Đại Nam hội quán (hẻm 6 Ngô Thời Nhiệm, Q.3, TP.HCM) mong muốn giúp người trẻ dễ dàng tìm hiểu các giá trị văn hóa của dân tộc, là dự án do Lương Hoài Trọng Tính, sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng, lập ra . Tính cùng các thành viên trong nhóm thường xuyên tổ chức chương trình biểu diễn, giao lưu để tái dựng những nét văn hóa truyền thống và kích thích sự tò mò, tìm hiểu về văn hóa của người trẻ.
Giáo dưỡng người trẻ
Tính sinh ra và lớn lên ở vùng quê, hầu như đi đến đâu cũng có thể nhìn thấy nhiều giá trị xưa thấp thoáng sau những hàng cổ thụ, như những ngôi chùa cổ kính, các ngôi đình truyền thống của người Việt hay những hội quán, cung điện... Nhưng theo Tính, các giá trị này dần bị lãng quên đi nhiều, nhất là ở giới trẻ.
|
“Bản thân mình nhận thấy được các giá trị văn hóa truyền thống rất có ích cho sự giáo dưỡng con người, đặc biệt là thế hệ trẻ. Vì hiện tại có một bộ phận bạn trẻ không còn tha thiết với gia đình, quê hương, không coi trọng đạo đức... nên chúng ta thấy ngày càng nhiều tội phạm bị trẻ hóa, học sinh đánh nhau”, Tính nói và cho biết đó cũng chính là lý do muốn xây dựng dự án “Đại Nam hội quán”.
Tính muốn dùng cái nét văn hóa xưa để lưu giữ các giá trị tốt đẹp của ông bà ta với tôn chỉ “ôn cố tri tân” gìn giữ cái hay, học tập cái mới, hạn chế cái mê tín. Và Đại Nam hội quán ra đời.
Tôn lên vẻ đẹp quá khứ
Với dự án này, Tính chia sẻ những bài viết về các giá trị xưa về nhiều lĩnh vực trên trang Đại Nam hội quán theo cách truyền tải rất trẻ. Bên cạnh đó, dự án tổ chức nhiều chương trình cộng đồng nhằm giới thiệu các giá trị văn hóa xưa đến cho nhiều người và cùng nhau trao đổi, phản biện.
“Hầu như sách vở khi xưa đều viết bằng chữ Nho nhưng những sách được dịch ra đương thời chưa đáp ứng nhiều cho nhu cầu nghiên cứu như về thuật ngữ, phương ngữ hoặc phong tục của địa phương, nên mình mày mò học chữ Nho. Bên cạnh đó là việc học tập thêm về các sách chuyên khảo của người nước ngoài, và việc quan trọng không kém là đi thực địa”, Tính chia sẻ.
|
Mới đây, Tính cùng những người bạn trong dự án tổ chức một chương trình tái dựng lễ cưới xưa của nhiều vùng miền. Các thành viên trong nhóm khoác lên mình bộ trang phục truyền thống xưa, cô dâu chú rể cùng nhau bước vào bàn nghi lễ, trong không gian ấm cúng với mâm quả, lễ cưới đậm chất Nam bộ xưa, khiến nhiều bạn trẻ vô cùng thích thú vì lần đầu được nhìn thấy. Không chỉ tái hiện mà nhóm còn giải thích một cách bài bản, cụ thể về từng lễ nghi, phong tục để giải đáp hết những thắc mắc của người xem.
Trong thời hiện đại, để tái hiện được những nét văn hóa xưa, nhóm phải mượn vật dụng từ những gia đình xưa, những nhà sưu tầm cổ vật... và dành một thời gian dài để tìm hiểu, nhờ người xác minh tư liệu.
|
“Hầu như chương trình nào cũng có khán giả ngoại quốc, mà họ chính là những nhà nghiên cứu độc lập, những nghiên cứu sinh Việt Nam học đến từ các nước: Mỹ, Pháp, Ấn Độ... Sau khi kết thúc chương trình, họ hay đưa ra câu hỏi, phản biện và tạo nên cảm hứng để đưa các giá trị văn hóa đi xa hơn”, Tính tự hào chia sẻ.
Nhìn thấy Tính cứ mỗi lần xuất hiện trong các chương trình đều mặc trên mình bộ áo dài truyền thống, ai cũng nghĩ chắc Tính thuộc tuýp người thích hoài cổ. Nhưng Tính bộc bạch: “Nhìn mình vậy thôi, chứ mình cũng như bao bạn cùng trang lứa khác, thích được hòa mình vào cuộc sống hiện đại. Và mình dùng đời sống hiện đại, phong cách hiện đại, trẻ trung để tôn lên vẻ đẹp của những nét văn hóa xưa từ dự án Đại Nam hội quán”.
Bình luận (0)