Đẩy mạnh truyền thông 'Việc nhà không của riêng ai' trong giới trẻ

Vũ Thơ
Vũ Thơ
24/01/2022 16:21 GMT+7

Tại lễ phát động chiến dịch truyền thông “Thanh niên chuẩn - Nói không với định kiến giới”, ban tổ chức cho biết, giai đoạn 1 có chủ đề “Việc nhà không của riêng ai”, nhằm thay đổi định kiến về vai trò của phụ nữ.

Ngày 24.1, tại Hà Nội, T.Ư Đoàn và Tổ chức Plan International Việt Nam phối hợp tổ chức lễ phát động chiến dịch truyền thông “Thanh niên chuẩn - Nói không với định kiến giới”.

Chương trình được phát sóng trực tiếp trên trang cộng đồng Cổng Thông tin điện tử T.Ư Đoàn, Ban Tuyên giáo T.Ư Đoàn, Báo Tiền Phong, kênh YouTube của Báo Thanh Niên và fanpage “Thanh niên chuẩn”.

Anh Nguyễn Tường Lâm phát biểu tại buổi lễ

bảo anh

Tham dự chương trình có ông Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; anh Nguyễn Tường Lâm, Bí thư T.Ư Đoàn; bà Phạm Thu Ba, quyền Giám đốc quốc gia Plan International Việt Nam.

Ban tổ chức cho biết, Chiến dịch truyền thông “Thanh niên chuẩn - Nói không với định kiến giới” được tổ chức trên quy mô toàn quốc trong tất cả đoàn viên, thanh niên, dưới hai hình thức trực tiếp và trực tuyến, bắt đầu từ hôm nay 24.1 đến tháng 11.2022.

Hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị ảnh hưởng bởi Covid-19

Phát biểu tại chương trình, anh Nguyễn Tường Lâm cho biết, chiến dịch được tổ chức với mong muốn góp phần thay đổi nhận thức, hành vi có định kiến giới, tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Đồng thời, chiến dịch cũng nhằm trang bị kiến thức, nâng cao năng lực cho cán bộ Đoàn, đoàn viên thanh niên trong công tác tuyên truyền các chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới, vì sự tiến bộ phụ nữ, góp phần nâng cao vị trí, vai trò của nữ thanh niên trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.

Anh Lâm cũng đề nghị các cấp bộ Đoàn chú ý tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về các chính sách an sinh xã hội, bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

“Đối với mỗi bạn đoàn viên, thanh niên, tôi mong muốn các bạn thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực nhất trong cuộc sống hằng ngày để cùng nhau hành động, góp phần thay đổi nhận thức, hành vi có định kiến giới, tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, xây dựng một xã hội tiến bộ, bình đẳng và phát triển bền vững”, anh Lâm nhấn mạnh.

Thay đổi định kiến giới

Ban tổ chức cho biết, chiến dịch được chia thành 4 giai đoạn, gắn với 4 chủ đề. Giai đoạn 1 (tháng 1 - 2.2022) có chủ đề “Việc nhà không của riêng ai” sẽ tập trung tuyên truyền về việc thay đổi định kiến vai trò chính của phụ nữ trong gia đình là chăm sóc con cái và các thành viên; tuyên truyền thay đổi hành vi để nam giới và nữ giới cùng có trách nhiệm chia sẻ các công việc của gia đình.

Giai đoạn 2 (tháng 2 - 4.2022) gắn với chủ đề “Cùng chia sẻ trách nhiệm tài chính trong gia đình” sẽ tập trung tuyên truyền thay đổi định kiến về vai trò của nam giới là kiếm tiền và chu cấp cho gia đình.

Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động chiến dịch

bảo anh

Giai đoạn 3 (tháng 5 - 7.2022) với chủ đề “Nghề nghiệp là sự lựa chọn, không phụ thuộc giới tính”. Giai đoạn này sẽ tập trung tuyên truyền thay đổi định kiến về phân công công việc, như định kiến cho rằng có những ngành nghề chỉ dành cho phụ nữ, có ngành nghề chỉ dành cho nam giới mới có thể làm được.

Giai đoạn 4 (tháng 8 - 10.2022) gắn với chủ đề “Phụ nữ cũng có thể trở thành nhà lãnh đạo thành công”. Chiến dịch tập trung tuyên truyền thay đổi định kiến cho rằng trong công việc, vai trò của phụ nữ là ở vị trí hỗ trợ, trong khi nam giới đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo.

Chiến dịch được tổng kết vào tháng 11.2022, dự kiến tại Hà Nội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.