Nhà cửa nứt toác vì thi công lu đường nhưng sau nhiều lời hứa hẹn, đến nay mọi việc dường như vẫn giậm chân tại chỗ...
>> Cực như sống ở... mặt tiền QL1
>> Cực như sống ở... mặt tiền QL1 - Kỳ 2: Dân cần, thi công chưa vội
|
Có mặt tại công trường dự án mở rộng QL1 qua địa phận H.Phong Điền (Thừa Thiên-Huế) chúng tôi ghi nhận cảnh làm việc tất bật của hàng trăm phương tiện và công nhân. Đây là đoạn thuộc nhà đầu tư BOT Công ty TNHH Trùng Phương.
Nhà nứt hàng loạt
Khi các đơn vị thi công tiến hành lu nền đường, các phương tiện xe lu, xe rùng vận hành với công suất lớn đã gây rạn nứt nhà của hàng trăm hộ dân hai bên đường, dù nằm cách xa lộ giới hàng chục mét.
Ông Hoàng Thế Hùng, Phó chủ tịch Hội đồng bồi thường, giải tỏa và đền bù H.Phong Điền, cho biết hiện tại hội đồng đã nhận được đơn của 139 hộ dân phản ánh tình trạng nhà cửa bị rạn nứt do thi công đường, và số đơn vẫn chưa dừng lại. Trong đó, đặc biệt các thôn Đông Lái, Tân Lập, Phú Xuân (xã Phong Thu) hầu hết nhà nằm hai bên đường đều bị rạn nứt.
Cùng chung tình cảnh, dự án mở rộng QL1 Quảng Nam với 2 dự án thành phần đi qua 6 huyện, thành phố: Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Phú Ninh, Tam Kỳ và Núi Thành, có khoảng 5.600 hộ gia đình bị ảnh hưởng, nhiều hộ dân sinh sống tại H.Núi Thành bị nứt nhà do quá trình lu rung nền đường.
Ông Đặng Viết Hiệu (42 tuổi, trú tại thôn An Lương, xã Tam Anh Bắc) cho biết đoạn đường trước nhà ông thi công cách đây 2 tháng khiến nhà ông bị nứt nhiều nơi. Nhiều vết nứt trước đó bị toác ra với độ mở trên 1 cm. “Mỗi lần xe lu mặt đường, chúng tôi ngồi trong nhà không ai chịu nổi. Đồ sành sứ va vào nhau loảng xoảng, thậm chí ly bỏ trên bàn còn rơi xuống đất”, ông Hiệu nói.
Theo ông Hiệu, khoảng 20 ngày trước có đội giám định đến kiểm tra hiện trạng các vết nứt nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi.
Bồi thường chậm trễ
Theo ông Hoàng Thế Hùng, sau khi nhận được đơn phản ánh của người dân, UBND H.Phong Điền đã mời nhà thầu, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải và người dân đối thoại để tìm phương án giải quyết. Đa số người dân yêu cầu phải giám định thiệt hại để bồi thường.
Về việc thi công gây rạn nứt nhà dân, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Trùng Phương Trần Văn Thịnh cho biết đã đề nghị đơn vị bảo hiểm là Tổng công ty bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội tiến hành giám định để làm cơ sở đền bù thiệt hại cho dân. Phía bảo hiểm cũng đã mời một đơn vị giám định độc lập và đang tiến hành giám định thiệt hại. "Do yêu cầu chất lượng chúng tôi phải sử dụng công nghệ thi công tiên tiến nên việc thi công dẫn đến rạn nứt nhà dân là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, công trình đã được mua bảo hiểm nên việc đền bù này sẽ do bảo hiểm chi trả", vị này nói.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND xã Tam Anh Bắc (H.Núi Thành) Trương Văn Trung cho hay: “Nhiều hộ dân vì quá bức xúc đã ngăn cản không cho thi công. Mỗi lần như vậy, chúng tôi lại đến hiện trường vận động người dân mới thông. Bảo hiểm công trình cũng đã phối hợp với chủ đầu tư kiểm kê số nhà bị nứt. Tuy nhiên, đến nay người dân vẫn chưa nhận tiền đền bù. Chúng tôi chỉ mong muốn, chủ đầu tư đã kiểm kê cần cam kết, sớm chi trả để người dân an tâm”.
Liên quan đến vấn đề này, UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu các chủ đầu tư dự án BOT đề nghị đơn vị bảo hiểm công trình bố trí một bộ phận có mặt thường xuyên ở các xã liên quan để phối hợp kiểm tra, giải quyết kịp thời các kiến nghị.
Sẽ xử lý nhà thầu vi phạm Trả lời Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết để đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình thi công QL1 và QL14, Bộ GTVT đã có chỉ thị ngay từ đầu, tách ra 3 gói thầu yêu cầu các nhà thầu phải thực hiện: gói đảm bảo an toàn giao thông; gói nâng cấp, sửa chữa đường trong thi công và gói tuyên truyền nhân dân chấp hành an toàn giao thông trong quá trình thi công. Các nhà thầu không được phép thi công cùng lúc hai bên đường, nhà thầu nào làm sai phải chịu trách nhiệm. “Vừa rồi có một số nhà thầu vi phạm như đoạn QL1 qua Quảng Ngãi, Quảng Nam... do thi công hai bên đường cùng lúc, Bộ đã xử lý hành chính và yêu cầu khắc phục ngay”, ông Trường cho biết. Theo ông Trường, toàn tuyến QL1 từ Thanh Hóa - Cần Thơ và QL14, Bộ đã phát băng an toàn thi công mẫu để nhà thầu chiếu cho công nhân xem, bắt buộc thực hiện. “Đâu đó quá trình thi công một số đoạn tuyến vẫn có nhà thầu không thực hiện nghiêm, gây bức xúc cho người dân. Người dân có thể phản ánh lên Bộ GTVT, Bộ sẽ nắm bắt và xử lý các nhà thầu vi phạm, yêu cầu nhà thầu đền bù nếu để xảy ra tổn thất do quá trình thi công”, ông Trường khẳng định. Mai Hà |
B.N.Long - Đình Toàn - Hoàng Sơn
>> Giải tỏa, đền bù đừng để người có nhà thành vô gia cư
>> Điều tra sai phạm trong giải tỏa, đền bù kênh Ba Bò
>> Công trình cầu Thủ Thiêm còn vướng giải tỏa đền bù
>> Chuyện quy hoạch, giải tỏa đền bù vẫn "nóng
>> Theo chân các đoàn kiểm tra việc thực hiện Luật Đất đai - TP.HCM: Nóng bỏng chuyện giải tỏa, đền bù ở dự án Khu công nghệ cao
>> Đồng Nai: Dân bức xúc chuyện giải tỏa, đền bù
Bình luận (0)