Tuy nhiên, hiện tại các doanh nghiệp (DN) hoạt động đang phải gánh chi phí lớn do thực hiện theo các yêu cầu về xét nghiệm định kỳ, tốn kém các loại giấy tờ hoạt động mà về bản chất là “giấy phép con”. Cứ như thế, khả năng các DN rơi vào tình trạng thua lỗ, thậm chí ngưng hoạt động là rất rõ ràng.
Từ thực tế đó, nếu tiếp tục áp dụng khái niệm vùng xanh - vùng đỏ về mặt địa lý thì khó có thể mở cửa lại nền kinh tế, vì bản chất kinh tế phải là liên thông toàn thị trường. Kể cả TP.HCM hay Hà Nội cũng không thể mở cửa kinh tế lại nhưng hoạt động riêng.
Có lẽ chúng ta cần hiểu vùng xanh - đỏ về con người, phải cá nhân hóa ai xanh - ai đỏ, bởi vi rút không phân biệt vùng xanh - đỏ mà nó tấn công vào con người cụ thể. Vậy thì ai là “xanh” thì sẽ được đi làm, tham gia mọi hoạt động, ai “đỏ” không được và ai “vàng” thì phải xem xét.
Hiện nay, công nghệ cho phép cá nhân hóa xanh - đỏ như trên dễ dàng. Nhưng liên quan vấn đề này, một thực tế là đang tồn tại quá nhiều ứng dụng (app) kiểm soát của nhiều cơ quan ban ngành khác nhau. Vì thế, cần liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các ứng dụng để các DN, tổ chức, cá nhân sử dụng...
Chúng ta nên ủy quyền để mỗi DN, tổ chức tự sàng lọc xanh - đỏ cho quá trình vận hành trở lại. Với cách thức này, chỉ cần tập trung kiểm soát ở các điểm đến của từng cá nhân mà không cần phải thực hiện chốt chặn trên đường. Mở cửa trở lại, mỗi DN, tổ chức, trường học có thể đầu tư thiết bị quét đơn giản là có thể phân định ai “xanh”, ai “đỏ” để cho phép tiếp cận các hoạt động, dịch vụ như mua sắm, ăn uống, đi học, đi máy bay, xe khách… Có như thế, chúng ta mới từng bước bỏ ngăn sông cấm chợ một cách có hiệu quả.
Tất cả những điều vừa nêu cần được luật hóa bằng một chỉ thị thống nhất từ T.Ư đến địa phương, cần hạn chế các bộ ngành, địa phương đẩy khó khăn về cho DN, người dân.
Chúng ta cũng có thể xã hội hóa, thương mại hóa vắc xin, tận dụng và phát huy tối đa nguồn lực y tế tư nhân, tạo cơ chế, điều kiện chia sẻ trách nhiệm và chi phí cho các DN trong phòng chống dịch bệnh, qua đó giúp DN hoạt động hiệu quả hơn và nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh dịch bệnh đã gây nhiều thiệt hại.
Song hành cùng các biện pháp trên, chính quyền nên tạo mọi điều kiện thuận lợi để sớm đi vào hoạt động đối với hàng trăm dự án tại TP.HCM mà chủ đầu tư có sẵn đất, nguồn tài chính nhưng chưa được cấp phép (đặc biệt ưu tiên giáo dục và y tế). Cần sớm tháo gỡ các khó khăn và các dự án, DN đầu tư trực tiếp vốn nước ngoài (FDI) tháo gỡ khó khăn đi vào hoạt động lại...
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần nghiên cứu các mô hình chống dịch của các nước để rút ra bài học thực tiễn. Đặc biệt là các mô hình khi mở cửa lại nền kinh tế sau dịch bệnh, như Hàn Quốc vẫn tổ chức hoạt động, kinh doanh xuyên mùa dịch...
Bình luận (0)