Đề án xây dựng với mục đích phát huy khả năng phát triển của TP.HCM, từ đó đóng góp nhiều hơn cho cả nước.
Liên quan đến đề án này, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên để lý giải rõ hơn nội dung đề án đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Có thêm nguồn lực phát triển kinh tế
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong |
Đặc biệt, TP.HCM sẽ tổ chức đánh giá tác động của việc điều chỉnh tỷ lệ phân chia đến tăng trưởng kinh tế chung của cả nước và tăng trưởng kinh tế của TP.HCM, đến ngân sách của T.Ư và ngân sách TP.HCM, cũng như sự tác động đến vai trò chủ đạo của ngân sách T.Ư và tính tự chủ của ngân sách TP..HCM.
Trên cơ sở nghiên cứu cân đối tổng thể thu chi hiện nay, TP.HCM dự kiến lộ trình điều chỉnh tăng tỷ lệ phân chia ngân sách T.Ư cho TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025 là 24% và giai đoạn 2026 - 2030 là 33%. Việc tăng tỷ lệ phân chia theo lộ trình này giúp hài hòa tỷ lệ phân bổ ngân sách T.Ư cho các tỉnh, thành; đồng thời giúp TP.HCM có thêm nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo ra nguồn thu nhiều hơn cho đất nước, từ đó T.Ư phân bổ nguồn lực cho các tỉnh, thành nhiều hơn. Do đó, xét về lâu dài, TP.HCM và các tỉnh, thành cùng có lợi từ kết quả của việc thực hiện đề án này.
Tỷ lệ ngân sách TP.HCM được giữ lại thấp nhất thế giới
* Cơ sở để TP đề xuất lộ trình điều chỉnh tăng tỷ lệ phân chia ngân sách T.Ư cho TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025 là 24% và giai đoạn 2026 - 2030 là 33%?
- Nghị quyết số 16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020 xác định chủ trương: “Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi để TP.HCM thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ... Cụ thể là xem xét để tăng tỷ lệ điều tiết cho ngân sách TP.HCM đối với các nguồn thu có sự phân chia giữa T.Ư và TP.HCM”.
Tại điều 8, Nghị quyết số 54 của Quốc hội có quy định trách nhiệm của Chính phủ cụ thể như sau:
“Nghiên cứu hoàn thiện cơ chế phân cấp quản lý ngân sách; phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi; xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách cho phù hợp với yêu cầu của việc phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) nhanh và bền vững; thực hiện chính sách động viên hợp lý; bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách T.Ư; cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn bền vững; xác định tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia ngân sách hợp lý, tạo điều kiện cho TP.HCM có nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững theo định hướng của Đảng, Nhà nước”.
Hiện TP.HCM là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế, đóng góp khoảng 24% tổng sản phẩm quốc nội, 28% thu ngân sách và 18% tổng kim ngạch xuất khẩu. TP.HCM cũng là địa điểm đầu tư hấp dẫn nhất khi lũy kế đến nay đã có trên 8.000 dự án FDI đầu tư với tổng mức đầu tư đạt 45 tỉ USD và 152 dự án hợp tác công tư đã và đang triển khai với tổng mức đầu tư đạt 20 tỉ USD; năng suất lao động giai đoạn 2011 - 2016 bằng khoảng 2,7 lần năng suất lao động bình quân cả nước và năm 2018 gấp 2,9 lần.
Trong khi đó, tỷ lệ phân chia các khoản thu giữa ngân sách T.Ư và TP.HCM giảm mạnh từ mức 33% giai đoạn 2000 - 2003, xuống còn 26% giai đoạn 2007 - 2010 và giai đoạn 2017 - 2020 chỉ còn 18%, với tỷ lệ điều tiết này mỗi năm TP.HCM hụt thu hơn 10.000 tỉ đồng. Điều này làm cho tình trạng khan hiếm nguồn lực phát triển vốn đã khó khăn càng trở nên trầm trọng, khiến cho tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sút, cơ sở hạ tầng quá tải và xuống cấp, môi trường sống trở nên ô nhiễm và thiếu an toàn. Những yếu tố này cùng nhau làm giảm sức hấp dẫn của TP.HCM như là một nơi có chất lượng sống tốt, cũng như các hoạt động giao dịch thương mại, kinh doanh và đầu tư.
Với mức đóng góp là 28% tổng thu ngân sách cả nước, tỷ lệ TP.HCM được giữ lại là 18%, tổng chi ngân sách của TP.HCM chỉ chiếm khoảng 4,9% tổng chi ngân sách cả nước. Trong khi đó, dân số TP.HCM là 9 triệu người, bằng khoảng 9,2% dân số cả nước (97,7 triệu).
