Theo đó, PGS Bùi Hiền cho rằng tết chỉ cần rút ngắn lại 3 ngày thay vì nghỉ 9,10 ngày như hiện nay và cần loại bỏ một số "hủ tục".
Tết cũng cần được "cải tiến"
Thưa ông, trải qua 85 lần đón tết, ông thấy tết ngày nay với tết ngày xưa có gì khác nhau?
PGS Bùi Hiền: Trước kia, các thành viên trong mỗi gia đình, trong mỗi dòng họ chỉ loanh quanh trong xóm, trong làng, nên tết là dịp để quây quần, ông bà, cha mẹ, con cháu có điều kiện cùng nhau cúng bái, gói bánh, đón giao thừa, chúc tết nhau... rất vui. Ngày nay, một gia đình có nhiều thành viên thì mỗi người một nơi, con cái người nam kẻ bắc, có khi ở tận nước ngoài... việc tụ họp không còn được đầy đủ. Và xã hội có nhiều thay đổi, nhiều yếu tố tác động khiến cuộc sống con người khác đi, nên tết cũng khác xưa nhiều.
Nhưng dù đi làm xa, sinh sống nơi xa thì tết vẫn là dịp để các thành viên trong mỗi gia đình trở về nhà sum vầy, bên nhau trong những thời khắc quan trọng và thiêng liêng như cúng tổ tiên, đón giao thừa...
- Đó cũng chính là "gánh nặng" đối với rất nhiều người nếu đợi đến tết mới sum vầy, mới tụ họp gia đình. Vì tết đến là chen chúc nhau, chỗ nào cũng đông, là cơ hội để một số dịch vụ "chặt chém", một số người xấu lừa đảo, vé xe vé tàu, vé máy bay thì tăng gấp mấy ngày thường. Đó là chưa kể do cả năm mới có cơ hội tụ họp nên người ta khó từ chối nhau việc nhậu nhẹt, đánh bài... rồi làm những chuyện không hay.
Nếu vậy thì tết sẽ như thế nào nếu con cái ở xa không trở về sum họp?
- Theo tôi tết ta chỉ nên rút ngắn lại 3 ngày, chứ kéo dài 9, 10 ngày rất dở vì ảnh hưởng tới sản xuất, tâm lý xã hội. Trong 3 ngày đó hàng xóm láng giềng, con cháu, họ hàng ở gần có thể sum họp, thăm hỏi, chúc tết nhau. Còn nếu muốn đầy đủ thành viên trong gia đình thì chúng ta có thể chọn ngày giỗ, ngày hội hoặc một ngày mà gia đình quy định để hàng năm con cháu ở xa có thể trở về. Chúng ta không thể bỏ tết nhưng cũng nên cải tiến cho phù hợp với thời đại, bỏ bớt những hủ tục làm ảnh hưởng tới đời sống.
Ông có thể ví dụ đó là những hủ tục nào?
- Chẳng hạn tục lì xì, một cách gọi của người nam. Người Bắc gọi là mừng tuổi, phát vốn. Thực chất ý nghĩa của tục mừng tuổi của người Bắc là để chúc cho nhau một năm mới may mắn, bình an, trẻ con thì khoẻ mạnh, hay ăn chóng lớn, học hành tấn tới, còn người già thì sống lâu trăm tuổi. Tiền phát vốn công khai và chỉ là tượng trưng chứ không có giá trị vật chất gì nhiều. Thế nhưng ngày nay, bao lì xì đã khiến cho tục mừng tuổi đầu năm bị biến tướng. Người ta mượn tục này để hối lộ, để trả ơn, hoặc là phương tiện cho nhiều mục đích khác nhau. Trẻ con nhận lì xì mở ra thấy nhiều thì vui, thấy ít thì lại chê, người lớn thì đánh giá nhau qua những đồng tiền nằm trong bao lì xì đó... Rất phản cảm.
Ngoài ra, văn hoá tín ngưỡng bị biến thành mê tín dị đoan. Xông đất là một ví dụ. Người ta mê tín cho rằng xông đất cần người hợp tuổi hoặc người mệnh tốt thì năm đó mới phát đạt nên người ta thuê người tới xông đất. Nếu năm đó làm ăn không suôn sẻ thì người nào vô tình xông đất sẽ bị trách, bị dị nghị. Hay việc xuất thành đầu năm, hái lộc đầu năm cũng vậy, nên bỏ. Lấy lộc của cây làm cây mất lộc thì liệu mình có lộc hay không?
Đúng vậy thưa ông, mới đầu năm mà bẻ cho lộc rời khỏi cây thì đâu phải là điều tốt đẹp phải không ạ? Những ngày tết vừa qua của một PGS 85 tuổi như thế nào?
- Sáng 30 tết đẹp trời, tôi lên vãn cảnh năm mới quanh Hồ Gươm. Năm nay tết vẫn rất tươi đẹp, lộng lẫy, nhưng lại rất thanh bình, trật tự bởi người đi ít hơn hẳn mọi năm. Gần trưa tôi đến thăm hỏi sức khỏe và chúc tết hai vị cao niên của làng Nga học là Nguyễn Hào và Đỗ Xuân Hà. Rất mừng là tuy sức đã yếu tôi vẫn có thể ngồi tiếp chuyện được khá lâu mà không hề có biểu hiện sa sút về trí lực.
