Ngày 15.8, Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.Đà Nẵng (gọi tắt BQL) cho biết, bãi đỗ xe (BĐX) 255 Phan Châu Trinh đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1, chuẩn bị đưa vào hoạt động trong tháng 9. Nơi đây vốn là nhà công sản, UBND TP thu hồi và chi gần 28 tỉ đồng đầu tư giai đoạn 1, trở thành BĐX thông minh đầu tiên của TP.Đà Nẵng. Khu đất rộng hơn 1.000m2, quy hoạch BĐX 5 tầng, 2 block với kết cấu thép lắp ghép với 50 chỗ giữ ô tô dưới 7 chỗ…
|
Theo BQL, BĐX đưa ô tô lên các tầng bằng hệ nâng, xếp hình, mức đầu tư khá cao (khoảng 300 triệu đồng/vị trí) từ công nghệ Nhật Bản. TP.Đà Nẵng kỳ vọng công trình này sẽ gợi mở các giải pháp về đầu tư BĐX. Tuy nhiên, đến giai đoạn 2, Sở GT-VT dự định xã hội hóa (với 3 block 5 tầng cho 75 ô tô), bước đầu nhà đầu tư lại không “mặn mà” vì giá thuê đất trung tâm cao, nếu không được hỗ trợ khó thu hồi vốn. Đây là lý do khiến Sở GT-VT đề xuất sử dụng ngân sách đầu tư BĐX xe ở địa chỉ 172 Nguyễn Chí Thanh để giải quyết nhu cầu bức thiết trước mắt.
Chính sách linh hoạt
Vậy TP.Đà Nẵng sẽ “gỡ nút thắt” bằng cách nào?
Theo báo cáo của Ban Đô thị HĐND TP.Đà Nẵng, nguyên nhân BĐX chậm thu hút đầu tư là do loại hình này không nằm trong danh mục công trình ưu tiên, TP chưa xây dựng được cơ chế riêng thu hút đầu tư PPP. Đơn cử, TP.Hà Nội căn cứ Luật Thủ đô và có cơ chế kêu gọi riêng, trong khi Đà Nẵng không thể giao đất cho nhà đầu tư mà phải đấu thầu, đấu giá.
Trong khi chờ cơ chế từ T.Ư, TP.Đà Nẵng chủ động gỡ khó trong phạm vi địa phương. Từ cuối năm 2018, TP đã “chia nhỏ” 6 dự án BĐX để giảm quy mô, qua đó dễ kêu gọi đầu tư. Địa phương cũng chủ động làm việc với các doanh nghiệp, lập thủ tục phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng song song lấy ý kiến người địa phương, mở rộng phạm vi lấy ý kiến toàn địa bàn quận nơi có dự án.
Bên cạnh đó, UBND TP cũng thống nhất hỗ trợ để khuyến khích nhà đầu tư BĐX như điều chỉnh mức giá trần giữ xe theo hướng phù hợp thời gian, thời điểm giữ và theo khu vực, quy mô từng dự án. Nhà đầu tư cũng được xây dựng giá dịch vụ giữ xe trình TP. Đồng thời, hỗ trợ giá trị cho thuê đất từ ngân sách, chi phí thuê đất được tính vào tổng mức đầu tư dự án nhưng không được xem là một tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án. TP cũng cam kết sẽ thu hồi đất dự án “treo” nhiều năm, nợ tiền sử dụng đất để xác định một phần diện tích (300-500m2) bổ sung vào quỹ đất giao thông tĩnh. Chưa kể, khuyến khích người dân, doanh nghiệp có đất tự xây BĐX.
Đặc biệt, nhà đầu tư được khai thác dịch vụ phụ trợ, tiện ích khác theo quy định pháp luật và với tỷ lệ phù hợp theo nguyên tắc đảm bảo không thay đổi mục tiêu đầu tư, chức năng BĐX và công suất khai thác. Điều này kỳ vọng giúp nhà đầu tư cân đối tài chính, giải bài toán đầu tư lớn nhưng thu “tiền lẻ” nếu chỉ cho giữ xe như lâu nay.
Nhà đầu tư có tâm lý “chờ” luật mớiTheo Sở GT-VT TP.Đà Nẵng, việc kêu gọi đầu tư BĐX thông minh khó khả thi do vốn lớn, thu nhỏ lẻ, thời gian thu hồi vốn dài. Nếu không miễn tiền thuê đất, không kinh doanh (chỉ thu phí giữ xe) thì thời gian hoàn vốn kéo dài 25-30 năm.
Đáng chú ý, vướng mắc còn do chưa thống nhất giữa các văn bản pháp luật tạo hành lang pháp lý hỗ trợ ưu đãi đầu tư BĐX. Chủ trương đầu tư hình thức PPP nhiều thay đổi, không ổn định, 3 năm đã 2 lần thay đổi (từ Nghị định 15/2015/NĐ-CP đến Nghị định 63/2018/NĐ-CP); hiện cũng chưa có Thông tư hướng dẫn Nghị định 63/2018/NĐ-CP. Bộ KH-ĐT đang dự thảo Luật PPP nên nhà đầu tư có tâm lý chờ Luật ban hành mới đầu tư.
|
6 gói bãi đỗ xe đang kêu gọi đầu tư- BĐX 166 Hải Phòng
- A2 Nguyễn Văn Linh
- gói BĐX trung tâm (10 Lý Thường Kiệt, 19 Lê Hồng Phong, cầu Nguyễn Văn Trỗi, 92 Điện Biên Phủ)
- gói BĐX Q.Sơn Trà (A1.1 gồm Đông Nam Phạm Văn Đồng - Ngô Quyền, A1.2 gồm Đông Bắc Dương Đình Nghệ - Ngô Quyền, Đông Kinh Nghĩa Thục (An Cư 4), A16 (Võ Văn Kiệt)
- gói BĐXQ.Ngũ Hành Sơn (Tây nam Võ Nguyễn Giáp - Phan Tứ, Tây Võ Nguyên Giáp - Nam Hồ Xuân Hương
- giai đoạn 2 BĐX 255 Phan Châu Trinh.
|
Bình luận (0)