Đặng Hoàng An, chân cứng đá mềm

25/11/2022 15:30 GMT+7

Sau những biến cố bất ngờ ập đến với mình, thạc sĩ (ThS) tâm lý Đặng Hoàng An (sinh năm 1991) đã sống một cuộc đời mới đầy niềm tin, nghị lực và sống có ích.

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở vùng quê Cần Đước, Long An, tuổi thơ của Đặng Hoàng An lắm nỗi nhọc nhằn. Xuất phát điểm thấp, từ thời còn là một cậu học sinh, anh đã ý thức được trọng trách của bản thân. Anh ngày đêm nỗ lực học tập và phụ giúp gia đình.

An trong chuyến đi thiện nguyện sữa cho trẻ nhiễm Covid-19

tgcc

Lớn lên từ nơi gốc rạ, tuổi thơ nghèo khó đã trui rèn và trở thành nguồn động lực để anh vươn lên, vững bước trên bước đường học vấn và sự nghiệp. Những nỗ lực được đền đáp. Năm 2009, anh đỗ vào khoa Tâm lý học, trường Đại học Sư phạm TP.HCM. Ước mong cho con đổi đời, cha mẹ anh chạy vạy để có điều kiện cho anh ăn học. Năm 2013, sau khi tốt nghiệp, anh tiếp tục học đến trình độ Thạc sĩ. Sau đó được giữ lại trường để làm giảng viên vào năm 2016. Bước thành công đầu tiên sau những nổ lực đã tiếp thêm động lực cho anh. Thế nhưng ở đó, một bước ngoặt rất lớn của cuộc đời anh đã mở ra.

Trở thành giảng viên một trường trọng điểm phía Nam không phải chuyện dễ. Đây là ước mơ của rất nhiều người. Chính vì vậy, anh luôn hết mình với công việc. Một phần vì làm việc ở giảng đường đại học, một phần để phụ giúp cha mẹ trả số nợ đã vay ngân hàng. Công việc ngày càng nhiều, anh càng cật lực làm mà quên việc chăm lo sức khỏe bản thân. Chính vì vậy mà thể trạng anh ngày một yếu đi. Một chiều cuối tháng 4.2016, trong một lần đang đi từ lầu trọ xuống đất, anh bị ngã và chấn thương rất nặng do tụt canxi. Chấn thương tủy làm cho đôi chân anh ngày càng teo nhỏ và mất đi chức năng vốn có của nó. Từ một người đang san sẻ những lo toan trong gia đình bỗng tiếp tục trở thành gánh nặng.

Những ngày tháng ấy, bóng tối phủ vây anh. Lòng anh đầy hụt hẫng. Bao nhiêu cơ hội, bao nhiêu việc anh chưa được thực hiện. ThS.Đặng Hoàng An tâm sự với giọng trầm buồn: “Biến cố xảy đến, tôi từ đỉnh cao rơi xuống vực thẳm. Cú ngã của cuộc đời làm tôi bế tắc. Vốn dĩ là một người hướng ngoại, năng động, tôi dần thu mình lại bởi mặc cảm với đôi chân đang lành lặn bỗng tật nguyền. Có những lúc tôi mong mình chết đi để không thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Những cơn đau vắt cạn ý chí sống của tôi. Đang lưng chừng tuổi ba mươi, vừa chạm tới thành công thì tất cả trở thành một vòng trắng. Tôi tự đặt cho mình dấu chấm hết từ đó”.

Bước tiếp vững vàng với “đôi chân tròn”

Thầy giáo An cảm thấy chán chường trước cuộc sống. Chỉ khi anh trở về từ “Quỷ môn quan”, anh mới thấy trân trọng những ngày còn được ngắm bình minh.

Trao quà tiếp sức đến trường

tgcc

Những ngày cuối năm 2017 sắp kết thúc, mọi thứ sắp sang trang mới, đất trời dang tay đón những điều tốt đẹp thì cuộc đời anh khép lại. Lần ấy, An lên cơn co giật, cắn lưỡi và anh lịm dần, lịm dần. Nhưng may mắn, khi gia đình chuẩn bị lo hậu sự, "Thần Chết" đã trả anh về. Anh lại hít hà hơi thở cuộc sống. Và anh khát sống, anh trân quý dù chỉ là một hơi thở.

“Mẹ sinh ra tôi lần thứ nhất, tạo hóa sinh ra tôi lần thứ hai. Có lẽ ông trời muốn cho tôi biết giá trị của sự sống. Khi tỉnh lại, tôi yêu biết bao những ngày tháng sắp tới. Và tôi nhận được thêm một lời động viên từ thầy tôi, GS.TS.Huỳnh Văn Sơn. Bạn thấy động cơ chạy cần phải có năng lượng. Tôi như một chiếc máy và lời động viên ấy chính là năng lượng để tôi vươn lên. Thầy bảo tôi, nếu như An còn một ngày để sống, An phải sống còn với ngày được sống ấy và An phải để ngày còn sống đó trở nên ý nghĩa. Từ ấy tôi nhận ra rằng, mình chỉ sống thôi chưa đủ mà còn phải sống có ích”, anh xúc động chia sẻ.