Như vậy, mức thu ngân sách đầu người của TP.HCM bằng 2,9 lần bình quân cả nước, còn mức chi ngân sách cho một người dân của TP.HCM chỉ bằng 50% mức chi bình quân cả nước. Thực tế thì số người làm việc, sinh sống ở TP.HCM không phải là 9 triệu người mà trên 13 triệu người. Đây là dân cư mà TP.HCM phải đảm bảo giao thông, nhà ở, giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao... Do đó thực tế mức chi ngân sách cho một người dân ở TP.HCM còn dưới 50% mức chi bình quân cả nước.
Cùng với đó, qua nghiên cứu tại 28 thành phố trên thế giới cho thấy, tỷ lệ phân chia được giữ lại thấp nhất là 33% (Paris), cao nhất là 86% (Santiago, Chile), bình quân là 58%. Nếu xét trong nhóm các thành phố trên 10 triệu dân, Paris có tỷ lệ giữ lại thấp nhất là 33%; kế đó là Tokyo gần 14 triệu dân, tỷ lệ giữ lại gần 37%; tiếp theo là Thượng Hải với 26 triệu dân, tỷ lệ giữ lại gần 37%; Seoul với 11 triệu dân, tỷ lệ giữ lại là 56%; Mexico City (Mexico) gần 22 triệu dân, tỷ lệ giữ lại là 73%... Bình quân các thành phố có dân số trên 10 triệu dân, tỷ lệ giữ lại là 46,43%.
Như vậy, TP.HCM với dân số thực tế trên 13 triệu người, thuộc nhóm này. Trường hợp trong 10 năm (2021 - 2030) TP.HCM đưa tỷ lệ giữ lại từ 18% trở lại mức 33% như giai đoạn 2000 - 2003 cũng chỉ bằng mức thấp nhất của 28 thành phố trên thế giới là Paris (33%). Đây chính là sự bất hợp lý về tài chính công đối với TP.HCM, không thể là nền tảng cho phát triển bền vững và duy trì tăng trưởng kinh tế, năng suất cao trong dài hạn.
Một nền kinh tế mà năng suất lao động bằng 2,9 lần năng suất lao động cả nước, thu ngân sách đầu người bằng 2,9 lần thu bình quân đầu người cả nước, song chi ngân sách bình quân đầu người chỉ bằng 50% chi bình quân của cả nước và tỷ lệ giữ lại chỉ đạt 18% sẽ không thể có đủ nguồn lực để phát triển bền vững.
Thành phố thiết tha và đủ tự tin thực hiện đề án
* Nếu được T.Ư thông qua tỷ lệ điều tiết nêu trên, TP.HCM sẽ sử dụng nguồn lực đó như thế nào?
- Hiện TP.HCM đang đứng trước 5 thách thức ngày càng gia tăng trong phát triển KT-XH, làm giảm tính vượt trội về tốc độ tăng trưởng và năng suất lao động TP.HCM so với cả nước. Đó là sự quá tải về hạ tầng kỹ thuật, xã hội; thu hút đầu tư nước ngoài chưa vượt trội và tỷ trọng xuất khẩu so với cả nước ngày càng giảm; tỷ suất sinh thấp nhất cả nước; có số người nghiện ma túy nhiều nhất nước, có tỷ lệ phạm pháp hình sự hằng năm cao nhất nước; có tỷ lệ chi ngân sách đầu người bằng một nửa bình quân cả nước.
Bên cạnh những thách thức đó, TP.HCM còn dư địa tăng trưởng rất lớn và một nét đặc trưng hiện diện trong mỗi người dân TP.HCM là truyền thống năng động, sáng tạo, luôn nỗ lực vươn lên trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào. Do đó, nếu được thông qua tỷ lệ điều tiết theo đề xuất, TP.HCM sẽ có nhiều cơ hội để giải quyết 5 thách thức nêu trên; đồng thời sử dụng nguồn lực này để khơi dậy dư địa tăng trưởng của TP.HCM, tạo ra nguồn thu bền vững, đóng góp nhiều hơn cho T.Ư và từ đó T.Ư phân bổ lại các tỉnh, thành nhiều hơn. TP.HCM thiết tha điều này và có đủ tự tin để làm điều đó.
* Tiến độ mà TP.HCM trình các cơ quan T.Ư thông qua đề án này?
- Hiện nay, UBND TP.HCM đã hoàn thành đề cương chi tiết và đang triển khai lập báo cáo đề xuất tiến độ điều tiết tỷ lệ để lại cho TP.HCM; đánh giá tác động tích cực của việc tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM đối với phát triển KT-XH, tăng thu ngân sách và nộp ngân sách cho T.Ư chu kỳ 10 năm 2021 - 2030 và 2031 - 2040, trình Ban Thường vụ Thành ủy trước ngày 31.12.2019 để hoàn thiện gửi dự thảo báo cáo đánh giá tác động xin ý kiến góp ý của Chính phủ, Ban Kinh tế T.Ư, Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT trong tháng 1.2020.
