“Covid-19 đang đe dọa toàn nhân loại, vì vậy toàn nhân loại phải đấu tranh chống lại dịch bệnh này. Chúng ta phải giúp đỡ hàng triệu người đặc biệt dễ bị tổn thương, ít khả năng tự bảo vệ mình. Đây là vấn đề đoàn kết nhân loại cơ bản”, Tổng thư ký Antonio Guterres phát đi thông điệp trên trang web chính thức của LHQ.
“Mặt trận thống nhất” chống đại dịch
Tối qua 26.3, nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến đầu tiên trong lịch sử để bàn giải pháp ứng phó đại dịch Covid-19. Cuộc họp đặc biệt cả về hình thức lẫn nội dung này do Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saud của Ả Rập Xê Út, đang giữ ghế Chủ tịch luân phiên G20, chủ trì. Lãnh đạo các nước đối tác cùng các tổ chức quốc tế và khu vực lớn của thế giới đều tham gia hội nghị. Sự quy tụ đầy đủ đại diện của các khu vực lẫn lĩnh vực cho thấy mối quan tâm chung, cấp thiết đối với đại dịch lần này.
Tại hội nghị, Quốc vương Salman đề nghị các nước G20 cùng nhau hành động hiệu quả để ứng phó đại dịch, đồng thời khẳng định G20 có trách nhiệm chung tay hỗ trợ các nước đang và kém phát triển. “Cuộc khủng hoảng này đòi hỏi một sự phản ứng toàn cầu. Thế giới tin chúng ta sẽ cùng nhau hợp tác để đối diện thách thức này”, AFP dẫn lời ông Salman nói.
Trong tuyên bố chung sau hội nghị, các lãnh đạo G20 thông báo sẽ“bơm” 5.000 tỉ USD vào nền kinh tế toàn cầu giữa cơn khủng hoảng đại dịch. Các lãnh đạo cũng cam kết trở thành một “mặt trận thống nhất” chống lại mối đe dọa từ Covid-19. Cũng theo tuyên bố, các nước G20 sẵn sàng phản ứng nhanh chóng và tiến hành bất cứ hành động cần thiết nào, sử dụng tất cả công cụ chính sách sẵn có để giảm thiểu thiệt hại kinh tế và xã hội do đại dịch gây ra. Các nhà lãnh đạo đều thống nhất sẽ cùng với các thể chế đa phương khác như Quỹ tiền tệ quốc tế, Tổ chức Y tế thế giới và các ngân hàng khu vực triển khai gói hỗ trợ tài chính cho các nước đang và kém phát triển. Tuyên bố chung cũng khẳng định các nước G20 sẽ chia sẻ dữ liệu y tế và dịch tễ, tăng cường hệ thống y tế trên toàn cầu và mở rộng năng lực sản xuất các trang thiết bị y tế.
Nhóm G20 gồm Anh, Ý, Canada, Mỹ, Đức, Pháp, Nhật, Argentina, Úc, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Nga, Ả Rập Xê Út, Nam Phi, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh Châu Âu.
|
Trước cuộc họp trên, Tổng thư ký LHQ Guterres đã gửi thư kêu gọi các lãnh đạo G20 thông qua “kế hoạch thời chiến” trước cuộc khủng hoảng mang tên Covid-19. Hôm 25.3, ông Guterres cũng đã phát động kế hoạch ứng phó nhân đạo toàn cầu trị giá 2 tỉ USD để hỗ trợ cuộc chiến chống dịch tại một số quốc gia nghèo nhất thế giới.
Ngừng bắn toàn cầu
Bên cạnh vấn đề hỗ trợ nhân đạo, Tổng thư ký LHQ còn kêu gọi ngừng bắn toàn cầu để thế giới chiến đấu chống kẻ thù chung: Covid-19. Trong bài phát biểu chính thức, ông Guterres nhấn mạnh: “Vi rút này không phân biệt dân tộc hay quốc tịch, phe nhóm hay tôn giáo. Nó tấn công tất cả và tàn nhẫn… Đã đến lúc ngừng xung đột vũ trang, chấm dứt giao tranh, để cùng nhau tập trung vào cuộc chiến thực sự cứu lấy sinh mạng của chúng ta”.
Hôm qua, Ả Rập Xê Út tuyên bố hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng thư ký LHQ, theo đó liên minh do nước này dẫn đầu sẽ thực thi ngừng bắn ở Yemen. Trước đó, chính quyền Yemen cũng chấp nhận ngừng bắn trong bối cảnh đại dịch, theo AFP. Thủ lĩnh của phong trào Houthi tại Yemen hoan nghênh các động thái trên và khẳng định sẽ chờ việc thực thi lệnh ngừng bắn.
Tại Philippines, lực lượng Quân đội nhân dân mới Philippines (NPA) tuyên bố sẽ dừng các hoạt động tấn công và chuyển sang trạng thái phòng thủ từ ngày 26.3 -15.4, khẳng định đó là sự hưởng ứng trực tiếp đối với lời kêu gọi của Tổng thư ký LHQ, theo trang Daily Guardian. Trước đó, ngày 18.3, Tổng thống Rodrigo Duterte đưa ra quyết định đơn phương ngừng bắn với NPA từ đêm 19.3 - 15.4, chỉ thị quân đội và cảnh sát tạm ngừng các chiến dịch tiến công trong thời gian trên để ứng phó Covid-19.
Thủ tướng chia sẻ kinh nghiệm chống Covid-19 của Việt Nam với lãnh đạo G20
Theo tin từ Bộ Ngoại giao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham gia hội nghị trên cương vị chủ tịch ASEAN năm 2020. Tại hội nghị, Thủ tướng khẳng định đoàn kết, hợp tác, phối hợp toàn cầu và khu vực rất quan trọng; khẳng định quyết tâm, cam kết của Việt Nam trong chống dịch Covid-19; nhấn mạnh Việt Nam kiên trì thực hiện mục tiêu kép là kiểm soát dịch bệnh và tiếp tục phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Thủ tướng cũng chia sẻ với các nhà lãnh đạo nhiều biện pháp ứng phó dịch Covid-19 như tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật trong xét nghiệm, kiểm soát và điều trị; tranh thủ sự đồng lòng, hợp tác, tham gia, vào cuộc của người dân, các tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang; tập trung chống dịch đi đôi với thúc đẩy, tạo thuận lợi cho hợp tác thương mại, đầu tư, duy trì chuỗi cung ứng và sản xuất, tạo việc làm, ổn định cuộc sống người dân; hợp tác bảo đảm an toàn cho công dân Việt Nam và các nước ASEAN đang sinh sống ở các nước G20…
Vũ Hân
|
Bình luận (0)