Để ước mơ thành hiện thực

22/09/2020 04:51 GMT+7

Trước nay chúng ta thường cho rằng chỉ cần hướng nghiệp với học sinh cuối cấp THPT chuẩn bị bước sang giai đoạn đào tạo nghề nghiệp. Thực tế cho thấy hướng nghiệp đến giai đoạn này là quá trễ.

Ngoài số ít học sinh đã xác định sẵn nghề nghiệp tương lai do truyền thống gia đình hoặc có định hướng của người lớn, hầu hết các học sinh (HS) cuối cấp vẫn còn rất mơ hồ khi lựa chọn ngành nghề xét tuyển vào các đại học hoặc giáo dục nghề nghiệp.
Vì vậy, hằng năm vẫn thấy cả trăm, có khi hàng ngàn sinh viên ở nhiều trường đại học không thể tốt nghiệp được hoặc bỏ học giữa chừng vì nhận ra không phù hợp với ngành đã chọn.
Nhiều câu chuyện đáng tiếc về việc chọn sai ngành năm nào cũng diễn ra. Có sinh viên ngành xây dựng học trầy trật mãi, quá thời hạn nhiều năm vẫn không thể tốt nghiệp để cuối cùng đành phải bỏ cuộc, bắt đầu xét tuyển vào ngành ngoại ngữ vì cho rằng đó mới là sở trường của mình. Có người đã tốt nghiệp y khoa nhưng lại bắt đầu thi vào sư phạm vì nhận ra không hợp với ngành y. Sinh viên tốt nghiệp loại giỏi trường kỹ thuật nhưng ra trường để bằng đó, làm công việc mình đam mê từ nhỏ: chơi nhạc…
Điểm chung ở những câu chuyện này là người học chọn ngành không phù hợp với năng lực, không đúng mong muốn mà do làm theo ý muốn của cha mẹ, thầy cô, bạn bè, theo xu hướng đám đông…
Chọn sai ngành nghề không chỉ mất thời gian, lãng phí tiền của, công sức, ảnh hưởng đến cuộc sống của người trẻ mà còn tác động rất lớn đến nguồn lực lao động xã hội.
Hướng nghiệp cần phải sớm hơn giúp người trẻ chọn hướng đi phù hợp ngay từ sau khi hết THCS để lao động Việt Nam có tay nghề chất lượng. Do không hướng nghiệp hiệu quả, thậm chí quá trễ nên mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 30% HS tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gần như không thực hiện được. Hệ quả là sau gần 5 năm giao giáo dục nghề nghiệp về Bộ LĐ-TB-XH quản lý, tỷ lệ người có trình độ ĐH trở lên tăng 2,4%, trong khi người có trình độ dưới ĐH giảm 0,4%, điều này trái ngược với dự báo của Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB-XH) đưa ra năm 2017. Điều đáng bận tâm hơn là dù với với hệ thống GD-ĐT lớn mạnh như Việt Nam mà trên 80% người dân từ 15 tuổi trở lên không được đào tạo chuyên môn kỹ thuật, trong khi các nước tiên tiến, tỷ lệ này dưới 20%.
Khi Bộ GD-ĐT đưa dự thảo thông tư Quy định công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục áp dụng ngay từ bậc tiểu học là đã nhìn thấy những hệ lụy nếu hướng nghiệp trễ hoặc sai.
Trên cơ sở này, từng nhà trường có thêm động lực, quyết tâm để tìm cách tổ chức các hoạt động ngoại khóa liên quan đến định hướng nghề nghiệp cho HS từ bậc tiểu học.
Ước mơ của tuổi thơ thường mãnh liệt. Ước mơ ấy nếu được ươm trồng, nuôi dưỡng, phát triển đúng cách thì sẽ cho quả ngọt. Hướng nghiệp từ tiểu học là dẫn dắt, định hướng để giúp trẻ em ngay từ nhỏ hiểu được nghề nghiệp tương lai, biết đến cái cao quý của từng ngành nghề trong cuộc sống, có khao khát biến ước mơ thành hiện thực.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.