‘Dân mình thấy cháy là ra đứng xếp hàng xem tắc cả đường xe không vào được’

Lê Hiệp
Lê Hiệp
16/08/2019 17:09 GMT+7

Ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng công tác chữa cháy của chúng ta rất tích cực nhưng phòng cháy thì chưa khi ý thức về phòng cháy, chữa cháy của một bộ phận người dân chưa đạt yêu cầu.

Ngày 16.8, cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, qua báo cáo giám sát phải thể hiện được tính cảnh báo cho nhân dân, các nhà đầu tư, tổ chức, cơ quan đều có trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy chứ không phải là trách nhiệm của nhà nước hết.

Người dân phải tự lo trước khi nhà nước lo

"Xem phim của Trung Quốc hay thấy có một ông vừa đi vừa gõ, cảnh báo trời hanh khô cẩn thận củi lửa. Phải có tuyên truyền, giáo dục, vận động mỗi người dân, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, các cơ quan phải tự lo cho mình trước khi nhà nước lo”, ông Định nêu.
Theo ông Định, vừa qua, chữa cháy thì các lực lượng của quân đội, công an, nhân dân cũng tham gia rất tích cực nhưng trong phòng cháy thì có một bộ phận không tích cực.
“Thậm chí, khi cháy rồi ra đứng xếp hàng xem tắc cả đường, xe không vào được. Việc này phải giáo dục. Anh nào mà chữa được thì xông vào, chứ đừng có ra đó đứng xem”, ông Định nói.
Liên quan tới công tác tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nêu vấn đề: báo cáo nêu việc thực hiện rất tốt, có nhiều cách làm hay, mấy chục nghìn buổi tuyên truyền, phát tờ rơi... nhiều mô hình, cách làm hay nhưng tại sao hiệu quả vẫn hạn chế?
Từ đó, bà Hải kiến nghị công tác tuyên truyền phải lọc lựa, lựa chọn, chia từng bộ phận vì có những đối tượng hiểu biết, ý thức rất sâu sắc nhưng cũng có những đối tượng tiếp xúc với nguy cơ cháy nổ rất cao nhưng lại không được tuyên truyền.
Bà Hải dẫn chứng: "Như đồng chí Giang (ông Nguyễn Trường Giang), Phó chủ nhiệm Ủy ban pháp luật, nói bản thân đồng chí cũng tổ chức diễn tập phòng cháy, chữa cháy trong gia đình. Đó là đối tượng nhận thức rất sâu sắc về vấn đề này".

Huy động một lúc hơn chục xe cứu hỏa nhưng chỉ vào được 3 xe

Đồng tình với các quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho rằng, công tác phòng cháy, chữa cháy phải lấy phòng ngừa là chính, trong phòng ngừa thì tuyên truyền là gốc để mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi tổ chức tự giác việc này.
“Thí dụ như ở đô thị, nhất thiết một hộ gia đình trong bếp ít nhất phải có 2 - 3 bình cứu hoả tại chỗ để phòng ngừa, còn nhắc nhau trước khi đi ngủ tắt đèn, như các đồng chí nói gia đình diễn tập về phòng cháy, chữa cháy. Tôi cho tinh thần phòng ngừa và tuyên truyền là chính”, ông Vương nói.
Bên cạnh phòng ngừa là chính, ông Vương cho rằng, chủ động lực lượng phòng cháy, chữa cháy theo phương châm 4 tại chỗ là cơ bản. Đây là phương châm không chỉ ở Việt Nam mà thế giới cũng đang tiến hành.
“Còn việc tính toán chuyện mua bao nhiêu xe, trang bị phương tiện hiện đại, nhưng thưa các đồng chí, nếu xe đến thì cũng chưa chắc đã đáp ứng yêu cầu”, ông Vương nói và kể rằng, bản thân ông chứng kiến vụ cháy tại quận Cầu Giấy (Hà Nội), huy động một lúc hơn chục xe của cả Hà Nội, Bộ Quốc phòng, tỉnh Hòa Bình xuống, nhưng nếu vào thì chỉ vào được đến 3 xe vì đường nhỏ.
“Có đồng chí vừa nói anh em xuống đứng chơi là đúng, có xuống cũng không vào được. Đây là vấn đề thực tế, cho nên tại chỗ mới là vấn đề chính”, ông Vương nói thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.