Có thêm tiền để tạo ra điều thần kỳTS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM, cho rằng với tỷ lệ điều tiết ngân sách là 18% như hiện nay, TP.HCM chỉ có thể tồn tại để giải quyết những vấn đề cấp bách hằng năm chứ không thể bứt phá. Nhu cầu đầu tư công của TP.HCM cần 350.000 tỉ đồng, nhưng vốn ngân sách để lại chỉ có 150.000 tỉ đồng, khiến các dự án phải làm theo thứ tự ưu tiên. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy như giải phóng mặt bằng chậm, trượt giá, người dân đòi thương lượng theo giá thị trường, hệ quả là dự án đội vốn khủng khiếp. “Đã không đủ tiền mà lại đội vốn là điều cực kỳ vô lý”, ông Thắng nhận định.
Nhìn vào hạ tầng của TP.HCM còn ngổn ngang, kém hơn các TP.HCM lân cận như Bình Dương và Đồng Nai, ông Thắng nói rằng nguyên nhân cũng vì không có tiền. Dự án không đủ vốn dẫn đến nghịch lý thiếu vốn mà lại thừa tiền bởi vốn ít, chủ đầu tư không dám nhận nên trả lại vốn cho ngân sách. Nhìn vào cứ tưởng là vốn xài không hết nhưng thực tế do không có vốn nên không dám làm. Trong khi đó, các hình thức đầu tư xã hội hóa thực hiện khá chậm do các quy định pháp luật chồng chéo.
Theo TS Trần Quang Thắng, nếu được T.Ư phân bổ ngân sách với tỷ lệ điều tiết lớn hơn, đạt 33% vào năm 2030 thì đủ để TP.HCM tạo ra một điều thần kỳ. TP.HCM vẫn còn nhiều dư địa để tiêu hết số tiền được tăng theo lộ trình. Tuy nhiên, lãnh đạo TP.HCM cần có cam kết về việc sử dụng hiệu quả ngân sách tăng thêm bởi nếu không tiêu hết thì đó sẽ là sự ích kỷ, giành giật với các địa phương có điều kiện kinh tế phát triển thấp hơn, chưa tự chủ được tài chính. Khi T.Ư tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM cũng buộc các địa phương khác cần chủ động, phát huy nội lực thay vì chỉ trông chờ từ ngân sách T.Ư.
Khi có thêm ngân sách đầu tư cho cơ sở hạ tầng, áp dụng công nghệ thông minh sẽ hình thành lòng tin để doanh nghiệp rót vốn đầu tư. Không chỉ các doanh nghiệp mà người Việt sinh sống ở nước ngoài khi nhận thấy có tín hiệu tốt từ nhà nước cũng sẽ về nước đầu tư. “Người Việt Nam ứng xử với nhau bằng lòng tin, khi lòng tin đã được xây dựng thì sẽ mang lại nhiều điều kỳ diệu bởi con người vẫn là yếu tố hàng đầu trong xây dựng đô thị thông minh”, TS Thắng nhận định.
Cần tập trung nguồn lực ở nơi có khả năngTS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, bày tỏ nền kinh tế Việt Nam đến nay dù phát triển nhưng vẫn còn kém hiệu quả, trong đó đáng chú ý là việc sử dụng nguồn lực có hiệu quả thấp và chưa có xu hướng thay đổi. Nếu như nhà nước không cải thiện được điều này thì chắc chắn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế sẽ giảm sút. Đến lúc đó từng địa phương sẽ không đủ năng lực phát triển, nguồn lực để giải quyết các vấn đề xã hội khác.
Theo ông Cung, ở thời điểm hiện tại, vấn đề trọng tâm và cốt lõi nhất của kinh tế Việt Nam cần phải nâng cao, cải thiện hiệu quả sử dụng nguồn lực, trong đó có nguồn lực đầu tư. Để thực hiện được điều này, nhà nước cần thay đổi cơ chế phân bổ nguồn lực theo hướng ở đâu sử dụng nguồn lực có hiệu quả nên tập trung về chỗ đó.
“TP.HCM, Hà Nội và một số địa phương khác được coi là động lực tăng trưởng, phát triển, là nơi có khả năng sử dụng hiệu quả nguồn lực thì nhà nước cần tập trung vào đó”, ông Cung nói và khẳng định cần phải thay đổi cơ chế điều tiết tỷ lệ ngân sách đối với TP. Theo ông Cung, việc điều tiết tỷ lệ ngân sách để giúp TP.HCM đủ nguồn lực giải quyết những vấn đề bức xúc hiện nay hay ít nhất trong vài năm tới. Để cho công bằng thì tỷ lệ điều tiết của TP.HCM tương lai nên bằng Hà Nội, tức được giữ lại 35%.
Sỹ Đông - Trung Hiếu
|
Bình luận (0)