Tính đến hôm nay 31.12, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã kéo dài hơn 310 ngày mà vẫn chưa có dấu hiệu sẽ kết thúc. Giới lãnh đạo Ukraine đang lập luận rằng tên lửa tầm xa và xe tăng chiến đấu hiện đại mà phương Tây có thể cung cấp là cách duy nhất để đánh bật các vị trí cố thủ của lực lượng Nga và chấm dứt cuộc xung đột. Trong khi đó, giới chức Mỹ vẫn đang tranh luận về tính hiệu quả của những loại vũ khí đó trong diễn biến sắp đến của cuộc xung đột, cũng như câu hỏi liệu việc chuyển giao như vậy có kích động Nga leo thang cuộc xung đột đến mức nguy hiểm hơn hay không, theo tờ Politico ngày 29.12.
Đã chuyển giao Javelin, HIMARS rồi Patriot, Mỹ sẽ còn gửi gì cho Kyiv? |
Ưu tiên của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vẫn là muốn có thêm nhiều súng, đạn dược và thiết bị để chống lại lực lượng Nga. Ông đã lặp lại đề nghị cung cấp những loại vũ khí tinh vi hơn trong chuyến thăm bất ngờ tới Washington D.C vào ngày 21.12. Tuy Tổng thống Joe Biden vẫn không chấp nhận một số yêu cầu về xe tăng, máy bay chiến đấu và tên lửa tầm xa, ngay trước khi Tổng thống Zelensky đến Washington D.C, Washington công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 1,85 tỉ USD. Theo đó, Washington sẽ sớm gửi một khẩu đội phòng không Patriot và bom chính xác mới. Chỉ mới cách đây vài tuần, khả năng chuyển giao hai loại vũ khí này cho Kyiv đều được xem là gần như không thể.
Hệ thống Patriot trong một lần thử nghiệm |
Lục Quân Mỹ |
Mỹ thay đổi lằn ranh đỏ nhiều lần?
Dòng vũ khí ồ ạt đổ vào Ukraine trong 10 tháng qua đã đánh dấu một sự thay đổi đáng kể so với cách tiếp cận trước đây của Washington đối với Kyiv. Ngay cả sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014, chính quyền Tổng thống Barack Obama khi đó đã từ chối cung cấp vũ khí tấn công cho Ukraine, thay vào đó cung cấp các chương trình huấn luyện và thiết bị không gây tranh cãi. Mãi cho đến thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, Lầu Năm Góc mới đồng ý gửi vũ khí chống tăng Javelin cho Ukraine, nhưng sau đó còn quy định rằng Javelin phải được cất giữ ở phía tây của Ukraine, cách xa tiền tuyến.
Bằng cách nào máy bay của Ukraine có thể tích hợp vũ khí của Mỹ |
Khi đề cập vũ khí, lằn ranh đỏ của Washington đã thay đổi nhiều lần kể từ khi Nga bắt đầu tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24.2, theo Politico. Trong khoảng thời gian một tuần vào tháng 3, Mỹ và NATO đã chuyển hơn 17.000 Javelin đến Ukraine. Đến mùa xuân (từ tháng 3-5), chính quyền Tổng thống Biden bắt đầu cung cấp lựu pháo 155 mm cho Kyiv. Sau đó, vào tháng 6, Lầu Năm Góc thông báo sẽ gửi Hệ thống rốc két pháo binh cơ động cao (HIMARS) M142 cho Kyiv.
HIMARS trong một lần khai hỏa ở Ukraine |
REuters |
Và mới đây, việc Washington thông báo sẽ sớm chuyển giao cho Ukraine khẩu đội Patriot và bom thông minh có thể cho thấy những thay đổi chính sách tiềm năng hơn nữa vào năm 2023 khi tất cả các bên tìm cách chấm dứt cuộc xung đột Nga-Ukraine, theo Politico.
Tổng thống Zelensky và các cố vấn hàng đầu của ông đã vạch ra một tầm nhìn là giành lại hoàn toàn tất cả các vùng đất bị lực lượng Nga kiểm soát kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự vào ngày 24.2, và cả bán đảo Crimea. Trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Biden tại Nhà Trắng vào ngày 21.12, Tổng thống Zelensky đã mô tả một nền hòa bình công bằng là “không thỏa hiệp đối với chủ quyền, tự do và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước tôi”. Tổng thống Biden đã nhanh chóng đồng tình với ý kiến đó, nhấn mạnh: “Tôi nghĩ chúng ta có chung tầm nhìn”. Trong khi đó, Tổng thống Vladimir Putin đã nói rằng sẽ không có bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào với Ukraine nếu điều đó có nghĩa là Nga sẽ phải nhượng bộ lãnh thổ đã sáp nhập từ Ukraine từ năm 2014.
