinh ngán ngại nhất là văn hóa lao động (work culture) khắc nghiệt ở quê nhà. Dù hoạt động trong một lĩnh vực hiện đại, nhưng các hãng công nghệ Trung Quốc vẫn duy trì nếp văn hóa "chủ - tớ" của thời xa xưa, đòi hỏi sự lao động cật lực của cấp dưới, gọi nôm na là "văn hóa 996", tức là làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, xuyên suốt 6 ngày/tuần. Các nhà khoa học không được hưởng môi trường nghiên cứu tốt như ở Mỹ. Đây cũng là trở ngại lớn trong việc thu hút nhân tài ở nước ngoài.
Đào tạo một thế hệ trẻ trở thành những chuyên viên công nghệ đáp ứng được yêu cầu chuyên môn thì đòi hỏi nhiều thời gian mới thu được thành quả, ít nhất một thập niên nữa, Trung Quốc mới nhận được sản phẩm của kế hoạch đào tạo này. Nhưng, với những bất cập của hệ thống giáo dục hiện nay và kế hoạch đào tạo nhân lực thiên về ý chí chủ quan hơn là tính khả thi thực tế, các chuyên gia nước này e ngại là khó có thể đạt hiệu quả như ý.
Dù vậy, có thể thấy rằng với nỗ lực thực hiện và nguồn tài trợ cực lớn từ chính phủ, cũng như có lượng dữ liệu khổng lồ thu thập từ 1,38 tỉ dân, công nghệ AI của Trung Quốc sẽ đạt nhiều tiến bộ trong tương lai và sẽ phát triển tốt ở thị trường nội địa. Nhưng theo nhận định của giới chuyên môn quốc tế và cả của Trung Quốc, nếu không giải quyết thỏa đáng những khiếm khuyết, bất cập mang tính cơ bản đã nêu, "AI made in China" cũng sẽ chỉ lẫn quẩn "chơi bóng sân nhà", khó lòng vươn ra bốn biển năm châu và giành vị trí hàng đầu thế giới như mong ước.
Bình luận