Cứu tinh của trẻ không có khai sinh

Như Lịch
Như Lịch
14/12/2019 07:21 GMT+7

Bị xe tông gãy tay, cô bé Ngô Hoàng Thúy Vy (5 tuổi, ngụ H.Bình Chánh, TP.HCM) phải nằm viện điều trị. Nhà nghèo, Vy không có bảo hiểm y tế do không làm được giấy khai sinh.

Trong tình cảnh ngặt nghèo ấy, phép màu đã xuất hiện...

“Người dưng” đi làm khai sinh cho trẻ

Khoe với chúng tôi tờ giấy khai sinh mới toanh của Thúy Vy, bà Trần Thị Tý (bà nội bé Vy) cho biết hơn hai năm qua, gia đình bà “gõ cửa” nhiều nơi nhưng bế tắc trong việc làm giấy khai sinh cho Vy. Vướng mắc ở chỗ mẹ Vy bỏ nhà đi từ lúc Vy hơn 1 tuổi, mang theo cả giấy chứng sinh của con. Thêm vào đó, ba mẹ Vy không đăng ký kết hôn, ba Vy mất giấy chứng minh nhân dân (chỉ còn bản photo)…
Gia cảnh bé Vy túng thiếu, bà nội già yếu, ba sửa xe bữa đực bữa cái. Vy đi học mầm non không thể đóng tiền nguyên tháng, mà chỉ có thể đóng từng ngày (50.000 đồng/ngày, hôm nào không có tiền thì nghỉ học). Vy hay đau bệnh nhưng không có bảo hiểm y tế. Gần đây, bé bị tai nạn giao thông, gãy tay nên phải điều trị khá dài ngày. Lo không thể đóng viện phí, bà Tý cầu cứu những nhân viên công tác xã hội.
Bà Tý cảm kích: “Chú Đạt vào bệnh viện thăm bé Vy. Chú làm thủ tục xét nghiệm ADN cho Vy và cha bé, tức là con trai tui. Chi phí làm ADN chú Đạt lo liệu hết. Đặc biệt, chú trực tiếp đứng tên làm khai sinh cho bé Vy, nhờ vậy nó mới nhanh chóng có tờ giấy này”.
Ngày 24.10.2019, Thúy Vy được cấp giấy khai sinh sau 5 năm chào đời. Trong tờ giấy đó, tôi thấy ngoài họ tên người cha (Ngô Hoàng Vũ), còn hiển thị họ tên người đi khai sinh là Huỳnh Tấn Đạt.
“Chú Đạt” là ai? Đó là tiến sĩ Huỳnh Tấn Đạt, Phó giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý TP.HCM. Ông Đạt chia sẻ: “Một số trường hợp đặc biệt khó khăn như trên, tôi phải bảo lãnh, thậm chí đứng tên trong giấy khai sinh. Có những người không hiểu, cứ tưởng tôi làm vậy để hưởng lợi lộc gì đó”.
Tham gia dự án Trang mới cuộc đời, chị Nguyệt Đình Khôi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Từ thiện Y Tâm, kể một số chuyện éo le khi làm giấy khai sinh cho trẻ. Bên cạnh trường hợp như bé Thúy Vy, có những sản phụ ngày trước trốn viện nên đứa trẻ không có giấy chứng sinh, hoặc thông tin trên giấy chứng sinh không khớp với giấy tờ tùy thân khác… “Có những hôm anh Đạt phải lặn lội về tỉnh xác minh, hay chờ đợi mòn mỏi trong bệnh viện để nhờ trích lục giấy chứng sinh. Tôi nể phục anh Đạt vì anh rất tâm huyết, cố gắng hết sức giúp trẻ em và những người thiệt thòi có được “tấm hộ chiếu” vào đời”, chị Nguyệt Đình Khôi bày tỏ.
Cứu tinh của trẻ không có khai sinh1

Bà cháu bé Thúy Vy vui mừng với giấy khai sinh của bé

Cùng dắt trẻ ra khỏi thân phận vô hình

Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD), cho biết: Vào năm 2014, bà rất xúc động khi nghe những đứa trẻ không có giấy khai sinh tự nhận “Chúng con là người vô hình!”. Câu nói đó là động lực ra đời của dự án Trang mới cuộc đời - Thúc đẩy quyền được khai sinh cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại TP.HCM, do MSD và Trung tâm trợ giúp pháp lý TP.HCM thực hiện.

Từ năm 2014 đến tháng 5.2019, dự án đã giúp 55 trẻ có giấy khai sinh. Điều đáng nói, từ tháng 6.2019 đến nay, với sự tham gia của nhiều bên liên quan, nhất là các mái ấm, nhà mở, số trẻ được làm giấy khai sinh là 55 ca, bằng con số cả giai đoạn trước thực hiện (như vậy đến nay dự án đã giúp tổng cộng 110 trường hợp có được giấy khai sinh). Hiện dự án tiếp nhận, giải quyết 70 - 80 ca. Một số trường hợp đặc biệt khó khăn, dự án còn hỗ trợ tài chính: công chứng giấy tờ, chi phí đi lại xác minh, xét nghiệm ADN…

“Hằng ngày, ở đâu đó xung quanh chúng ta vẫn có những đứa trẻ tồn tại mà không hề có bất kỳ giấy tờ tùy thân nào. Thiếu giấy khai sinh, trẻ không thể đến trường, không được hưởng các chính sách bảo hiểm, y tế và các chính sách phúc lợi khác. Dự án Trang mới cuộc đời ra đời với mong muốn hỗ trợ để các em được công nhận và hưởng những quyền lợi của một công dân thực thụ”, Viện trưởng MSD tâm tình.
Tại buổi Truyền thông và tư vấn pháp lý lưu động “Trang mới cuộc đời - Khai sinh tương lai cho em” diễn ra ngày 8.12 tại Trường tình thương Thiên Ân, ông Nguyễn Triều Lưu, Trưởng phòng Hộ tịch (Sở Tư pháp TP.HCM), nhấn mạnh: “Mọi trẻ em dù sinh ra ở đâu, dù trong hoàn cảnh nào, cũng đều được quyền có giấy khai sinh. Đây là trách nhiệm của không chỉ các cơ quan nhà nước mà của mỗi bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ. Sở Tư pháp TP.HCM nói riêng và các cơ quan tư pháp nói chung sẽ cùng với các tổ chức xã hội hỗ trợ pháp lý cho các gia đình làm giấy khai sinh và các giấy tờ tùy thân khác”.
Dự án Trang mới cuộc đời được Trung tâm trợ giúp pháp lý TP.HCM, MSD và nhóm Trang mới cuộc đời phối hợp thực hiện từ 1.6.2019 đến 31.5.2020, với sự hỗ trợ tài chính từ Quỹ thúc đẩy sáng kiến tư pháp (JIFF) - một hợp phần của dự án ODA “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam - EU JULE” do Liên minh Châu Âu tài trợ. Liên hệ làm giấy khai sinh cho trẻ tại: Trung tâm trợ giúp pháp lý TP.HCM, số 470 Nguyễn Tri Phương, Q.10, TP.HCM (điện thoại 02835079534) hoặc nhóm “Trang mới cuộc đời”: Tổ chức Y Tâm, mái ấm Hoa Mẫu Đơn, Truyền Tin, Niềm Tin, Trường tình thương Thiên Ân, Cơ sở bảo trợ xã hội Thảo Đàn…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.