Từ những ngày ấy, anh lại nhìn đời với một ánh mắt đầy thiện cảm, tự tin, ánh sáng đã trở lại. Bắt đầu từ năm 2019, anh đồng hành cùng Đài truyền hình Vĩnh Long trong các chương trình tư vấn tâm lý như: Chuyện gia đình, Ống kính học đường, Đồng hành cùng con. Đồng thời, anh tham gia các buổi nói chuyện chuyên đề để truyền cảm hứng cho sinh viên, học sinh ở nhiều trường đại học, cao đẳng, trung học... Hoặc có phụ huynh, học sinh, sinh viên…có khúc mắc, anh sẵn sàng giải đáp một cách nhiệt tình. “Hình hài tàn nhưng không thể sống phế, đó là châm ngôn của tôi”, tác giả “lăn qua biến cố” cười và nói.

Anh trở về với đôi chân không lành lặn, nhưng mang lại một trái tim ấm áp và truyền động lực đến cho mọi người. Từ năm 2019, anh bắt đầu đứng ra vận động quyên góp tiền để làm thiện nguyện. Anh lập quỹ Nhân Ái để giúp đỡ những người khuyết tật, trẻ em mồ côi, người già neo đơn, những bệnh nhân hoàn cảnh khó khăn. Trong ba năm từ 2019 đến nay, anh đã tặng 30 chiếc xe lăn cho người khuyết tật, tổ chức trung thu cho trẻ em trong ấp, thăm và tặng quà cho người dân hộ nghèo, cận nghèo ở địa phương, Hỗ trợ sữa và thức ăn cho người tâm thần ở trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Long An và Đà Lạt, Thăm và tặng quà cho bà con ở Sóc Trăng và Cà Mau và trẻ cô nhi ở Đồng Nai…

Khi Covid – 19 bùng phát toàn quốc, ai nấy đều thủ phần mình. Chàng thanh niên với đôi chân tròn vẫn không chịu khoanh tay ngồi nhìn. Sức khỏe và đôi chân không cho phép anh tự mình đi phát nhu yếu phẩm, anh nhờ Hội Phụ nữ phối hợp thay anh phát quà. Trò chuyện với chúng tôi, anh kể thêm: “Khi Sài Gòn rơi vào đỉnh dịch, được biết đến chương trình “Vaccine tinh thần”. Tôi nhận thấy dự án này rất nhân văn. Và đây là việc rất phù hợp với chuyên môn cũng như sức khỏe của mình. Mà vượt lên trên hết là anh được đồng hành cùng TP.HCM vượt qua đại dịch. Thế nên anh đã không ngần ngại đăng ký, và trở thành tư vấn viên tổng đài 1022 hỗ trợ sức khỏe tinh thần miễn phí cho người dân trong bối cảnh đại dịch Covid – 19 tại TP.HCM cho đến tháng 7 năm nay”.

Trao xe lăn cho người khuyết tật

tgcc

Cô Huỳnh Thị Tôn (Hội viên Hội Phụ nữ ấp 2, xã Long Định, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) chia sẻ: “Cô quý bạn An vì tinh thần thép và những việc làm ý nghĩa. Mặc dù ngồi xe lăn nhưng bạn An giúp đỡ rất nhiều người. Nên hễ An cần là cô giúp đỡ hết mình. Có một kỷ niệm mà tôi nhớ hoài, nhớ hoài. Đó là một lần đi phát quà cho những người ở đồng sâu, đường nhỏ. An sợ xe lăn không đi vào được, cô động viên. Rồi cô cứ đẩy An từ từ cho đến lúc tới nơi. Ước giá bạn ấy lành lặn thì có lẽ An còn làm nhiều hơn thế”.

Biết vươn lên trước nghịch cảnh của cuộc đời đã là sống đẹp. Đứng trước những điều nghiệt ngã, biết vượt lên số phận và động viên những “người cùng khổ”, sống có ích như ThS.Đặng Hoàng An thì càng đáng quý. Chiếc xe lăn không chỉ chuyên chở cuộc đời anh mà còn là đầu kéo cho những cuộc đời khác.

Nghe câu chuyện của thầy giáo An, tôi chợt nhận ra biến cố không phải vùi mình xuống mà là để ta sống một cuộc đời mới. Như anh, giờ đây anh đã sống một cuộc đời mới, bước bằng một đôi chân khác. Và anh vẫn bước tiếp những ngày tháng tới bằng chính đôi chân tròn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.