Không được “sai lạc cảnh quan”
Có tới 3/15 nhà điêu khắc nằm trong Ban giám khảo cuộc thi thiết kế công trình Cột mốc Km 0 thuộc dự án đầu tư xây dựng, cải tạo chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm, vừa được UBND Q.Hoàn Kiếm (Hà Nội) phối hợp với Hội Kiến trúc sư, Hội Mỹ thuật Việt Nam phát động ngày 3.6. Đó là nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh, Hoa Bích Đào và Vương Học Báo. “Liệu với ban giám khảo như vậy, tác phẩm được hướng tới có thể sẽ là một tượng đài hay không?”, một nhà nghiên cứu nêu câu hỏi.
Ông Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giám khảo, khẳng định: “Sẽ không có chuyện làm tượng đài. Chúng ta đang đi tìm một thiết kế biểu tượng. Cuộc thi này có hai đơn vị bảo trợ là Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Chúng tôi cùng chịu trách nhiệm chuyên môn vì nó liên quan đến cả kiến trúc cảnh quan nữa. Hồ Gươm là không gian thiêng, nên cái gì đã không phù hợp thì sẽ bật ra ngay”, ông Đoàn nói.
Cùng quan điểm, ông Vi Kiến Thành, Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, cho rằng: “Phải xác định đó là một giải pháp kiến trúc chứ không phải là một tác phẩm điêu khắc”.
Một yêu cầu của thiết kế được đưa ra là “thể hiện bản sắc văn hóa, lịch sử Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến”. Điều này dẫn đến dự đoán nhiều thiết kế sẽ sử dụng các hoa văn mỹ thuật thời Lý - triều đại đánh dấu việc dời đô về Thăng Long. “Tôi hiểu lo ngại việc thiết kế sẽ ngập các hoa văn thời Lý. Tuy nhiên, quan trọng là hội đồng mỹ thuật, chúng tôi cũng sẽ lựa chọn thiết kế nào thích hợp nhất”, ông Lương Xuân Đoàn khẳng định.
Trong khi đó, một thành viên Hội đồng giám khảo, kiến trúc sư Nguyễn Tuấn Anh, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Kiến trúc sư Việt Nam thì cho rằng không quá lo ngại việc thiết kế mới ngập tràn hoa văn thời Lý. “Km 0 gắn với câu chuyện đương đại, khi người Pháp vào, họ xác định các tuyến đường nên mới có Km 0. Đây không phải biểu tượng trung tâm Hà Nội, nên không phải gắn với hoa văn, họa tiết truyền thống”, ông Tuấn Anh nói.
Địa điểm linh hoạt, đầu bài mở
|
Cách đây 2 năm, việc thiết kế mốc số 0 chỉ gắn với một địa điểm là đồng hồ hoa bên hồ Gươm. Tuy nhiên, tới nay có tới 4 địa điểm có thể xây dựng cột mốc này: Vị trí 1: khu vực ngã tư phố Đinh Tiên Hoàng - Hàng Khay là vị trí đồng hồ hoa Thụy Sĩ hiện nay; Vị trí 2: phía bên bờ hồ Hoàn Kiếm, đối diện tượng đài Lý Thái Tổ; Vị trí 3: sân trước tượng đài vua Lý Thái Tổ; Vị trí 4: người dự thi có thể đề xuất một vị trí trong khuôn khổ khu vực hồ Hoàn Kiếm. “Chúng tôi đã tăng địa điểm có thể dựng mốc số 0”, Th.S-KTS Nguyễn Tuấn Long, Phó chủ tịch UBND Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết.
Phải xác định đó là một giải pháp kiến trúc chứ không phải là một tác phẩm điêu khắcÔng Vi Kiến Thành, Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam |
“Chúng tôi thêm hai phương án trên cùng một trục dọc. Đó là phía ngoài của vườn hoa Lý Thái Tổ và điểm đối diện bên kia hồ của vườn hoa, giống như nhiều nước đặt mốc số 0 ở điểm giữa tòa thị chính và nhà bưu điện. Ở đây, tuy thêm 2 điểm nhưng cũng nằm trên một trục dọc là vườn hoa Lý Thái Tổ”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn giải thích. Ông Đoàn cũng cho rằng, trong hình dung của mình, ông nghĩ nhiều khả năng mốc số 0 sẽ áp mặt đất nhiều hơn, vì theo ông: “Chúng ta muốn thu hút khách du lịch dừng lại cột mốc này. Đó là một nơi ghi dấu”. Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Tuấn Anh nói thêm: “Khu vực hồ Gươm chỉ nên cởi bớt công trình ra chứ không làm thêm. Mốc này vì thế nên sát đất và không vướng víu”.
Việc xây dựng mốc số 0 ở hồ Gươm vẫn đang thu hút sự chú ý với nhiều ý kiến. Ông Vi Kiến Thành cho rằng: “Khả năng sẽ có phương án làm khối âm, thấp xuống, lõm xuống so với mặt đường” và nêu quan điểm: “Nhìn chung ở đó không nên làm một cái gì đặc biệt cao to. Tôi nghĩ tác phẩm này sẽ không lớn, không có sự can thiệp vào không gian kiến trúc ở hồ Gươm”.
Về khả năng đây sẽ là một công trình nghệ thuật thực địa, ông Thành nói: “Đây là khu vực cần thận trọng. Kể cả thêm cây xanh cũng phải tôn trọng hệ thống cây xanh đang có. Gần như là giữ nguyên cảnh quan, chỉ thêm một mốc số 0 ở mức độ rất nhỏ nhẹ thôi chứ không phải cái gì lớn”.
Đặc biệt, ông Thành nhấn mạnh: “Đây là nhiệm vụ thiết kế mở nên không quy định về hình thức cũng như nội dung các thành phần chức năng của công trình cột mốc Km 0. Người dự thi tự do đề xuất các giải pháp đáp ứng các yêu cầu thiết kế là mang tính biểu tượng, mang văn hóa Hà Nội và hài hòa cảnh quan”.
Cuộc thi thiết kế cột mốc số 0 tại hồ Gươm dành cho các tổ chức nghề nghiệp là đơn vị tư vấn, thiết kế, các trường và viện; công dân Việt Nam là nhà điêu khắc, họa sĩ, kiến trúc sư, sinh viên chuyên ngành mỹ thuật, kiến trúc. Ban tổ chức nhận bài dự thi tới ngày 6.7, chấm thi từ 6 - 10.7. Sau đó, tác phẩm đoạt giải sẽ được trưng bày lấy ý kiến nhân dân trước khi trình UBND TP.Hà Nội xem xét.
|
Bình luận (0)