(TNO) Chiều nay 10.1, ngày xét xử thứ 5, phiên tòa xét xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm tiếp tục với phần thẩm vấn của các luật sư.
>> Đại án Huyền Như lừa đảo: Luật sư đòi triệu tập chủ tịch HĐQT Vietinbank
>> Đại án Huyền Như lừa đảo: Nhiều câu hỏi dành cho Vietinbank chưa có câu trả lời
>> Đại án Huyền Như lừa đảo: Đưa chị gái bán hột vịt lộn lên làm giám đốc
>> Đại án' Huyền Như lừa đảo: Choáng với số tiền bị Huyền Như chiếm đoạt
>> Đại án Huyền Như lừa đảo: Nhất loạt đổ tội cho Huyền Như
>> Đại án Huyền Như lừa đảo: Chi triệu đô làm thẻ xanh đi Mỹ
|
ACB cũng là nạn nhân của Huyền Như?
Trong vụ việc lừa đảo chiếm đoạt 718 tỉ đồng của Ngân hàng ACB, cáo trạng thể hiện như sau: Thông qua Huỳnh Bảo Ngọc, Phó phòng quản lý quỹ và Huỳnh Thị Ngọc Ánh, Phó phòng kế toán Ngân hàng ACB, Như tiếp cận được nguồn tiền của ACB.
Từ 8.10.2010 - 27.9.2011, Như huy động thông qua 21 nhân viên của Ngân hàng ACB số tiền 1.101 tỉ đồng, đến nay đã quyết toán 382 tỉ đồng. Trong số 21 nhân viên đứng tên trên hợp đồng tiền gửi giùm ACB, có 17 trường hợp, Như đề xuất lãnh đạo Vietinbank chi nhánh TP.HCM ký 32 hợp đồng. Sau đó, theo yêu cầu của Như, 17 người này đã chuyển tiền vào tài khoản mở tại Vietinbank. Như giao các hợp đồng đã ký cho các cá nhân này.
Trong phần trả lời với Hội đồng xét xử (HĐXX) ngày đầu tiên, Như khai cách thức chiếm đoạt tiền của 17 cá nhân này là bằng cách giả chữ ký của họ để trích làm thẻ tiết kiệm. Như dùng 83 thẻ tiết kiệm và tài khoản tiết kiệm tiền gửi trị giá 533,55 tỉ đồng làm tài sản đảm bảo ký hợp đồng vay lại của chính Vietinbank qua 2 phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng và Điện Biên Phủ.
Ngoài ra, Như còn giả 16 lệnh chi, ký giả chữ ký của 9 chủ tài khoản, để chuyển tiền của các khách hàng này đi trả nợ.
Trả lời câu hỏi của luật sư Lưu Văn Tám, Huyền Như khai làm ở Vietinbank được 9 năm thì được bổ nhiệm làm Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, thuộc chi nhánh cấp 1. Luật sư Tám hỏi: “Bị cáo có trao đổi với ông Hoàng bà Hương (lãnh đạo Vietinbank chi nhánh TP.HCM lúc đó) để ký 32 hợp đồng với 17 nhân viên ACB?”. Như trả lời: “Không, bị cáo huy động dưới danh nghĩa cá nhân, trả lãi suất cao”. Luật sư hỏi tiếp: “Vậy sao bị cáo không ký hợp đồng trực tiếp với 17 cá nhân?”. Như nói: “Bị cáo không trả lời câu hỏi này”.
Luật sư Tám hỏi tiếp: “Trong cơ quan điều tra, chị khai các hợp đồng này ký đúng với pháp luật, chị thấy thế nào?”. Như đáp: “Không có ý kiến”. “Sau khi Vietinbank ký 32 hợp đồng tiền gửi, mở tài khoản cho khách hàng thì số tiền này đã chuyển tiền vào Vietinbank chưa?”, luật sư hỏi. Như trả lời: “Tôi không nhớ”.
Cũng tương tự như các luật sư khác, nhiều câu hỏi của luật sư Tám bị Huyền Như từ chối trả lời hoặc trả lời "không biết", buộc lòng luật sư phải cung cấp các chứng cứ như hợp đồng có chữ ký thật của lãnh đạo Vietinbank chi nhánh TP.HCM với ACB, sao kê chi tiết của Vietinbank đối với các trường hợp trên... để cho thấy tiền đã chuyển vào tài khoản của khách hàng mở tại Vietinbank.
|
Lúc này Như nổi cáu: “Từ khi thiết lập hợp đồng này đã có sai từ hai phía, bị cáo huy động tiền trả lãi suất cao còn đối tác gửi tiền thì cố tình lách luật, tư lợi cá nhân, nên mới có vụ án này”.
Hỏi hai ngày, trả lời trong 10 phút
Trong hai ngày xét hỏi, 29/47 luật sư tham gia thẩm vấn hầu như đều có câu hỏi dành cho Vietinbank. Ngoài luật sư chỉ hỏi 1 câu như luật sư Nguyễn Minh Tâm (bảo vệ quyền lợi cho Công ty chứng khoán Saigonbank - Berjaya), còn trung bình, các luật sư đặt ra 3, 4 câu hỏi, chủ yếu tập trung vào trách nhiệm của Vietinbank đối với thiệt hại, đối với quản lý nhân sự, đối với con người và xác định Vietinbank có bị thiệt hại gì không.
