Dấu hiệu lạc quan về dịch viêm phổi Vũ Hán

Bảo Vinh
Bảo Vinh
12/02/2020 07:00 GMT+7

Số người tử vong vì bệnh viêm phổi do dịch viêm phổi Vũ Hán vượt mốc 1.000 nhưng giới chuyên gia dự báo khả quan về diễn biến dịch bệnh sắp tới.

Hôm qua, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus thông báo dịch viêm phổi tại Trung Quốc do vi rút Corona chủng mới (nCoV) gây ra từ nay sẽ được gọi là dịch Covid-19. Trong đó, chữ “co” là viết tắt của “corona”, chữ “vi” là viết tắt của “virus” và “d” là viết tắt của “disease” (bệnh).

Kỳ nghỉ Tết dài nhất lịch sử của hàng trăm triệu học sinh Trung Quốc

Số ca nhiễm mới giảm

Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm qua thông báo số người tử vong tại đại lục vì dịch Covid-19 tăng lên 1.016 người, trong đó có hơn 110 ca tử vong mới trong ngày 10.2.
Theo tờ Nhân dân Nhật báo, số ca nhiễm mới bên ngoài tâm dịch Hồ Bắc đã giảm trong 7 ngày liên tiếp, từ gần 900 ca vào ngày 3.2 xuống còn gần 400 ca trong ngày 10.2. Dấu hiệu khả quan giúp giá cổ phiếu Trung Quốc kết thúc phiên hôm qua cao hơn so với đầu phiên, trong đó chỉ số Shanghai Composite tăng 0,4%, còn chỉ số CSI 300 tăng 0,9%. Trong diễn biến liên quan, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass thông báo không cân nhắc cho Trung Quốc vay tiền để chống dịch vì cho rằng nước này vẫn có đủ nguồn lực.

[VIDEO] Người dân Trung Quốc lục tục quay lại làm việc giữa đợt bùng phát virus corona

Tuy nhiên, một số ý kiến lo ngại công tác phòng dịch sẽ trở nên khó khăn hơn khi người dân bắt đầu quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ. Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc ước tính có 160 triệu người sẽ trở lại các thành phố từ ngày 18.2. Tính đến nay, giới chức Trung Quốc đã phong tỏa một phần đối với hơn 80 thành phố tại gần 20 tỉnh từ khi dịch bệnh bùng phát cuối năm ngoái.
Riêng tại TP.Vũ Hán, được cho là nơi khởi phát dịch Covid-19, chính quyền hôm qua siết chặt thêm các biện pháp phong tỏa. Theo AFP, quy định mới bắt buộc người có triệu chứng sốt chỉ được đi khám và điều trị tại cơ sở y tế thuộc quận mà người đó sinh sống. Các khu dân cư có người bị nhiễm hoặc nghi nhiễm bệnh Covid-19 sẽ bị phong tỏa và giám sát chặt chẽ.

Đỉnh dịch trong tháng 2?

Tổ chức Y tế thế giới hôm qua bắt đầu kỳ họp 2 ngày tại Geneva (Thụy Sĩ) với hàng trăm chuyên gia nhằm thúc đẩy chia sẻ thông tin về việc nghiên cứu thuốc đặc trị, vắc xin chống nCoV. Phát biểu mở màn cuộc họp, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói dịch Covid-19 vẫn là vấn đề rất khẩn cấp đối với Trung Quốc và “đặt ra mối đe dọa rất nghiêm trọng cho phần còn lại của thế giới”.

[VIDEO] Chuyên gia dịch SARS: Virus corona có thể đạt đỉnh dịch vào tháng 2.2020

Trước đó, WHO cảnh báo những trường hợp lây nhiễm nCoV dù chưa từng đến Trung Quốc có thể là “tia lửa” thổi bùng những đám dịch lớn hơn, đồng thời nhấn mạnh mục tiêu hiện tại vẫn là ngăn dịch lan rộng.
Trong bối cảnh một số chuyên gia kiến nghị cần đánh giá hiệu quả biện pháp phong tỏa của chính quyền Trung Quốc, chuyên gia dịch tễ học Chung Nam Sơn, người phát hiện dịch SARS năm 2003, cho rằng việc phong tỏa Vũ Hán là cần thiết và chính quyền cũng nên cấm lâu dài hoạt động buôn bán động vật hoang dã, theo Reuters.
Nhóm nghiên cứu do ông Chung dẫn đầu vừa công bố báo cáo mới dựa trên dữ liệu của hơn 1.000 người bị nhiễm nCoV cho thấy thời gian ủ bệnh kéo dài đến 24 ngày thay vì 14 ngày như hiểu biết hiện nay. Mặt khác, dựa vào những tiến triển gần đây, ông Chung dự báo dịch bệnh sẽ đạt đỉnh trong tháng 2 và kết thúc vào tháng 4.

[VIDEO] Xây "thần tốc" trong 12 ngày, bệnh viện dã chiến Lôi Thần Sơn bắt đầu nhận người nhiễm virus corona

Trong một diễn biến khác, Đài CCTV ngày 11.2 đưa tin ông Trương Tấn, Bí thư Đảng ủy Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc và bà Lưu Anh Tư, Giám đốc ủy ban này, đã bị cách chức nhưng không nêu rõ lý do.
Số ca nhiễm tăng cao trên du thuyền tại Nhật
Chính quyền Nhật Bản hôm qua thông báo có thêm 65 người nhiễm nCoV trên du thuyền Diamond Princess bị cách ly trên vịnh Yokohama của nước này từ ngày 3.2. Tổng cộng có 135 người bị nhiễm nhưng giới chức mới chỉ xét nghiệm 439 người trong khoảng 3.700 người trên du thuyền. Kyodo News đưa tin việc xét nghiệm chỉ ưu tiên đối với người có triệu chứng vì không đủ thiết bị chẩn đoán. Những người bị nhiễm được đưa đến bệnh viện điều trị trong khi số còn lại phải cách ly trên tàu cho đến ngày 19.2.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.