Nỗ lực phát triển cá nhân tạo
Tờ Nikkei Asia ngày 6.11 đưa tin công ty thủy sản Nhật Bản Maruha Nichiro đang nỗ lực thương mại hóa cá được phát triển trong phòng thí nghiệm từ năm 2027 bằng cách hợp tác với công ty khởi nghiệp Singapore Umami Biowork. Các nhà nghiên cứu của 2 công ty cũng đang tìm giải pháp sản xuất các sản phẩm có hình dạng như phi lê bằng máy in 3D. Theo kế hoạch, loại sản phẩm này được tạo ra bằng cách trộn protein đậu nành và các thành phần khác để làm chất kết dính.
Theo quy trình, thịt cá nhân tạo được làm ra bằng cách lấy tế bào từ cá thật, và sau đó nuôi cấy trong điều kiện đặc biệt ở phòng thí nghiệm. Kế đến, trí tuệ nhân tạo sẽ được sử dụng để tính toán các điều kiện tối ưu, chẳng hạn như tỷ lệ chất dinh dưỡng và nhiệt độ, nhằm tăng số lượng tế bào một cách hiệu quả. Maruha Nichiro và Umami Biowork đặt kỳ vọng sẽ sản xuất được sản phẩm chả cá cho Nhật Bản và các thị trường khác với chi phí phải chăng.
Diễn biến trên chỉ là một phần của bức tranh cạnh tranh lớn hơn trong lĩnh vực phát triển thực phẩm nhân tạo. Các loại thịt cá nuôi cấy trong phòng thí nghiệm ngày càng trở nên phổ biến ở châu Âu, Mỹ và Đông Nam Á. Trước đó, theo Hãng tin AP, thịt gà nuôi cấy đã được cấp phép bán ở Singapore, Mỹ và đã có mặt tại các nhà hàng. Loại thịt này được làm bằng cách lấy tế bào gà và kết hợp chúng với nước dùng chứa a xít amin, a xít béo, đường, muối, vitamin và các yếu tố khác mà tế bào cần cho sự phát triển.
Trong khi đó, theo trang Food Engineering, Công ty BioCraft Pet Nutrition (Mỹ) vào tháng trước cũng thông báo các loại thịt được nuôi trồng của công ty này đã cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho chó, mèo. Loại thực phẩm này không có chất hóa học độc hại, kháng sinh... và ít có khả năng mang mầm bệnh. Quy trình sản xuất còn đảm bảo các loại thịt giữ lại được các loại protein, vitamin, chất béo và a xít amin cần thiết như taurine, vốn thường bị mất đi khi nấu ở nhiệt độ cao.
Ngoài ra, công nghệ mới cũng nhằm giảm thiểu nguy cơ đối với sức khỏe người tiêu dùng, bởi động vật trong các trang trại thường được nuôi lớn bằng chế độ ăn chứa nhiều kháng sinh - tác nhân chính gây ra tình trạng kháng kháng sinh ở người và vật nuôi. Theo tờ Newsweek, việc nhốt động vật trong điều kiện chật hẹp để giết mổ lấy thịt góp phần gây ô nhiễm không khí và nước, nạn phá rừng, sa mạc hóa và tạo ra các vùng biển chết.
Còn nhiều thách thức
Việc sản xuất thịt cá thông qua công nghệ nuôi cấy tế bào mang lại lợi ích về mặt đạo đức và kỹ thuật. Trang Medical Life Sciences nhận định điều này sẽ giúp tránh được sự ngược đãi đối với động vật. Hơn nữa, quy trình sản xuất bằng các biện pháp xử lý sinh học được kiểm soát luôn mang lại loại thịt hoàn hảo và có chất lượng đồng đều do xuất phát từ cùng một loại tế bào trong suốt quá trình sản xuất.
Dù vậy, chi phí sản xuất sản phẩm thay thế này đã tạo ra rào cản đối với hầu hết người tiêu dùng. Dù giá thành của một số loại thịt cá nhân tạo đã được kéo giảm nhờ công nghệ phát triển, cộng thêm sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp mới, giá thành hiện tại vẫn tương đối cao so với những người có điều kiện không mấy dư giả. AP dẫn lời ông Ricardo San Martin, Giám đốc Phòng thí nghiệm Alt: Meat Lab thuộc Đại học California (Mỹ), nói ông lo ngại rằng thịt nuôi cấy có thể chỉ dành cho người giàu và điều này sẽ không gây ra nhiều thay đổi lớn cho cộng đồng.
Hơn nữa, những thách thức còn nằm ở quy định và nhu cầu đầu tư chưa thực sự cao. Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng không thực sự chặt chẽ và thói quen tiêu dùng thịt đang thay đổi trên toàn cầu cũng đang cản trở việc phát triển thịt nuôi trong phòng thí nghiệm ở quy mô rộng rãi hơn. Một vấn đề khác đặt ra là các nhà sản xuất vẫn chưa thể đảm bảo thành phẩm trông giống và có mùi vị như các sản phẩm bánh hamburger, bít tết hoặc sushi làm từ động vật "thật" với mức giá cạnh tranh. Đây là điều mà nhiều người mong đợi hơn cả.
Bình luận (0)