Luật sư Lưu Văn Tám, ngoài việc đặt ra danh sách 18 câu hỏi, đã hỏi xoáy vào việc Vietinbank cho vay mà tài sản đảm bảo bằng sổ tiết kiệm giả, nhưng khi đến hạn, Vietinbank lại trích tiền trong tài khoản (thật) của khách hàng để trả là có đúng quy định của Ngân hàng không? Và, nếu cán bộ, nhân viên Vitinbank có hành vi vi phạm quy định về cho vay thì phải gây hậu quả cho Vietinbank. Nếu Vietinbank không thiệt hại thì cấu thành tội vi phạm cho vay chưa hoàn thành và các nhân viên này bị truy tố oan có đúng không?...
|
Trước khi phiên tòa tạm nghỉ, đại diện Vietinbank được mời lên để trả lời các câu hỏi luật sư đặt ra.
Vị này cho biết tuy là đại diện của Vietinbank nhưng trả lời với tư cách cá nhân và trả lời theo từng nhóm câu hỏi. Sau khi đọc nguyên quyết định 1284 của Ngân hàng Nhà nước, vị này kết lại là quy định này không buộc ngân hàng có trách nhiệm quản lý tài khoản mà chỉ quy định về việc mở, sử dụng tài khoản thanh toán, tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng.
“Vietinbank không mở tài khoản để quản lý. Số dư trên tài khoản là do chủ tài khoản quản lý. Vietinbank có bị thiệt hại hay không là do cơ quan chức năng xem xét”, vị này nói.
Ngay sau đó, các luật sư đồng loạt phản ứng vì không đồng ý chuyện "trả lời với tư cách cá nhân".
“Về góc độ tố tụng, đề nghị HĐXX đánh giá lại giá trị lời khai. Đại diện Vietinbank được ủy quyền ra tòa để thay mặt cho pháp nhân mình đại diện. Chúng tôi không cần nghe ý kiến, quan điểm của cá nhân. Coi như các câu hỏi của tôi chưa được trả lời”, luật sư Nguyễn Huy Thiệp nói.
Còn luật sư Trương Thanh Đức đề nghị hoãn phiên tòa, triệu tập lãnh đạo của Vietinbank. Luật sư Nguyễn Danh Tín cũng cho rằng phần trả lời như trên của đại diện Vietinbank là chưa thỏa đáng. "Chúng tôi đặt những câu hỏi cụ thể, những trường hợp cụ thể, nhưng chưa được trả lời trực tiếp nên yêu cầu tòa cho hỏi trực tiếp đại diện Vietinbank", luật sư Tín nói.
Sau đó, vị đại diện Vietinbank đã phải “đính chính”, và tuyên bố trả lời với tư cách đại diện Vietinbank.
Phiên tòa tạm dừng khi các câu hỏi luật sư đặt ra với Vetinbank chưa có câu trả lời cụ thể. HĐXX thông báo vào ngày 13.1, phiên tòa sẽ chuyển sang phần tranh luận.
Luật sư Lưu Văn Tám đặt ra một danh sách 18 câu hỏi cho Vietinbank, chẳng hạn như việc Vietinbank huy động vốn của các tổ chức, cá nhân của ACB trong vụ án này có đúng quy định hay không? Khi ký 32 hợp đồng tiền gửi với 17 nhân viên ACB, thì ông Trương Minh Hoàng và bà Nguyễn Thị Minh Hương có được lãnh đạo Vietinbank ủy quyền (hoặc theo văn bản phân cấp thẩm quyền) ký kết các hợp đồng tiền gửi này hay không? Theo Vietinbank thì 32 hợp đồng tiền gửi này có hiệu lực pháp luật không? Vietinbank có thông báo cho khách hàng về việc có trách nhiệm theo dõi số dư tài khoản không? Trước đây, Vietinbank đã huy động nhiều khoản tiền từ nhân viên ACB và đã tất toán, các khoản tất toán này ai đã trả tiền gốc và lãi, có phải là Vietinbank trả không? Khi huy động vốn, Vietinbank có xác minh, yêu cầu khách hàng phải chứng minh nguồn gốc tiền không? Vietinbank có chủ trương trả lãi suất vượt trần không? Tại sao lãi suất vượt trần lại được chuyển vào tài khoản của các nhân viên ACB mà Vietinbank không biết?... |
Bài, ảnh: Lê Quang
>> Đại án lừa đảo: Siêu lừa Huyền Như trong vòng vây tín dụng đen
>> Sắp xét xử ‘siêu lừa’ gần 4.000 tỉ đồng Huỳnh Thị Huyền Như
>> Siêu lừa hơn 228 tỉ đồng lãnh án chung thân
>> Xét xử sơ thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như: Hàng loạt câu hỏi chất vấn Vietinbank
Bình luận (0)