Mấy ngày qua thì bạn bè cũng đến nhà chúc tết tôi. Nhiều sinh viên cũ tới thăm, chia sẻ và ủng hộ những hoạt động nghiên cứu của tôi, nên tôi rất vui. Với tôi tết chỉ cần như vậy là đủ ý nghĩa rồi.
Muốn đưa chữ cải tiến vào một số trường học
Cuối năm 2007, đầu năm 2018 ông đã làm dư luận dậy sóng vì công trình nghiên cứu của mình. Sau hơn 2 năm "công bố" chữ cải tiến với sự phản ứng dữ dội từ nhiều người, ông cảm thấy như thế nào?
- Đó là quả ngọt và trái đắng của người làm khoa học! Công trình khoa học tâm huyết của cả đời tôi - “Cải tiến chữ quốc ngữ”, vừa mới được bạn giới thiệu trên Báo Thanh Niên (Khi "tiếng Việt" được viết thành "tiếq Việt") vào cuối năm 2017, thì ngay lập tức nhận được hàng loạt ý kiến trái chiều đến cực đoan cả ở trong nước lẫn ngoài nước. Người thì ví là Galilê, kẻ thì chửi là lão già điên phá hoại văn hóa dân tộc cần lên án và 'diệt tận gốc", thậm chí còn đăng hình trên quan tài và cáo phó trên mạng xã hội! Nhiều vô kể, tôi không thể biết hết được. Nhưng tựu trung vẫn chỉ là ủng hộ hoặc phản đối trên giấy và trên mạng, bên nào nhiều bên nào ít không thể xác định được.
Còn trong thực tế thì tôi có những trải nghiệm và cảm xúc rất hay qua việc trực tiếp nhận được rất nhiều nhận xét tích cực và chân thành của hầu hết những người đã gặp. Buổi chiều sau tết 2017, khi tôi đi qua cổng một xưởng in thì có một phụ nữ chạy ra chào và hỏi: “Bao giờ thì dùng chữ cải tiến của thầy? Chúng em khổ sở với chữ quốc ngữ hiện nay quá!” Bà tự giới thiệu là người phụ trách xưởng in, rồi than phiền rằng trước tết xưởng in đã phải hủy đi một quyển sách rồi in lại chỉ vì cấp trên không chấp nhận chữ NGĨA in thiếu mất chữ H “nghĩa”. Bà cầu mong sớm thực hiện chữ cải tiến.
Như vậy vẫn có những người hiểu được những ưu điểm trong cách cải tiến của ông?
- Đúng thế bạn. Vui nhất là có lần tôi tham quan cột mốc số 0 ở bờ biển Sa Vĩ của Móng Cái, một nữ sĩ quan biên phòng áo xanh bước tới trước mặt giơ tay lên đứng nghiêm chào và nói một câu dứt khoát: “Chữ cải tiến của thầy không khả thi!” rồi quay gót bỏ đi ngay, không một lời giải thích. Rồi mấy phút sau cũng ngay tại đó có một người đàn ông chạy theo chào hỏi tôi vui vẻ như gặp người quen rồi tự giới thiệu là giám đốc công viên và nói nói "em ủng hộ thầy".
Nói vậy để các bạn biết rằng làm khoa học thì công trình của mình có người ủng hộ, có người không, cũng là lẽ thường tình. Nhưng người ủng hộ tôi rất nhiều, chứ không phải chỉ có người phản đối thôi đâu.
Vậy trong năm 2020, ông có những dự định gì tiếp theo?
- Tôi cũng lớn tuổi rồi, nếu trời cho sức khoẻ để làm việc thì tôi sẽ tập trung hoàn thiện thêm chữ cải tiến và tiếp tục ứng dụng những công trình đã nghiên cứu. Tôi cũng mong muốn tìm một số trường để đưa chữ quốc ngữ cải tiến vào thực nghiệm.
Lâu nay trong giới học sinh, sinh viên ta rất thịnh hành câu : “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”, vì dù cho cố gắng đến đâu thì trong các bài viết chính tả và tập làm văn của họ cũng vẫn thuờng mắc rất nhiều lỗi, khiến các bài làm bị hạ điểm xuống khá nhiều. Và kể cả những người lớn chúng ta nếu có viết thư từ, công văn, báo cáo, báo chí… thì cũng mắc không ít lỗi chính tả, nếu không chịu khó tra từ điển. Nếu sử dụng chữ cải tiến của tôi thì sẽ không gặp những vấn đề rắc rối trên nữa, lại rất tiết kiệm. Tôi mong muốn học sinh và giáo viên trải nghiệm những cái hay mà chữ cải tiến của tôi mang lại.
Xin cảm ơn PGS Bùi Hiền. Chúc ông năm mới có thật nhiều sức khoẻ và năng lượng để thực hiện thành công những dự định, kế hoạch này.
Bình luận (0)