5 vũ khí chính trong gói viện trợ quân sự mới của Mỹ cho Ukraine |
“Chúng ta phải chuẩn bị cho thực tế là Tổng thống Putin và giới lãnh đạo cao nhất ở Điện Kremlin không có dấu hiệu giảm bớt mục tiêu chiến tranh ban đầu của họ dựa trên thực tế hiện nay”, Đại sứ Mỹ tại Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu Michael Carpenter nhấn mạnh.
Patriot hay ATACMS không quan trọng bằng huấn luyện?
Hiện nay, các lực lượng Ukraine đang tập trung cố gắng có thêm những bước tiến trên chiến trường ngay cả khi đã vào mùa đông, thời tiết đã lạnh đi nhiều. Ông Oleksandr Danylyuk, cựu thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh quốc gia Ukraine, cho hay: “Tôi nghĩ chiến thắng trong cuộc chiến này cần phải là đảm bảo một tình hình ổn định, bền vững. Chỉ đàm phán hòa bình và ngừng giao tranh thì không phải là kết thúc chiến tranh. Người dân sẽ không chấp nhận tình trạng đó… Tôi nghĩ kỳ vọng là khôi phục lại tất cả các lãnh thổ của chúng tôi”. Nếu Ukraine tiếp tục kiên quyết cho rằng phải giành lại được Crimea mới coi là kết thúc chiến tranh, cuộc chiến có thể phải kéo dài trong nhiều năm, miễn là cả hai bên còn đủ sức và ý chí chiến đấu, theo Politico.
Ngoại trưởng Nga Lavrov: Mỹ xác nhận không cử binh sĩ đến Ukraine giúp vận hành Patriot |
Các lực lượng hai bên đang đối đầu từ hai bờ sông Dnipro, sau khi Nga rút quân khỏi thành phố Kherson ở miền nam trong tháng 11. Để có thể tiến lên, quân đội Ukraine phải băng qua sông và giành lại lãnh thổ ở phía bên kia, tương đương một cuộc đổ bộ khó khăn như cuộc đổ bộ lên bờ biển Normandy trong Thế chiến 2, theo trung tướng nghỉ hưu Mark Hertling, cựu tướng chỉ huy của quân đội Mỹ ở châu Âu.
Tuy nhiên, không bên nào được cho là có thể tiến hành một cuộc phản công lớn trên bộ trong tương lai gần, vì điều kiện thời tiết lầy lội hạn chế việc di chuyển cho đến khi mặt đất đóng băng hoàn toàn vào tháng 2.2023. Cho đến lúc đó, Ukraine và Nga tiếp tục tiến hành các trận chiến nhỏ hơn trên các chiến tuyến ở miền nam và miền đông.
Ngoài ra, Politico dẫn một nguồn thạo tin tiết lộ các lực lượng Nga đã di chuyển các nút chỉ huy và kiểm soát cũng như kho vũ khí ra khỏi tầm bắn khoảng 130 km của các khẩu đội HIMARS đến các điểm xa hơn về phía nam ở Crimea. Việc di chuyển đó đã làm giảm hiệu quả của một số loại vũ khí mà phương Tây cung cấp cho Ukraine. Kyiv càng có lý do để kêu gọi Mỹ cung cấp tên lửa tên lửa tầm xa ATACMS có tầm bắn đến hơn 305 km.
Tên lửa ATACMS được phóng trong một cuộc tập trận ở Hàn Quốc |
AFP |
Trung tướng nghỉ hưu Ben Hodges, cựu chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu, lập luận rằng tên lửa ATACMS “chính là những gì Ukraine cần” hiện nay. Các loại vũ khí tầm xa hơn sẽ cho phép Ukraine tấn công các vị trí quan trọng của Nga như cầu Kerch, các căn cứ không quân của Nga trên Crimea và các đường dây liên lạc. Tuy nhiên, Nhà Trắng đã thẳng thừng từ chối cung cấp ATACMS cho Kyiv vì cho rằng loại vũ khí này có nguy cơ gây leo thang quá cao.
Các chuyên gia lập luận những loại vũ khí tinh vi hơn như hệ thống Patriot và ATACMS không quan trọng bằng việc huấn luyện, hậu cần và chiến thuật hiệu quả đối với cuộc chiến sắp tới. Trong đó, trung tướng Mỹ nghỉ hưu Mark Hertling cho rằng Patriot sẽ không đủ để bảo vệ toàn bộ mặt trận dài 500 km của Ukraine, đồng thời nhấn mạnh Patriot, vốn là hệ thống tên lửa tầm cao, phải được sử dụng kết hợp với hệ thống phòng không tầm trung và tầm thấp. Ông Hertling còn cho biết một chương trình huấn luyện mới mà Lầu Năm Góc công bố gần đây sẽ hướng dẫn cho các binh sĩ Ukraine những chiến thuật mới để điều động bộ binh với sự hỗ trợ của pháo binh, và đó sẽ là chìa khóa cho một cuộc vượt sông thành công, theo Politico.
Bình luận (0)