Đà Nẵng thu hút đầu tư: Khu công nghệ cao 'cần cải cách mạnh mẽ hơn'

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
18/06/2019 10:00 GMT+7

Theo ông Nguyễn Xuân Đại (Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng), cần có những cải cách mạnh mẽ hơn.

Để nâng cao Bộ chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp sở, ban, ngành và địa phương thuộc tỉnh DDCI, theo ông Nguyễn Xuân Đại (Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng), đã đến lúc cần có những cải cách mạnh mẽ hơn.
Trước bối cảnh hội nhập, yêu cầu ngày càng khắt khe hơn từ cộng đồng doanh nghiệp (DN), đồng thời thực hiện nâng cao DDCI, Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng (gọi tắt là BQL) cần có những cải cách mạnh mẽ hơn, hướng tới hình ảnh của một cơ quan phục vụ tốt nhất.

Đề xuất 8 nội dung đổi mới

Để đạt được mục tiêu nâng cao chỉ số DDCI, cần thực hiện 8 nội dung. Về thể chế, phải luật hóa những quy định của pháp luật thành những quy trình, thủ tục cụ thể; đề xuất kiến nghị sửa đổi bổ sung những quy định chưa rõ ràng, chồng chéo như giữa pháp luật về đầu tư với các pháp luật chuyên ngành, quy chế khu công nghệ cao (CNC), công nhận doanh nghiệp (DN) chế xuất… Về đầu tư, cần tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng 3 khu công nghiệp (KCN) mới; công bố quỹ đất sử dụng không hiệu quả qua rà soát tại các KCN. Thứ ba, công khai trên website BQL về quy hoạch khu CNC, từng KCN; giá thuê đất; tiền sử dụng hạ tầng khu CNC; phí sử dụng hạ tầng các KCN; tiền bồi hoàn giải phóng mặt bằng khu CNC; phí xử lý nước thải; quy trình đầu tư; quy trình giải quyết các thủ tục hành chính; các thủ tục hành chính; hướng dẫn triển khai các thủ tục đầu tư sau cấp phép.
Năm nội dung cần cải cách kế tiếp bao gồm: Tiếp tục rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, nâng tỷ lệ áp dụng thủ tục hành chính trực tuyến và tiến đến 100% thực hiện trực tuyến; nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dự án đầu tư, quản lý thông tin về giải quyết thủ tục hành chính, có công cụ tương tác với DN, nhà đầu tư. Đồng thời, thường xuyên gặp mặt, đối thoại với DN theo kế hoạch và đột xuất, làm rõ và trả lời kết quả giải quyết khó khăn vướng mắc của DN với tinh thần đồng hành cùng DN. Việc đa dạng hóa các tài liệu, công cụ xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh hoạt động quảng bá Đà Nẵng, khu CNC và các KCN và xây dựng, phát triển đội ngũ công chức chuyên nghiệp, năng động, coi DN là đối tương để phục vụ... là 2 gợi ý cuối cùng trong nhóm 8 nội dung đề xuất.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã trở thành thước đo đánh giá giữa các địa phương về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển DN. Từ đó, thúc đẩy những thay đổi sát với thực tiễn, yêu cầu cụ thể của từng chính quyền địa phương để tạo nên một môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh… Tương tự như vậy, DDCI là thước đo đánh giá giữa các sở, ban, ngành và địa phương của TP.Đà Nẵng. Việc thực hiện và duy trì tốt DDCI sẽ nâng cao vai trò quản lý nhà nước của BQL đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

7 dự án đầu tư nước ngoài vào khu CNC

Khu CNC tại TP.Đà Nẵng được quy hoạch 1.128 ha, cùng với 6 KCN hơn 1.066 ha. Đồng thời, quy hoạch xây dựng 3 KCN mới, gồm Hòa Cầm - giai đoạn 2 (119 ha), Hòa Nhơn (393,57 ha), Hòa Ninh (400 ha); dự kiến đến quý 2.2020 lựa chọn xong nhà đầu tư để đầu tư kinh doanh hạ tầng các KCN mới này.
Hiện khu CNC đã thu hút 16 dự án, tổng vốn đầu tư 560 triệu USD; trong đó có 7 dự án đầu tư nước ngoài (256 triệu USD), 9 dự án đầu tư trong nước (5.272 tỉ đồng). Các KCN cũng thu hút 462 dự án; trong đó 120 dự án FDI (tổng vốn đầu tư là 1.161 triệu USD), 342 dự án trong nước (19.134 tỉ đồng).
Hoàng Sơn 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.