Hội thảo nhằm chia sẻ thông tin về sụt lún, thảo luận các phương án giảm nhẹ và thích ứng với tình trạng này ở ĐBSCL và cả TP.HCM. Tại đây, các số liệu vệ tinh được thu thập, xử lý và đưa ra đã vẽ nên một bức tranh khắc nghiệt về các tình trạng sụt lún đất tại ĐBSCL và TP.HCM.
Riêng ở ĐBSCL, số liệu thu thập từ cuối năm 2014 đến đầu năm 2019 cho thấy tốc độ sụt lún không hề giảm. Ở các khu vực đô thị như Cần Thơ, nền đất sụt lún ở hầu hết mọi nơi với tốc độ dao động từ 2-4 cm/năm và không có dấu hiệu ngừng lại. Ở các vùng nông thôn vệ tinh phát hiện sụt lún 1 cm/năm.
|
Đặc biệt trong báo cáo về tình hình sụt lún đất và khai thác nước ngầm liên quan đến sụt lún ở TP.HCM và ĐBSCL, ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên - Môi trường) cho biết, kết quả quan trắc thực hiện 10 năm qua, có 306/339 điểm quan trắc cho thấy hai khu vực này lún từ 0,1 - 81 cm. Nơi lún nhiều nhất là phường An Lạc, quận Bình Tân, (TP.HCM) với tổng độ lún 81 cm trong 10 năm. Các tỉnh An Giang, Long An... có tổng độ lún nhỏ nhất. Cũng theo báo cáo này có 33 điểm quan trắc không sụt lún, thậm chí được nâng thêm; trong đó TP.HCM có 5 điểm. Những khu vực quan trắc đều là những nơi có đường giao thông và khu vực đô thị.
GIZ cũng giải thích rằng, các số liệu vệ tinh mới trong nghiên cứu được thực hiện có sự phối với giữa Trường ĐH Cần Thơ và ĐH Utrecht, Hà Lan có thể xác định được mức độ sụt lún của từng tòa nhà lớn. Sự khác biệt về mức độ sụt lún phần lớn phụ thuộc vào độ sâu của móng. Móng càng sâu thì sụt lún càng thấp và ngược lại.
|
Một lần nữa vấn đề khai thác nước ngầm được xem là yếu tố chính góp phần gây sụt lún. Thống kê toàn vùng có khoảng 9.650 giếng khai thác nước ngầm tập trung quy mô trên 10 m3/ngày, với tổng lưu lượng khoảng 1,97 triệu m3/ngày. Riêng TP.HCM có khoảng 1.920 giếng, với lưu lượng khai thác 520.000 m3/ngày. Ngoài ra, còn khoảng trên 1 triệu giếng khai thác lẻ quy mô hộ gia đình, với lưu lượng khai thác khoảng 840.000 m3/ngày.
|
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng dù có ngừng khai thác nước ngầm hoàn toàn thì cũng không thể ngăn chặn được hiện tượng sụt lún nhưng chắc chắn tốc độ sụt lún có thể nhờ đó mà giảm thiểu.
Hội thảo cũng tập trung thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến về những lĩnh vực khác nhau như đo lương mức độ sụt lún, những lý do địa chất và tác động của hiện tượng này đối với cuộc sống của người dân; bằng cách nào có thể làm chậm quá trình sụt lún; vai trò của trầm tích đối với đất bề mặt...
Những nội dung được trình bày đều nêu bật tính cấp thiết của vấn đề sụt lún đất tại ĐBSCL và TP.HCM, đó là phải có hành động cụ thể để thích ứng và sống chung với sụt lún đất.
Bình luận (0)